Sửa luật Hình sự: Cần hình sự hóa hành vi say rượu lái xe
VOV.VN - Theo các chuyên gia, hành vi lái xe trong tình trạng say rượu có thể coi là tội phạm vì hậu quả có thể nhìn thấy được, họ có thể cán chết người
Theo thống kê, hiện nay mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2014, TNGT có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,5%, trong đó riêng với đối tượng nam giới là 35,7%.
Nhiều ý kiến cho rằng, tai nạn do uống rượu bia khi tham gia giao thông lớn như vậy nhưng việc phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nồng độ cồn rất hạn chế, việc xử lý chưa nghiêm cũng là nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông không giảm trong thời gian qua. Vì thế, cần xử lý nghiêm các lái xe uống rượu bia gây tai nạn giao thông, thậm chí phải xử lý hình sự các hành vi này.
Cần hình sự hóa hành vi say rượu lái xe
Thạc sĩ luật học Nguyễn Đức Hùng, Văn phòng luật sư Bross và cộng sự cũng cho rằng, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe chỉ là một trong các nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm luật giao thông, cũng như các vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua. Vấn đề hình sự hóa các hành vi vi phạm luật giao thông là cần thiết, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng đã có một số quy định về các loại tội phạm liên quan đến các hành vi phạm luật giao thông (Điều 202, Điều 204 và Điều 205 Bộ luật Hình sự..). Tuy nhiên, việc hình sự hóa các hành vi nào, loại và mức hình phạt như thế nào thì cần phải có sự nghiên cứu, xem xét và đánh giá hết sức thận trọng, kỹ lượng và toàn diện của các cơ quan chức năng.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (Ảnh minh họa TTXVN) |
“Theo quan điểm của tôi thì chúng ta nên hình sự hóa đối với các hành vi vi phạm phổ biến và là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông hiện nay như: Hành vi lái xe trong tình trạng say rượu hoặc sử dụng các chất kích thích khác, chạy quá tốc độ quy định ở mức đặc biệt nguy hiểm... Để tránh việc lạm dụng việc xử lý hình sự, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực đến các mặt khác của đời sống xã hội thì việc xử lý hình sự chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp tái phạm, với các chế tài (hình phạt) mang tính giáo dục, răn đe là chính như: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tịch thu phương tiện, còn hình phạt tù có thời hạn chỉ nên áp dụng trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng”- Nguyễn Đức Hùng đề xuất.
Dẫn quy định Luật trong pháp luật một số nước trên thế giới, GS.TS Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật Hà Nội) cho biết, Pháp chia tội phạm hình sự ra 3 loại: tội giết người, các tội thông thường và tội vi cảnh. Còn ở châu Âu cũng có 3 loại tội phạm hình sự: lái xe vượt đèn đỏ không gây tai nạn, lái xe không có giấy phép chưa gây tai nạn, lái xe trong tình trạng say rượu họ đều xử lý hình sự. Không đơn giản, lái xe vi phạm chỉ bị công an phạt trên đường và ghi biên bản mà họ còn phải đến Tòa để xử lý các vấn đề này. Ở Tòa chủ yếu cũng xử phạt tiền và giam người vi phạm tối đa 7 ngày nhưng quan trọng người ta quan niệm đó là tội phạm và như thế cũng làm giảm bớt vi phạm giao thông.
“Một năm Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Con số này so với các nước là rất lớn, một trong những nguyên nhân là xử lý chưa nghiêm. Có những vụ tai nạn giao thông mà xe con thấy đèn đỏ dừng lại nhưng container cán bẹp xe con. Tình trạng này cho thấy độ an toàn tính mạng của con người ở Việt Nam rất thấp. Vì thế, nên phải hình sự hóa một số hành vi vi phạm luật lệ giao thông, có như thế mới có tính răn đe”- GS.TS Thái Vĩnh Thắng nói.
Theo TS Nguyễn Đăng Dung, hành vi say rượu lái xe cũng có thể là tội phạm vì đoán trước được nguy hiểm. “Say rượu lái xe hiện nay mới không được coi là tội phạm, chỉ phạt hành chính, như thế không đủ tính răn đe. Theo tôi phải coi những người có hành vi say rượu lái xe là tội phạm vì hậu quả có thể nhìn thấy được, họ có thể cán chết người”.
Luật nghiêm cũng vô tác dụng khi người thi hành tiêu cực
Theo Luật sư Tạ Quốc Long, công ty Luật Đức Bảo, các hành vi vi phạm giao thông hoặc trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông bị coi là tội phạm khi hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định từ Điều 202 đến Điều 220 Bộ luật Hình sự 1999. Bộ luật đã tiên lượng và điều chỉnh tới tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không… “Hình phạt cho các loại tội phạm này hoàn toàn không nhẹ, từ phạt tiền đến 20 năm tù. Như vậy không phải do hình phạt thiếu nghiêm khắc mà dẫn đến tai nạn giao thông ra tăng”.
Luật sư Tạ Quốc Long cho rằng, vấn đề là ở chỗ cần xem xét trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng của những người tham gia giao thông hoặc người có trách nhiệm quản lý các công trình giao thông. Trách nhiệm đòi hỏi mỗi người phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng các nghĩa vụ liên quan đến giao thông mà pháp luật quy định. Đồng thời những người có trách nhiệm thi hành pháp luật cần thật sự trong sạch khi thi hành công vụ, không vì những cái lợi nhỏ mà bỏ qua lỗi của người tham gia giao thông từ đó giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của họ và gìn giữ chất lượng của các công trình giao thông trước sự tàn phá của các phương tiện vi phạm.
Thạc sĩ luật học Nguyễn Đức Hùng cũng cho rằng, việc nâng cao mức xử phạt không phải là giải pháp tối ưu, chủ yếu có thể giải quyết được các vấn nạn này. Tâm lý chung của mọi người là không ai muốn vi phạm và càng không muốn bị xử phạt dù nặng hay nhẹ, ít hay nhiều nhưng nhiều người vẫn vi phạm luật. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Văn hóa, thói quen và ý thức tham gia giao thông của người dân, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kèm, hoặc vì lợi ích kinh tế như chở quá tải, quá số người quy định…
“Thậm chí là những tiêu cực trong lực lượng thi công vụ, đã tiếp tay, bảo kê cho các hành vi vi phạm, nhiều người nghĩ rằng, khi vi phạm thì chỉ cần hối lộ cho lực lượng chức năng hoặc nhờ sự can thiệp của người thân, bạn bè là có thể không bị xử phạt. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có nhiều giải pháp đa dạng và đồng bộ, trong đó vấn đề mấu chốt và chủ yếu nhất vẫn phải là các biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân, cũng như đảm bảo sự “trong sạch”, tuân thủ đúng pháp luật của những người thi hành công vụ”- Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh./.