Xử lý ra sao khi mua bán và sử dụng vũ khí “nóng“?
VOV.VN - Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là những mặt hàng pháp luật cấm mua, bán. Nhưng thực tế nhiều trang mạng rao bán mặt hàng khiến tình hình phức tạp.
Loạn thị trường vũ khí nóng
Khi có nhu cầu mua bất kỳ một loại vũ khí, công cụ hỗ trợ nào từ roi điện, mã tấu, súng, kể cả lựu đạn thì người mua chỉ cần vào mạng xã hội gõ yêu cầu vào mục “tìm kiếm” hàng loạt tài khoản hiện ra trước mặt với cái tên không cần úp mở như “kho hàng nóng”, “shop vũ khí tự vệ”. Trên các tài khoản này, người mua có thể lựa bất kỳ sản phẩm nào kèm theo đó là số điện thoại dùng để giao dịch.
Các trang mạng mua bán súng công khai. |
Điều đáng nói, các trang này đều có hàng ngàn lượt thích, ví dụ như “shop bán đồ tự vệ” có trên 1.700 lượt người thích; shop mua bán vũ khí nóng có trên 5.900 lượt thích. Các loại vũ khí được giới thiệu khá chi tiết bằng hình ảnh, từ chủng loại đến kích thước.
Ví như, click vào shop mua bán đồ tự vệ có địa chỉ tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, một loạt vũ khí nóng hiện ra trước mặt. Rất nhiều chủng loại súng với kích cỡ, đạn dược và được ghi ngay những dòng giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, dù bất cứ nơi đâu shop này cũng có thể mang đến nhà an toàn tuyệt đối. Với số trang bán hàng lớn, lượng người tham gia đông, tương tác nhiều như vậy thì số lượng vũ khí bán ra trên thị trường không phải ít. Và khi vũ khí nóng đã vào tay đối tượng xấu chuyện gì có thế xảy ra, ai cũng đoán định được.
Chính vì quản lý vũ khí nóng khó khăn trên môi trường mạng nên không ít người đã lén lút trao đổi, mua bán khiến tình hình tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” trên địa bàn cả nước thời gian gần đây đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc lo lắng cho người dân.
Ngày 25/11, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) cho biết, đang cấp cứu điều trị 3 bệnh nhân trong một gia đình, gồm: Mã Tuấn Đạt (30 tuổi), chị H’H. (27 tuổi) và bà H’D. (64 tuổi, cùng trú xã Thuận An, H.Đắk Mil, Đắk Nông). Theo thông tin ban đầu, khoảng 22h ngày 24/11, Đạt đi nhậu về và cự cãi với vợ là chị H’H. Không giữ được bình tĩnh, Đạt lấy súng tự chế cất trong nhà bắn một phát vào đầu vợ; sau đó bắn 2 phát vào vùng cổ bà H’D. (mẹ vợ Đạt). Sau khi gây án, Đạt bế 2 con nhỏ sang nhà người thân nhờ chăm sóc rồi về lại nhà dùng súng tự bắn vào cổ mình tự sát nhưng không chết.
Trước đó, ngày 6/11, xảy ra vụ án mạng trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Nguyên nhân ban đầu xác định do mâu thuẫn trong lúc nhậu giữa hai nhóm thanh niên. Bực tức, nghi can Võ Anh Quyền (28 tuổi) ngụ P.Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc cầm súng tự chế (bắn đạn hoa cải) bắn trúng ngực khiến anh Bùi Quốc Quý (29 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc) tử vong.
Hay ngày 21/2, tại thôn Cao Thanh, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra vụ dùng súng săn tự chế bắn khiến một người chết, một người bị thương. Theo thông tin ban đầu, trong lúc chơi bài do xảy ra mâu thuẫn nên ông Hà Duy Tuyết (59 tuổi) đã lấy súng săn tự chế cất trong nhà ra bắn một phát vào bả vai ông Vũ Đình Bảy (47 tuổi, ở cùng thôn) khiến ông Bảy bị thương phải đi cấp cứu. Sau đó, ông Tuyết chạy qua nhà em rể là ông Hà Văn Thọ (46 tuổi, ở cùng thôn Thanh Cao) bắn một phát vào người ông Thọ khiến nạn nhân tử vong.
Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, mức án cao nhất lên đến chung thân
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Lại Thu Trang, công ty luật Gia Việt cho biết, theo điều 4 của Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 có quy định về các nguyên tắc quản lý sử dụng vũ khí, vũ khí quân dụng. Theo đó, chỉ có những người có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được phép quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng. Việc sử dụng vũ khí bắt buộc phải có giấy phép.
Tại điều 3 của Thông tư 17 năm 2017 của Bộ Công an, có quy định về trang bị vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì chỉ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an, trại giam, trại tạm giam, các trường đào tạo công an, các đơn vị công an các cấp mới được phép trang bị vũ khí, vũ khí quân dụng. Và chỉ cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng.
Tại khoản 1 điều 18 của Luật quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nêu cụ thể đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm bộ đội, quân nhân, dân quân tự vệ, cảnh sát biển, công an nhân dân cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát tối cao, kiểm lâm, kiểm ngư, an ninh hàng không, hải quan cửa khẩu và lực lượng chuyên trách chống buôn lậu. Các đối tượng sở hữu, sử dụng đều phải có giấy phép và đều phải là những người có thẩm quyền được sử dụng.
Theo Luật sư Lại Thu Trang, đối với đối tượng tàng trữ mua bán sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháp luật hiện nay quy định xử phạt hành chính và mức nặng hơn có thể là xử lý hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo vị luật sư này điều 10 của Nghị định 167 năm 2013 của CP có quy định về sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm và mức phạt như sau: Phạt sử dụng vũ khí trái phép nhưng chưa gây hậu quả thì bị phạt từ 2-4 triệu đồng. Mua bán vận chuyển trái phép vũ khí bị phạt từ 10-20 triệu.
Trong đó, sản xuất chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng thể thao, súng bắn trái phép bị phạt từ 20-40 triệu. Ngoài ra còn có hình thức sử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép vũ khí công cụ hỗ trợ, hoặc khắc phục hậu quả thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí.
Về hình sự, luật Hình sự có điều từ 304-306 quy định đối với các tội về chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, hoặc là các vũ khí thể thao, chất liệu nổ đều được quy định trong luật hình sự.
Đối với người sử dụng, chiếm đoạt vũ khí quân dụng có thể chịu mức án cao nhất lên đến chung thân.
“Điều này trong pháp luật hình sự, mức phạt đã triệt để và đạt yêu cầu về mức răn đe nhưng mức xử phạt hành chính còn hơi thấp. Ví dụ như sử dụng trái phép, nhưng chưa gây hậu quả chỉ phạt 2-4 triệu đồng. Trong hoàn cảnh, lôi súng ra sử dụng và dí vào người khác, mặc dù chưa gây hậu quả nhưng hành vi đó rất nguy hiểm và nếu chúng ta để mức sử phạt này thì người sử dụng họ coi thường. Theo tôi, cần xử phạt cao hơn nữa để ngăn chặn ngay từ đầu hành vi sử dụng nó và mình phải thấy rằng, chỉ hành chính thôi mà hậu quả đã rất lớn”- luật sư Lại Thu Trang.
Luật sư Lại Thu Trang thông tin thêm, các loại súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao: Người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt loại vũ khí này sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu bị xử phạt hành chính rồi mà còn tái phạm sẽ bị xử phạt hình sự./. Hiện trường vụ tiêu diệt tội phạm ma túy, thu giữ nhiều vũ khí nóng