Tội phạm giết người tàn bạo tăng, gây lo ngại và bức xúc trong xã hội
VOV.VN - Gốc của tội phạm là từ trong xã hội nếu không được ngăn chặn từ đầu, tội phạm sẽ ngày càng phát triển
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm được trình bày trước Quốc hội cho thấy trong năm 2015, cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố, điều tra hơn 57.400 vụ xâm phạm trật tự xã hội, giảm số vụ và giảm số bị can so với năm 2014.
Tuy nhiên, đáng lo ngại, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.
Dẫn giải Đặng Văn Hùng - hung thủ vụ giết 4 người ở Yên Bái (Ảnh: Đinh Tuấn) |
Trước thực trạng này, đại biểu Quốc hội đề nghị cần có phân tích sâu sắc về nguyên nhân để có giải pháp phòng chống cho phù hợp.
Những con số trong báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết được tình hình đặc biệt nghiêm trọng của các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, trật tự xã hội thời gian qua. Người dân chắc chắn vẫn cảm thấy lo ngại, bất an khi chỉ trong 40 ngày, 3 vụ thảm sát tại Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái đã giết chết 14 người. Đáng nói, vẫn còn tiếp tục có những vụ án mạng xảy ra sau đó. Tính chất đặc biệt nghiêm trọng không chỉ ở số người bị giết mà ở phương thức, thủ đoạn, hành vi phạm tội. Các đối tượng phạm tội hầu hết còn trẻ, thực hiện hành vi phạm tội một cách bình tĩnh, lạnh lùng, vô cảm và quyết tâm hoàn thành đến cùng. Hậu quả để lại thảm khốc nhưng nguyên nhân ban đầu dẫn đến tội phạm lại từ những mâu thuẫn nhỏ. Nhiều khi chỉ vì va chạm giao thông trên đường, vì cái nhìn đểu, vì to tiếng trên bàn nhậu hay vì quả chanh nhưng tính mạng con người sẵn sàng bị tước đoạt.
Từ thực trạng này, các đại biểu Quốc hội nhận định: đây là diễn biến mới của tình hình tội phạm đòi hỏi phải phân tích nghiêm túc nguyên nhân. Theo đại biểu Lê Thị Nga, đoàn Thái Nguyên, hầu hết những vụ phạm tội này thể hiện sự không bình thường trong phát triển nhân cách của đối tượng phạm tội. Trong đó, nguyên nhân chính là do những lỗ hổng trong giáo dục xã hội, nhà trường, gia đình. Những mặt trái của kinh tế thị trường với sự thay đổi chóng vánh về giá trị sống mà công tác quản lý nhà nước không theo kịp, sự xuống cấp về đạo đức, những biểu hiện mất công bằng trong xã hội làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình thành nhân cách lớp trẻ.
Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng Quốc hội phải coi thực trạng này là nghiêm trọng, thảo luận một cách kỹ lưỡng và đưa vào Nghị quyết trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan. Chính phủ nên giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu để chỉ ra xu hướng tội phạm, giải pháp phòng chống, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục kỹ năng, nhân cách sống cho lớp trẻ.
“Quan trọng nhất là phải giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên để họ biết những kỹ năng ứng xử trong môi trường xã hội phức tạp, kỹ năng giải quyết những mâu thuẫn ngay ở trong nhà trường cũng như các tổ chức xã hội có chức năng đối với thanh thiếu niên. Ngay từ bậc mẫu giáo đến đại học vẫn coi trọng giáo dục đạo đức, giáo dục công dân nhưng hiện nay giáo dục công dân bị coi nhẹ chứ không chỉ học sinh. Nó có phải là yếu tố quyết định khi chuyển cấp đâu, giáo viên thì kiêm, học sinh học xong cũng không nhớ gì nhiều”, đại biểu Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Đồng tình với nhận định này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc, đoàn Hà Tĩnh đánh giá những diễn biến mới của tình hình tội phạm cho thấy đã đến lúc cần quan tâm bổ sung thêm những giải pháp khác trong phòng chống tội phạm bên cạnh giải pháp truyền thống là đấu tranh, trấn áp như trước đây.
“Tôi thấy đầu tư cho phòng chống tội phạm chưa tương xứng. Ở trường học, nhiều trường đặt nặng tính thương mại không quan tâm đến giáo dục công dân, bạo lực học đường; trong gia đình bố mẹ bận làm ăn; rồi trật tự kỷ cương quản lý xã hội cũng có rất nhiều vấn đề từ các cơ quan trung ương đến các địa phương cơ sở. Cho nên cái gốc của tội phạm là ở trong xã hội. Công an tòa án viện kiểm sát có nỗ lực bao nhiêu nhưng nguồn gốc của tội phạm trong xã hội không được phòng ngay từ đầu thì nó tiếp tục phát triển thôi. Tôi đề nghị Chính phủ phải đầu tư cho công tác này”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề nghị.
Phân tích những diễn biến mới của tội phạm ở khía cạnh tính tuân thủ pháp luật, đại biểu Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau cho rằng: mặc dù chúng ta đã có luật tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhưng gần như không có mấy ý nghĩa. Người dân bên cạnh việc thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn còn thiếu hiểu biết pháp luật vì ít được trang bị kiến thức trong lĩnh vực này. Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, cùng với việc quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho lớp trẻ, giáo dục pháp luật thông qua những việc làm cụ thể, chấp hành và tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong thực thi pháp luật là cần thiết. Đó là cách để lớp trẻ sống có niềm tin vào pháp luật, từ đó có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Chúng ta thường nói phòng chống tội phạm là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Câu nói đó đúng nhưng chưa cụ thể. Khi đã nhận định nguyên nhân chính dẫn đến những diễn biến mới của tình hình tội phạm, bên cạnh những giải pháp truyền thống như hoàn thiện pháp luật, việc tập trung vào những giải pháp trọng tâm là điều cần thiết. Đặc biệt, xây dựng nhân cách sống, kỹ năng sống cho lớp trẻ, cho một thế hệ là một quá trình chứ không thể làm trong một sớm, một chiều./.
Nghe âm thanh tại đây: