Sang Singapore chữa bệnh, ông Trần Bắc Hà có “né” được lệnh triệu tập?
VOV.VN - Theo luật sư, nếu tình trạng sức khỏe của ông Hà không cho phép, không đủ sáng suốt, minh mẫn thì việc dẫn giải đến tòa không có ý nghĩa gì
Diễn biến đáng chú ý trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 4 ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV sáng 16/1 đó là HĐXX không chấp nhận đơn xin vắng mặt tại tòa của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) sau khi xem xét các giấy tờ chứng minh ông Hà đang điều trị bệnh tại Singapore có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại nước này.
Ông Trần Bắc Hà có "né" được lệnh triệu tập khi đã nhập cảnh vào Singapore để chữa bệnh? (Ảnh: VnExpress) |
Để hiểu rõ thêm diễn biến này, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của tòa; có quyền được nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
“Theo các giấy tờ mà đại diện của ông Hà đã nộp lên tòa, ông Hà đã ra nước ngoài để chữa bệnh từ ngày 7/1; không rõ đơn mời luật sư của ông Hà được ký ngày nào, qua rất nhiều lần tòa triệu tập ông Hà không xuất hiện. Thời điểm luật sư của ông Hà xuất trình đơn cũng là lúc ông Hà không còn ở Việt Nam. Theo quy định, cần có sự xác nhận của ông Hà tại Tòa vì có thể khi ra phiên tòa, ông Hà sẽ phải trả lời câu hỏi của HĐXX thể hiện quyền của mình về việc có tiếp tục yêu cầu luật sư nữa hay không”, luật sư Chi phân tích.
Trong trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được Tòa án chấp nhận cho phép ủy quyền và được cho vắng mặt tại Tòa, khi đó tòa sẽ sử dụng những lời khai trước đó của người này khi cần thiết.
Trường hợp, người được tòa triệu tập với tư cách làm chứng, theo luật sư Chi, việc ủy quyền cho người đại diện sẽ khó được tòa chấp nhận vì sẽ không đảm bảo được các yếu tố đầy đủ và khách quan khi thẩm vấn. Trong nhiều trường hợp cần thiết, người đó có thể bị dẫn giải nếu tòa án có lệnh yêu cầu theo quy định tại Điều 66, mục 4, tiết a Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
Như vậy, trong trường hợp của ông Trần Bắc Hà, theo luật, việc dẫn giải ông này đến tòa hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc dẫn giải còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của ông này. Nếu tình trạng sức khỏe của ông này không cho phép (có xác nhận của bệnh viện), ông Hà không đủ minh mẫn, sáng suốt thì việc dẫn giải ông này tới tòa cũng không giải quyết được gì.
Trong vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV, ông Trần Bắc Hà được xác định đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay mua vật liệu xây dựng 4.700 tỷ đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng trên 2.550 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử đã nhiều lần yêu cầu triệu tập ông Trần Bắc Hà cùng hai cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV là Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” và “người làm chứng” nhưng những người này vẫn chưa xuất hiện.
Trong bản giải trình gửi cơ quan điều tra trước đó, ông Hà thừa nhận đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư với nội dung phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng; khẳng định việc ký cho vay là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường./.
Vụ án Phạm Công Danh: Ông Trần Bắc Hà đã nhập cảnh vào Singapore chữa bệnh