Vùng đồng bào Khmer không ngừng khởi sắc với các chương trình phát triển kinh tế

VOV.VN - Với việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia, chính sách dân tộc, đầu tư cơ sở hạ tầng… giúp đời sống, kinh tế, xã hội các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không ngừng phát triển, khởi sắc.

Từ năm 2011, Tỉnh ủy Trà Vinh bắt đầu ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer và nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động các giải pháp và nguồn lực xã hội cho mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Tỉnh tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên những công trình, dự án có tác động đến phát triển đời sống vùng tập trung đồng bào Khmer. Ðồng thời, tỉnh thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa và môi trường; đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào Khmer để tạo việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Thạch Mu Ni, Phó Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Ngoài việc ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, Tỉnh ủy Trà Vinh còn đưa nội dung công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc vào văn kiện đại hội Đảng qua các kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh Trà Vinh. Với nội dung chủ đạo là tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh tập trung nhiều nguồn lực vào công tác xóa đói giảm nghèo, qua đó tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm rất rõ rệt”.

Chỉ riêng nguồn vốn Chương trình 135, đến nay tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng được hơn 1.170 công trình kết cấu hạ tầng phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào Khmer. Cùng với đó, Trà Vinh còn được Trung ương hỗ trợ thông qua các chính sách đặc thù cho đồng bào Khmer, như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho gần 5.000 hộ và hơn 36.000 căn nhà cho hộ nghèo, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn lượt hộ được vay vốn ưu đãi lãi suất để cải thiện cuộc sống, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất… Sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách dân tộc, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Trà Vinh đang khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến tích cực.

Ông Thạch Thon, người có uy tín ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, một trong những địa phương tập trung đông đồng bào Khmer gần đây có nhiều khởi sắc cho biết: “Nhà nước triển khai rất nhiều chương trình, dự án tại vùng có đông đồng bào Khmer. Đặc biệt về hạ tầng, nhất là giao thông đến tất cả các xã đều có lộ nhựa, còn các ấp đều đường kết nối thông suốt, nhờ đó mà việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện, nông sản của bà con làm ra được giá cao hơn. Nhờ đó mà đời sống của bà con cũng được nâng lên”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng để nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với trên 423.000 người, chiếm hơn 35% dân số của tỉnh, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương , chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với chương trình, dự án có liên quan, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách đảm bảo an sinh, xã hội… từ đó, giúp vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc không ngừng khởi sắc.

Đại đức Lý Thành, trụ trì chùa Tà Ân, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho biết, đời sống của bà con giờ đây đã cải thiện rất nhiều. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước trong đầu tư hạ tầng cơ sở. Hiện nay, lộ giao thông ở xã Thuận Hưng tường đối hoàn chỉnh, bà con đi lại, giao thương hàng hóa khá dễ dàng. Cùng với đó, các chương trình giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ trong phát triển sản xuất, như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cây con giống, hỗ trợ nhà ở, kỹ thuật …. cũng được triển khai rất kịp thời.

“Nếu nói về các đường giao thông ở xã nói chung và các ấp nói riêng hiện nay rất phát triển, có sự đầu tư xây dựng mới, mở rộng lớn hơn trước. Rồi hai bên đường thì được bà con trồng hoa, cây kiểng tạo cảnh quan rất là đẹp trước nhà của mình. Sư thấy rằng phum sóc bây giờ có sự khởi sắc” - Đại đức Lý Thành nói.

Phú Mỹ, là xã có đồng bào Khmer sinh sống đông nhất huyện Mỹ Tú với hơn 90%. Ngày nay, nếu có về địa phương này dễ dàng cảm nhận về sự thay da đổi thịt, điện, đường, trường, nhà cửa của bà con được xây dựng khang trang. Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, thời gian qua, Phú Mỹ đã tranh thủ nhiều nguồn lực từ tỉnh và huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Hiện nay phần lớn lộ giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường kết nối từ xã đến các ấp và từ xã đến trung tâm huyện, và các địa phương khác, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.  

Ông Lý Quảng, một người dân ở ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ nhìn các em học sinh đạp xe đi học thuận lợi và an toàn trên lộ bê tông mới xây xong không lâu, phấn khởi. Ông Quảng cho biết, ấp này có đến 88% đồng bào Khmer sinh sống, trước đây, dù lộ bê tông cũng được đầu tư từ rất sớm, nhưng do mặt lộ hẹp và đã xuống cấp nên đi lại khá khó khăn, bà con khó mà phát triển kinh tế. Giờ đây, lộ bê tông được xây dựng hoàn thành, xe bốn bánh vào đến tận ấp, ông rất hy vọng phum sóc này sẽ ngày càng tiến bộ, đời sống của bà con ngày thêm nâng lên.

“Hiện nay đường lộ đã được mở rộng, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho bà con mình dễ dàng trong kinh doanh, giao thương hàng hóa, như là lúa, hoa màu. Hiện đường thông thương hết mình đi chợ cũng nhanh hơn. Sắp tới, bà con ở đây sẽ vận động nhau trồng hoa 2 bên đường, tạo thông thoáng để việc việc đi lại làm sao dễ dàng nhất” - ông Lý Quảng nói.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án đầu tư đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng giúp các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã, bà con được sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh… Bên cạnh đó, phần lớn đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi trương đối hoàn chỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Sóc Trăng giảm còn 6,6%.

Ông Trương Hán Nghiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sự quan tâm đối với bà con người dân tộc, người dân rất phấn khởi, số hộ thoát nghèo từng năm được tăng lên, rồi mặt bằng dân trí, thu nhập giữa các hộ nghèo và hộ không nghèo thì dần dần thu hẹp lại, chính vì vậy bà con rất là phấn khởi, rồi bà con cũng tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của nhà nước, đặc biệt là địa phương là nơi gần với dân nhất”.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo đầu tư và hỗ trợ kịp thời vùng ĐBSCL nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quan tâm đến triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Cùng sự nỗ lực của các tỉnh và đồng bào dân tộc đã tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc từng bước được nâng lên khởi sắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xóa đói, giảm nghèo ở Kon Tum
Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xóa đói, giảm nghèo ở Kon Tum

VOV.VN - Các Hợp tác xã, tổ hợp tác đã giải quyết việc làm cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo và cải thiện nâng cao đời sống hộ thành viên.

Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xóa đói, giảm nghèo ở Kon Tum

Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xóa đói, giảm nghèo ở Kon Tum

VOV.VN - Các Hợp tác xã, tổ hợp tác đã giải quyết việc làm cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo và cải thiện nâng cao đời sống hộ thành viên.

Bưởi da xanh - cây xóa đói giảm nghèo của vùng đất Hoài Ân
Bưởi da xanh - cây xóa đói giảm nghèo của vùng đất Hoài Ân

VOV.VN - Cây bưởi da xanh ở Hoài Ân cho hiệu quả kinh tế cao đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Bưởi da xanh - cây xóa đói giảm nghèo của vùng đất Hoài Ân

Bưởi da xanh - cây xóa đói giảm nghèo của vùng đất Hoài Ân

VOV.VN - Cây bưởi da xanh ở Hoài Ân cho hiệu quả kinh tế cao đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Cây đước giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân Đất Mũi
Cây đước giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân Đất Mũi

VOV.VN - Từ loài cây giữ đất rừng, cây đước đang ngày càng có giá trị và trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cực Nam Tổ quốc.

Cây đước giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân Đất Mũi

Cây đước giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân Đất Mũi

VOV.VN - Từ loài cây giữ đất rừng, cây đước đang ngày càng có giá trị và trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cực Nam Tổ quốc.