Nộp tiền để thoát 'án tử': Cơ hội 'sống' cho tội phạm tham nhũng
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, tội phạm tham nhũng chỉ được thoát “án tử” khi đã nộp hết số tiền đã tham nhũng, tránh việc “hy sinh đời bố” để lại tài sản cho con cái
Một điểm mới được quy định dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) mà Bộ Luật Hình sự hiện hành không có là về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục cơ bản về hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn.
Thu hồi được tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt
Về quy định này, GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng đây là một sửa đổi mới và bà hoàn toàn tán thành vì trước hết, quy định này nhằm hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết 49 về giảm hình phạt tử hình. Cùng với đó, người bị quy án tử hình sẽ có cơ hội sống nếu nỗ lực, ích cực bằng những hành động cụ thể khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra. Những người này được thoát án tử hình không có nghĩa là họ không bị tù, mà họ vẫn phải chịu án tù chung thân.
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Một điều tích cực nữa là quy định này sẽ giúp các cơ quan chức năng thu hồi được tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Đây là một vấn đề khá bức xúc hiện nay khi tài sản thu hồi được rất thấp, chỉ khoảng trên 20% tài sản bị thất thoát, tham nhũng.
“Cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy ở khía cạnh nào đó sẽ dẫn đến cách hiểu dùng tiền để thoát án tử hình. Hoàn toàn không phải như vậy. Đây chỉ là một cách “quy đổi” nếu anh khắc phục được bao nhiêu thì được giảm án bao nhiêu năm tù. Như vậy được lợi cho cả hai phía, nhất là xã hội. Vì mục đích cuối cùng là phải thu hồi lại được tài sản thất thoát, lãng phí. Còn nếu tử hình họ rồi nhưng không thu hồi lại được tài sản thì cũng không để làm gì”. – GS Phạm Thị Trân Châu nói.
Cũng trăn trở việc thu hồi lại tài sản tham nhũng hiện nay còn rất thấp, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, làm sao phải tính toán đến việc giảm hình phạt khi người phạm tội và gia đình của họ đã hoàn trả lại tài sản do họ làm thất thoát của Nhà nước. “Có người nói làm như thế là dùng đồng tiền để giảm tội, nhưng theo tôi phải tính đến lợi ích kinh tế và lợi ích của con người”.
Phải thu hồi bằng hết tiền tham nhũng mới được giảm án
Theo GS. TS Thái Vĩnh Thắng, xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới là bỏ án tử hình, nên việc dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định giảm từ 22 tội tử hình xuống 15 tội có án tử hình là phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và hướng tới việc bảo vệ quyền con người. Trong Hiến pháp 2013, quyền con người được quy định rất rõ.
Chuyển hình phạt tiền thành tù rất phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thực tiễn cho thấy số tiền chúng ta thu hồi được do thất thoát chỉ trên 20%, thì việc chuyển phạt tiền thành phạt tù nó sẽ làm tính thực tiễn cao hơn.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tinh thần chung là phải bỏ và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. Công ước nhân quyền đã quy định và chúng ta đã là thành viên. “Khi đã tử hình người ta rồi không thể nào hoàn trả được tính mạng của họ nếu như án oan sai”.
GS Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, việc nêu như trong dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định không thi hành án tử hình khi người bị kết án đã khắc phục cơ bản về hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là rất cần thiết. Tuy nhiên, Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng, phải quy định hết sức chặt chẽ quy định này. “Khắc phục căn bản là khắc phục như thế nào? Phải nộp bao nhiêu tiền trong số tiền anh tham nhũng? Đối với tội tham nhũng thì phải tịch thu được bằng hết tài sản người bị kết án đã tham nhũng thì mới được giảm án tử hình”.
Giáo sư Nguyễn Lang, Hội đồng tư vấn kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam |
Giáo sư Nguyễn Lang, Hội đồng tư vấn kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam tán thành với quy định nêu ra như trong dự thảo Luật và cho rằng, trong các vụ án kinh tế thì hình thức xử phạt bằng tiền phải là hình thức phạt chủ yếu. “Xử phạt theo cách này để khắc phục một tổng kết dân gian là “hy sinh đời bố để bảo vệ đời con” vì bố bị phạt tù nhưng tiền bất minh thu được từ việc tham ô, tham nhũng… vẫn để lại được cho đời con. Nếu không như vậy thì vấn đề nhức nhối bấy lâu nay là thu hồi tài sản do tham nhũng sẽ khó thực hiện”./.