Tội chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản bị xử lý thế nào?
Liên quan vụ một số đối tượng quá khích gây rối, đập phá cơ quan công quyền ở Bình Thuận, những hành vi này được quy định như thế nào trong Bộ luật hình sự?
Liên quan vụ một số đối tượng quá khích gây rối, đập phá trụ sở, cơ quan ở Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị đang tạm giữ một số đối tượng để điều tra làm rõ hành vi xúi giục, kích động, đập phá và tấn công lực lượng Công an...Vậy theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, hành vi chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản và xúi giục kích động được quy định như thế nào?
Cổng UBND tỉnh Bình Thuận đã được sơn sửa sau vụ việc nhiều người gây rối ngày 11/6. Ảnh: Việt Quốc) |
Thông tin trên báo chí, đại tá Đào Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng 13/6, Bộ Công an làm việc với công an tỉnh Bình Thuận liên quan đến vụ một số người gây rối tại địa phương.
“Chúng tôi đang hội ý và sẽ xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an về việc khởi tố vụ án”, Đại tá Đào Trọng Nghĩa cho hay.
Còn theo Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, người phát ngôn Công an tỉnh Bình Thuận, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh đang khẩn trương xác minh, phân loại; đồng thời trích xuất hình ảnh từ camera để sàng lọc những người quá khích bị tạm giữ, từ đó củng cố hồ sơ để xử lý. Công an tỉnh cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cầm đầu gây rối.
Liên quan đến các vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Brsoo & Cộng sự phân tích:
“Tội chống người thi hành công vụ” là hành vi xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan quản lý Nhà nước, của cán bộ, công chức và những người được giao nhiệm vụ, công vụ.
Theo quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015, hành vi khách quan của tội phạm này là một trong các hành vi: Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Đó có thể là các hành vi sử dụng vũ lực tác động lên thân thể người đang thi hành công vụ như (đấm, đá, đánh) hoặc đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ (như dọa sẽ gây thương tích, hủy hoại tài sản).
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Brsoo & Cộng sự (Ảnh: QC) |
Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ mà gây hậu quả chết người hoặc đã là dấu hiệu cấu thành “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với hậu quả đã gây ra.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội thì người phạm “tội chống người thi hành công vụ” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Khoản 1, hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 330 BLHS năm 2015 như: Phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 BLHS năm 2015, theo đó hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm một trong các hành vi: Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.
Căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội thì người phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến mức cao nhất là 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Riêng về hành vi xúi giục, kích động gây hậu quả nghiêm trọng, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết:
Theo quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015, đối với những người có hành vi xúi giục, kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện các hành vi tội phạm nêu trên thì cũng coi là những người đồng phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh đó. Đối với những tổ chức, hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng sẽ còn phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn so với những người đồng phạm khác như trong “tội chống người thi hành công vụ”, thì người xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 330 BLHS năm 2015, với mức hình phạt tù là từ 02 năm đến 07 năm, cao hơn so với khoản 1 là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, với các hành vi chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản nói chung và trường hợp xảy ra ở Bình Thuận nói riêng, trải qua quá trình sàng lọc, nếu đủ căn cứ và chính thức có quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, thì những đối tượng gây rối và hủy hoại tài sản có thể bị xử lý theo một trong các tội danh trên tùy theo mức độ vi phạm của hành vi - Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết./. Các đối tượng quá khích, gây rối ở Bình Thuận thừa nhận bị dụ dỗ
Cần trừng trị nghiêm những kẻ cầm đầu, gây rối