Phạt người ra đường không đúng quy định là cần thiết, có căn cứ pháp luật
VOV.VN -“Cách ly xã hội tại nhà” là khái niệm mới, chưa có chế tài cụ thể, khi vi phạm sẽ được xác định là “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân”.
Chiều 3/4, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu từ ngày 4/4, các đơn vị quận, huyện, phường xã tổ chức lực lượng đi kiểm tra, xử phạt tất cả những người đi ra ngoài đường mà không đúng các nội dung được cho phép, không đúng các trường hợp cần thiết được ra khỏi nhà.
Cũng trong tối ngày 3/4, Văn phòng Chính phủ phát đi công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Lực lượng an ninh trật tự đứng xung quanh hồ Hoàn Kiếm |
"Cách ly xã hội tại nhà” là khái niệm mới
Trao đổi với PV VOV.VN, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc Hà Nội xử phạt người ra đường không đúng quy định (vi phạm chỉ thị của Thủ tướng, các quy định về phòng chống bệnh dịch) là cần thiết, có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, khi áp dụng chế tài hành chính thì cũng cần phân biệt hai khái niệm là “cách ly y tế” và “cách ly xã hội”. Người “cách ly y tế tại nhà” là người thuộc diện phải theo dõi tế, thăm khám, quản lý y tế bởi cơ sở y tế địa phương. Hành vi đi ra khỏi nơi cách ly y tế tại nhà có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng nên mức xử lý sẽ nghiêm khắc hơn. Còn đối với những người “cách ly xã hội tại nhà” thì đây là khái niệm mới, chưa có chế tài cụ thể nên khi vi phạm sẽ được xác định là “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân”.
Hành vi này có mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP,với các hành vi cụ thể như: không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế ;..”
Không những chỉ bị xử phạt hành chính, những hành vi như: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly hoặc Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan bệnh dịch nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo điều 240 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 12 năm tù.
Ngoài ra Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân các tối cao cũng thống nhất: “Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi trốn trách cách ly, vi phạm quy định về cách ly gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295.
Cần phải có quy định cụ thể những việc nào là cần thiết
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tuấn– Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta chưa thấy những cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Cho nên, một bộ phận người dân, tổ chức coi nhẹ tính nguy hiểm của dịch bệnh mà không chấp hành các quy định.
Mặc dù ngày nghỉ nhưng lượng người tập thể dục ở hồ Thiền Quang cũng không nhiều. |
Vì vậy, theo luật sư Tuấn các biện pháp kiên quyết, mạnh tay của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trong thời gian qua để phòng, chống dịch COVID 19 là rất cần thiết, đúng đắn nên đã đem lại kết quả rất tốt. Tuy nhiên, theo vị luật sư này, cần làm rõ hơn chỉ đạo của Chủ tịch TP Hà Nội trong đó có quy định nhóm đối tượng bị xử phạt là người già và những người không có việc cần thiết không ra đường.
“Theo tôi cần phải có quy định thật cụ thể như thế nào là việc “cần thiết”. Vì ai cũng có việc cần thiết, có thể việc này không cần thiết với người này nhưng lại là cần thiết với người khác và ngược lại. Người già thì đúng không nên ra đường rồi vì là đối tượng sức khỏe kém dễ bị virus corona xâm nhập. Tuy nhiên, có nhiều việc mà người già cũng cần thiết phải ra đường ngoài những việc được quy định trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ”- luật sư Tuấn nói.
Luật sư Tuấn nhấn mạnh thêm, cần phải có quy định cụ thể những việc nào là cần thiết để mọi người dân hiểu và chấp hành cho đúng. Qua đó, giúp lực lượng chức năng khi thi hành công vụ không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện xử phạt cũng như có cơ hội vi phạm tiêu cực. Đây là việc làm cần thiết cũng như rút kinh nghiệm của việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, có một số địa phương đã hiểu sai tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị này mà làm máy móc hoặc phiến diện, khiến đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân./.