Từ vụ trộm đâm chết hiệp sĩ: Có nên tồn tại mô hình hiệp sĩ đường phố?
VOV.VN -Từ vụ trộm đâm chết 2 Hiệp sĩ, các chuyên gia cho rằng, những người dân mang tinh thần hiệp sĩ là tốt, nhưng nếu khuyến khích phát triển mô hình hiệp sĩ đường phố thì không ổn.
Hai ngày sau khi xảy ra vụ trộm xe SH đâm chết hai người và làm trọng thương 3 người xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng.
Tuy nhiên, vụ việc thêm một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi, có nên khuyến khích mô hình “dân thường” lập tổ đội săn bắt cướp chuyên nghiệp hay không? Và nếu khuyến khích thì giải pháp nào bảo đảm an toàn cho các hiệp sỹ khi tình nguyện tham gia gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương?
Tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và phát triển (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Theo ông Giao, trong xã hội, ai cũng công nhận tinh thần hiệp sĩ, nhưng hiệp sĩ ở đây chúng ta phải hiểu theo nghĩa rộng: “Hiệp sĩ có thể là những hiệp sĩ trong nhiều lĩnh vực như chống tham nhũng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi người dân khi bị xâm phạm bất kể từ phía nào,…nhưng cũng chỉ nên ở mức độ phòng ngừa tội phạm, cung cấp thông tin chứ không khuyến khích họ bằng việc huấn luyện, giao công cụ cho họ tham gia săn bắt cướp”- ông Giao nói.
Qua đây, Tiến Sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng, bài học lớn và cần làm ngay đối với các cơ quan Nhà nước, cụ thể là lực lượng công an phải rà soát lại năng lực cũng như cách phối hợp, tổ chức trong lực lượng công an để tăng cường cũng như đảm bảo an ninh trật tự. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần phổ biến, tuyên truyền về khả năng cung cấp thông tin, điều kiện cung cấp thông tin phòng ngừa tội phạm hơn là bật đèn xanh cho họ dùng vũ lực chống lại tội phạm. Bởi như thế rất nguy hiểm.
Hai nghi can Nguyễn Tấn Tài và Nguyễn Hoàng Châu Phú tại cơ quan CSĐT |
Về phía những hiệp sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao cho rằng họ không được pháp luật trao cho quyền sử dụng vũ lực để săn bắt cướp. Việc sử dụng vũ lực dựa trên tinh thần hiệp sĩ rất dễ đến rủi ro về tính mạng. Và nếu sơ ý trong công việc, ngược lại, có thể hể họ rơi vào trạng thái phạm tội.
“Tôi nói ví dụ hai thanh niên vừa rồi không chết, nhưng ngược trở lại mấy đối tượng cướp lại chết do hiệp sĩ sử dụng vũ lực khống chế. Trong trường hợp đó, rất thiệt thòi cho các hiệp sĩ. Mặc dù, hành động, động cơ của anh là tốt, nhưng hậu quả những kẻ cướp đó chết thì tòa án sẽ xử thế nào? Đó sẽ lại là vấn đề lớn mà chúng ta cần quan tâm”- Tiến sĩ Giao nói.
Đồng tình với quan điểm này, nhà báo Đức Hiển, báo Pháp luật TP.HCM cho rằng, mô hình hiệp sỹ đường phố là mô hình khó có cơ sở pháp luật để tồn tại. Bởi, tức thời chúng ta tước bỏ tự do, hoặc hạn chế tự do của một ai đó như còng, trói, điều đó phải được thực hiện bởi quyền lực nhà nước chứ không phải quyền lực của một tổ chức không được luật pháp thừa nhận.
Bên cạnh đó, theo nhà báo Đức Hiển, những kỹ năng đối phó với nguy hiểm, với cái ác tuy đã được các hiệp sĩ trang bị nhưng không bài bản, chính quy và chưa có cơ chế chính sách nào cho hiệp sĩ trong quá trình truy đuổi cướp chẳng may thiệt hại về sức khỏe, về tính mạng, hay bị trả thù sau khi bị bắt giữ. Với những những lý do như vậy, nhà báo Đức Hiển cho rằng, mô hình hiệp sỹ không nên tồn tại như hiện nay, bởi, vừa có thể tạo ra những bất ổn, vừa có thể xảy ra những hậu quả ngoài ý muốn chúng ta không kiểm soát được./.