Vụ gian lận thi cử: Nếu phụ huynh đưa hối lộ, có bị khởi tố?
VOV.VN -Dư luận hoàn toàn nghi ngờ việc không phải ngẫu nhiên những người có chức vụ, quyền hạn nâng điểm cho một nhóm thí sinh như vậy.
Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, hiện nay, các địa phương đã bắt đầu công bố kết quả chấm thẩm định bài thi của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 của các thí sinh được nâng điểm thi.
Đáng chú ý, trong số hàng chục thí sinh được nâng điểm, có nhiều trường hợp được cho là con cháu lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp ở địa phương. Các thí sinh này đã bị hạ nhiều điểm sau khi chấm thẩm định. Các em lần lượt bị buộc thôi học hoặc có em tự nguyện xin thôi học.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1966)- Phó Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD tỉnh Sơn La về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. |
Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố một số bị can có chức vụ quyền hạn được xác định là những người trực tiếp sửa điểm hoặc liên quan đến việc sửa điểm.
Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc xử lý 2 thành phần là những người trực tiếp thực hiện và người hưởng lợi trực tiếp là các em học sinh là chưa đủ.
Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang mới chỉ khởi tố về 2 tội danh, thứ nhất là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, tội danh này không liên quan đến yếu tố tư lợi. Nghĩa là, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm sai, gây thiệt hại đến Nhà nước và công dân. Về quy định, hình phạt về tội danh này không quá 15 năm tù.
Tội danh thứ 2 mà một vài trường hợp đã bị khởi tố là tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội danh này có hình phạt cao nhất đến chung thân; có yếu tố vụ lợi bằng cách một người có chức vụ, quyền hạn thông qua sự ảnh hưởng đến một người có chức vụ, quyền hạn khác để hưởng lợi cho cá nhân mình.
“Nếu làm rõ phụ huynh học sinh gian lận điểm thi lợi dụng sự quen biết của mình, đã, đang và sẽ đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn để họ nâng, sửa điểm cho con mình, hành vi này theo pháp luật hiện hành là hành vi đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự và hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.
Đối với người Nhận hối lộ - là những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận lợi ích vật chất hoặc phi vật chất như được thăng chức, được chuyển công tác lên vị trí tốt hơn... hình phạt cao nhất ở tội danh này là tử hình.
“Nếu nhận 1 tỷ đồng thì người nhận hối lộ có thể đối diện mức án tử hình” – luật sư Cường cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Theo luật sư Cường, trong vụ án này, các địa phương chưa làm rõ được động cơ, mục đích nâng điểm. Việc nâng điểm chỉ tập trung ở một số người, trong đó có con em gia đình có chức vụ, quyền hạn, người có địa vị thì yếu tố vật chất cần được đặt ra.
“Có đối tượng ở Hòa Bình đã thừa nhận đã nhận được hơn 500 triệu đồng. Như vậy, cần phải làm rõ nếu đối tượng có chức vụ, quyền hạn, trực tiếp có nhiệm vụ trong đó mà nhận tiền như vậy thì có thể cấu thành tội Nhận hối lộ chứ không phải là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Còn người đã đưa khoản tiền này có thể là phụ huynh, hoặc người nhà thì có căn cứ để khởi tố về tội Đưa hối lộ” – luật sư Cường phân tích.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty luật Dragon, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần phải chứng minh giữa người đưa - nhận hối lộ phải có sự thỏa thuận và người tiếp nhận ý chí của các bên. Nếu không chứng minh được điều này, không đủ chứng cứ thì sẽ phải loại trừ việc đưa-nhận hối lộ.
“Dư luận hoàn toàn nghi ngờ việc không phải ngẫu nhiên những người có chức vụ, quyền hạn nâng điểm cho một nhóm thí sinh như vậy. Ở đây, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của việc nâng điểm, có mối quan hệ như thế nào, qua ai?
Nếu chứng minh được những người có tác động vật chất để sửa điểm thì có căn cứ để khởi tố những người này về hành vi Đưa hối lộ, đồng thời những người nhận lợi ích vật chất hoặc phi vật chất khác cũng có cơ sở để khởi tố về hành vi Nhận hối lộ. Còn khi cơ quan điều tra không chứng minh được là có sự tác động của các phụ huynh mà những cán bộ này tự sửa điểm thì không thể xử lý phụ huynh được” – luật sư Nguyễn Minh Long phân tích./.
Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Bao nhiêu đối tượng đã bị khởi tố?
Bóc “mánh” nhận tiền, sửa điểm trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình