Vụ 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép: Cần xử lý nghiêm
VOV.VN - Vụ việc 21 người Trung Quốc không có giấy tờ tùy thân, chưa kiểm tra Covid-19 và nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã gây xôn xao trong dư luận.
Đất nước ta đã trải qua gần 100 ngày không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đây là nỗ lực của toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, những ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng số lượng không nhỏ số người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở dẫn đến nguy cơ lan truyền dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, phá hủy những nỗ lực, cố gắng phòng chống dịch của cả nước. Những hành vi này cần được xử lý thật nghiêm khắc.
Vụ việc 21 người Trung Quốc không có giấy tờ tùy thân, nhập cảnh trái phép và được chủ một biệt thự tại Quảng Nam cho lưu trú đã gây bức xúc lớn trong dư luận.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam làm rõ, còn chính quyền địa phương tại địa bàn xảy ra vụ việc chỉ có thể xử lý hành chính đối với hành vi không khai báo tạm trú, tạm vắng của chủ nhân căn biệt thự.
Trước đó vài ngày, các vụ việc tương tự đã xảy ra tại Đà Nẵng, An Giang, Quảng Ninh khi lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng chục người nước ngoài, vài chục người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài rồi lại nhập cảnh trái phép trở lại Việt Nam mang nguy lây lan dịch bệnh… khiến cộng đồng hết sức lo lắng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh phân tích, dù gần đây nhất, kết quả xét nghiệm Covid-19 ban đầu của 21 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã âm tính, song những hành vi vi phạm trong thời điểm dịch bệnh phải được xử lý nghiêm khắc, làm gương để ngăn ngừa tái diễn.
"Chúng ta có quy định hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm thì vi phạm điểm C khoản 1 điều 240, tức là người đã được thông báo mắc bệnh hay người có nghi ngờ mắc bệnh hay trở về từ vùng dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo thực hiện nhưng trốn nơi cách ly, không tuân thủ quy định cách ly, trốn tránh, từ chối áp dụng biện pháp cách ly, không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối, gây ra bệnh hoặc truyền dịch Covid-19 cho người khác thì tùy mức độ vi phạm có thể phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm” - vị luật sư phân tích.
Luật sư Hậu cho biết theo quy định của điều 295, người chưa bị xác định mắc dịch bệnh nhưng sống trong khu vực đã có quy định cách ly trốn tránh không tuân thủ, không khai báo thì có thể phạt tiền 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Chỉ cần một hành động thiếu suy nghĩ của một cá nhân không chấp hành quy định phòng chống dịch có thể khiến Covid-19 bùng phát khó kiểm soát, gây ra những hệ lụy không thể đong đếm cho cộng đồng.
Hàng vạn công dân Việt Nam đã xin trở về nước và sẵn sàng cách ly, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc, thì không có lý do gì, chúng ta lại không xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật những cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch, nhen nhóm lên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng./.