Trường Lương Thế Vinh thu “phí giữ chỗ” của học sinh là trái pháp luật
VOV.VN - Trường Lương Thế Vinh yêu cầu học sinh đóng khoản "phí giữ chỗ" là không đúng với quy định của Bộ GD&ĐT, trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội.
Những ngày qua, câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội đang nóng lên bởi những bức xúc của phụ huynh về việc một số trường ngoài công lập yêu cầu đóng các khoản phí "giữ chỗ" khi nộp hồ sơ. Tuy nhiên khi rút hồ sơ, họ sẽ không được trả lại khoản tiền này hoặc chỉ được hoàn lại một phần trong số đó.
Phụ huynh ở cổng trường Lương Thế Vinh sáng 6/7. (Ảnh: VietNamNet). |
Đây là thời điểm khó khăn vì các bậc phụ huynh cũng như học sinh phải đưa ra quyết định nộp hay không nộp hồ sơ vào trường ngoài công lập.
Nếu nộp hồ sơ vào trường ngoài công lập thì có thể tạm yên tâm vì khi trượt trường công vẫn còn phương án dự bị thứ 2 tạm yên tâm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh và học sinh phải chấp nhận luật chơi ở trường ngoài công lập đưa ra, mỗi nơi một kiểu.
Nhiều phụ huynh phản ánh trên báo chí về việc trước khi nộp hồ sơ vào trường ngoài công lập cho con, họ được yêu cầu nộp khoản phí nhưng sau khi rút hồ sơ không được hoàn lại số tiền này.
Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh công bố điểm trúng tuyển và thu hồ sơ của các học sinh từ ngày 26/6. Cùng với đó, thông tin mỗi học sinh khi làm thủ tục nhập học phải nộp các khoản tổng cộng hơn 6 triệu đồng. Nếu sau khi biết điểm chuẩn công lập, học sinh rút hồ sơ thì sẽ không được trả lại tiền mà khoản đó sẽ được đưa nộp về quỹ khuyến học của trường.
Website trường Lương Thế Vinh sáng 7/7 vẫn còn thông báo tiền phụ huynh đã đóng, nếu rút hồ sơ sẽ nộp lại Quỹ Khuyến học của nhà trường. (Ảnh chụp màn hình). |
Sau sự việc trên, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề nghị Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ. Nhưng theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ không được trả lại đủ số tiền đã đóng góp, số ít khác chỉ nhận được 1/3 số tiền đã đóng góp.
Về vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Đào Thị Lan Anh (công ty luật Thiên Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Đào Thị Lan Anh (công ty luật Thiên Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
Theo quan điểm của luật sư Lan Anh, Trường Lương Thế Vinh yêu cầu học sinh đóng khoản giữ chỗ là không đúng với quy định của bộ GD&ĐT.
Trường Lương Thế Vinh thông báo về việc thu tiền giữ chỗ gồm: Học phí (2 triệu đồng/tháng), xây dựng trường (2 triệu đồng/năm), đồng phục (1,5 triệu đồng ), lệ phí tuyển sinh (300.000 đồng), tiền vở (270.000 đồng), tổng cộng là 6.070.000 đồng. Về vấn đề này, vị nữ luật sư cho rằng, chưa xét đến việc, khi phụ huynh nộp tiền giữ chỗ có được ký một văn bản thỏa thuận dân sự hay chỉ được đọc thông báo của trường trên trang web, facebook… nhưng trường Lương Thế Vinh gọi đây là một thỏa thuận dân sự thì chưa đúng.
Vì theo nguyên tắc thỏa thuận trong bộ luật dân sự được quy định như sau: Khoản 2, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Luật sư Lan Anh cho rằng, quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
Trên thực tế, trường Lương Thế Vinh chỉ thông báo trên trang web và facebook, phụ huynh khi đến nộp hồ sơ và phải đóng tiền giữ chỗ theo sự áp đặt của nhà trường. Khi họ đến rút hồ sơ, trường chỉ trả lại số tiền 2 triệu đồng (tiền đồng phục, tiền mua sách vở) cho những trường hợp xin rút hồ sơ từ ngày 3/7 trở đi, số tiền còn lại trường không trả mà thực hiện việc thỏa thuận lúc đầu là đưa vào quỹ khuyến học là trái với quy định của pháp luật.
Lý giải cho lập luận nêu trên, luật sư Lan Anh đặt ra câu hỏi, các khoản mà nhà trường đã thu gồm: học phí, xây dựng trường, lệ phí tuyển sinh đối với các học sinh không học tại trường thì làm sao phải đóng tiền học phí và xây dựng trường?
Theo quan điểm luật sư, trường Lương Thế Vinh chỉ được phép thu khoản lệ phí tuyển sinh để làm chi phí cho việc tiếp nhận hồ sơ.
Điều 105 Luật Giáo dục quy định:
1. “ Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học, hoặc người học phải nộp để góp phần đảm bảo chi phí cho các hoạt động giáo dục…”
2. Chính phủ quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với tất cả các loại hình nhà trường và có sở giáo dục khác.
Theo luật sư, trường Lương Thế Vinh tự đặt ra các khoản thu, áp đặt phụ huynh học sinh khi đến nộp hồ sơ phải theo quy định của họ, đây là việc làm trái với luật pháp, trái với đạo đức xã hội, bởi đây không phải là thỏa thuận dân sự.
Các khoản thu trái quy định này có thể có thể bị xử phạt hành chính, buộc trả lại các khoản thu sai cho các phụ huynh đã rút hồ sơ. Nếu nhà trường không trả lại tiền giữ chỗ, các phụ huynh có thể khởi kiện nhà trường theo quy định cùa pháp luật./.