Việc thí điểm lắp đặt hệ thống barie trên vỉa hè có vi phạm luật?
VOV.VN -Theo Luật sư, hành vi lắp đặt hệ thống barie trên vỉa hè có dấu hiệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, cụ thể là khoản 1, Điều 33 Luật giao thông đường bộ
Gần đây, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở GTVT TPHCM thực hiện thí điểm lắp đặt hệ thống barie trên vỉa hè một số tuyến đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm... thuộc phường Bến Nghé (quận 1) để ngăn xe máy chạy lên, bảo vệ người đi bộ.
Theo cách này, trên vỉa hè sẽ có 3 thanh inox đường kính 8 cm được gắn so le suốt chiều rộng vỉa hè, ngăn không cho xe máy vượt qua nhưng người đi bộ vẫn có thể lách hoặc bước qua bình thường. Các thanh chắn được gắn so le, chừa khoảng hở gần một mét để xe lăn của người khuyết tật đi qua.
Việc lắp thí điểm barie trên vỉa hè gặp phải nhiều ý kiến trái chiều (ảnh: Lao động) |
Trước phản ứng của dư luận, ngày 14/2, Ủy ban Nhân dân quận 1 đã có công văn số 278 gửi Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Sở Giao thông Vận tải về việc kiểm tra, rà soát các bare trên vỉa hè các tuyến đường quận 1. Theo đó, Công văn đề nghị Sở GTVT TP xem xét tính pháp lý phương án này để tránh xáo trộn đến thói quen đi bộ của người dân cũng như du khách.
Vậy dưới góc độ luật pháp, việc thí điểm lắp đặt hệ thống barie trên vỉa hè một số tuyến đường được người có chuyên môn nhìn nhận như thế nào?
Thạc sỹ-Luật sư Vũ Hồng Hoa, HTX Luật Đống Đa cho rằng, hành vi này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ.
Luật sư Vũ Hồng Hoa dẫn Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ một trong số những hành vi không được thực hiện trên đường bộ là lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông. Trong khi đó, barie trên vỉa hè làm giảm sự chú ý của người đi bộ, cản trở sự di chuyển người khuyết tật, người mù hoặc người phải di chuyển bằng xe lăn…
Việc gắn barie vừa không hợp lý, vừa không hợp pháp
“Đúng là việc đặt barie tại vỉa hè để ngăn người đi xe máy đi lên vỉa hè. Tuy vậy, nguyên tắc của pháp luật là mọi người dân đều phải được đối xử công bằng trong các chính sách pháp luật, nhưng chính việc đặt barie để người đi xe máy không vi phạm pháp luật vô tình lại xâm phạm đến quyền của các đối tượng khác, đặc biệt là người khuyết tật phải di chuyển bằng xe lăn, người mù không nhìn thấy đường, thậm chí người đi bộ bình thường cũng dễ bị vấp phải những barie này nếu không để ý, cản trở lưu thông trên đường”- Luật sư Vũ Hồng Hoa nhấn mạnh.
Theo luật sư Vũ Hồng Hoa, Điều 33 Luật Giao thông đường bộ quy định về việc người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông quy định, người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Dựng barie sẽ cản trở việc đi lại của người khuyết tật, đồng thời còn gây khó cho việc đi lại của người già. Không thể vì ngăn người đi xe máy vi phạm mà lại ảnh hưởng đến quyền của những người còn lại, mà hầu hết là người yếu thế trong xã hội.
“Vì thế không thể vì để ngăn chặn người đi xe máy vi phạm quy định mà lại xâm phạm và cản trở thực thi quyền của những người còn lại, mà hầu hết là người yếu thế trong xã hội”- Luật sư Hoa cho biết.
Theo luật sư Vũ Hồng Hoa, pháp luật đã có quy định cấm và trên thực tế đã xử phạt người có lỗi đi xe máy trên vỉa hè. Cụ thể, theo điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện đi trên hè phố bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng. Do đó, việc tự ý gắn barie vừa không hợp lý, vừa không hợp pháp. Không những gây cản trở quyền mà cơ quan lắp đặt barie này còn có nguy cơ bị yêu cầu phải bồi thường những người đi bộ bị thiệt hại, vấp ngã và chấn thương./.