Xử lý hình sự pháp nhân: Thận trọng để không lọt cá nhân
VOV.VN - Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân dễ xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm do cá nhân “núp bóng” pháp nhân
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể). Vậy nhưng, một trong những quy định mới, quan trọng trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này là quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Pháp nhân là chủ thể đặc biệt trong quan hệ pháp luật hình sự nên chỉ chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội đặc thù. Chính vì vậy, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã quy định 32 loại tội phạm, có tính bao quát đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, môi trường, tính mạng, sức khỏe của công dân.
Có nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hay không cần được các cơ quan chức năng xem xét thận trọng, thấu đáo |
Đồng ý với đề xuất trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều chuyên gia cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là nhằm phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là những năm gần đây tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ngày càng gia tăng như: buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, ô nhiễm môi trường… gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.
Ngoài ra, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân còn phù hợp xu thế chung của thế giới và là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia mà Việt Nam đã tham gia.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp cho thấy, các chế tài về hành chính, dân sự hoặc kinh tế chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tái phạm bởi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để được tiếp tục hoạt động.
“Tôi đồng ý với việc sửa đổi, tuy nhiên vấn đề đặt ra là khi chúng ta xử lý hình sự đối với pháp nhân chúng ta phải đưa tội danh như thế nào cho hợp lý để không bỏ lọt cá nhân. Hình phạt như quy định trong dự thảo tôi cho là phù hợp. Tuy nhiên, theo tôi cần tang mức phạt với tội phạm về môi trường”.
Để đảm bảo công bằng và thống nhất đối với việc xử lý vi phạm trong hệ thống pháp luật, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là rất cần thiết. Hiện nay, có một thực tế, cùng một hành vi vi phạm nhưng pháp luật hiện hành lại xử lý hình sự đối với cá nhân, còn doanh nghiệp chỉ có thể xử phạt hành chính với tính chất và mức độ cưỡng chế thấp hơn rất nhiều.
Theo Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, các loại hình phạt áp dụng đối với pháp nhân bao gồm: phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.
Thực tế, các chế tài này đã được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến – Phó trưởng Khoa Pháp luật kinh tế; trường Đại học Luật Hà Nội, việc xử phạt hành chính được thực hiện bởi cơ quan hành chính, vì thế không thể có hiệu quả như việc xử lý bằng một thủ tục tố tụng tư pháp có tính chuyên nghiệp, khách quan và chặt chẽ.
“Xét về mặt hình thức, hình phạt được quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự không khác gì đối với Luật xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên bản chất và tính chất có sự khác nhau. Theo quan điểm cá nhân tôi, trong xử lý vi phạm hành chính, thực thi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp người vi phạm hành chính không chứng minh được nguồn gốc tài sản, nhưng trong việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, việc phạt tiền, tước giấy phép mang tính nghiêm khắc hơn, tính thực thi cao hơn bởi vì khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án chúng ta có lực lượng để yêu cầu các tổ chức thực thi bản án có hiệu lực. Tính thực thi bản án trong Bộ luật Hình sự hiệu quả hơn, nghiêm minh hơn”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến phân tích.
Theo Luật sư Trần Đình Triển – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, lỗ hổng về mặt hình sự của chúng ta là quy kết trách nhiệm hình sự của cá nhân trong pháp nhân rồi lại hình sự hóa về trách nhiệm dân sự của cá nhân dẫn đến việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự mà pháp nhân thì không phải chịu trách nhiệm. Để giải quyết thực tế này, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, Bộ luật Hình sự sửa đổi cần có quy định trách nhiệm dân sự của pháp nhân khi trong pháp nhân có cả cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
“Quy định trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân trong bản án hình sự thì pháp nhân đó phải bồi thường cho những vi phạm. Nếu đặt giả thiết quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì trong các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự thì không công bằng. Một công ty cổ phần có nhiều cổ đông thì xử lý như thế nào? Chúng ta đưa ra quan điểm do bức xúc của xã hội nhưng cũng phải xem xét kỹ”, luật sư Trần Đình Triển nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì pháp nhân có thể bị giải thể, phá sản nên nếu đưa ra hình phạt thì chỉ mang tính hình thức. Theo ông Đỗ Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần thuốc Nam Việt, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân dễ gây chồng chéo với quy định xử lý vi phạm hành chính, đồng thời cũng dễ xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm do cá nhân “núp bóng” pháp nhân.
Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cũng khiến nhiều người dân lo ngại, bởi khi áp dụng các biện pháp xử lý doanh nghiệp vi phạm như: tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động thì quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Anh Nguyễn Thanh Phong ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nêu ý kiến: “Là người lao động tôi nghĩ nếu doanh nghiệp vi phạm thì chỉ cần xử lý người đứng đầu, người phải chịu trách nhiệm, còn doanh nghiệp thì phạt nặng chứ không nên giải thể. Làm như vậy nhiều người lao động sẽ mất việc và vô hình chung cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu như thế nào để vừa xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm lại vừa không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động và các đối tác làm ăn của họ”.
Hiện Bộ luật Hình sự sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, vậy nên việc có nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hay không cần được các cơ quan chức năng xem xét thận trọng, thấu đáo và hình phạt cần đảm bảo nguyên tắc vừa răn đe vừa có tính khả thi đồng thời không gây chồng chéo với các quy định pháp luật khác./.
Nghe âm thanh tại đây: