Lý do ông Putin vẫn được lòng dân chúng Nga bất chấp phương Tây trừng phạt

VOV.VN - Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, uy tín của Tổng thống Putin vẫn gia tăng kể từ khi nổ ra xung đột Ukraine bất chấp mong muốn của phương Tây rằng Nga sẽ khuỵu ngã.

Trong giai đoạn đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, truyền thông phương Tây xuất hiện đồn đoán thời gian nhà lãnh đạo Nga Putin còn cầm quyền sẽ không còn là bao.

Giới nhà giàu Nga khi ấy được cho là sẽ từ bỏ sự trung thành đối với chế độ của ông Putin do tài sản của họ bị tịch thu ở phương Tây. Còn đại bộ phận dân chúng Nga được dự báo sẽ nhanh chóng cảm nhận được nỗi đau kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra cho họ và do đó sẽ không sẵn lòng chấp nhận số lượng tử sĩ Nga gia tăng trong cuộc chiến tại Ukraine.

Tuy nhiên kịch bản này vẫn chưa xảy ra và không có dấu hiệu nào điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Uy tín của Tổng thống Putin gia tăng ngoài mong đợi của phương Tây

Trên thực tế, các cuộc thăm dò công luận Nga cho thấy có sự gia tăng uy tín của ông Putin sau khi Nga mở chiến dịch tấn công Ukraine. Mặc dù sự ủng hộ cho cuộc chiến này không cao bằng mức độ ủng hộ tổng thể cho ông Putin, ông vẫn có thể trông cậy vào sự ủng hộ của đa số dân đối với cuộc chiến đó.

Ngoài ra, nền kinh tế Nga vẫn mạnh mẽ bất chấp các lệnh trừng phạt. Thực tế này khiến phương Tây ngỡ ngàng. Các lệnh trừng phạt thậm chí còn củng cố nền kinh tế Nga ở một mức độ nào đó.
Bằng việc từ chối nhận dầu khí Nga, các nước châu Âu góp phần đẩy cao giá dầu khí, từ đó làm đầy thêm cho ngân khố nước Nga.

Các nhà bình luận phương Tây cho rằng đây chỉ là con số thăm dò trên bề mặt chứ thực tế không phải vậy. Họ cho rằng kết quả thăm dò là do công chúng Nga không dám phản đối hoặc bị tác động bởi truyền thông nhà nước Nga.

Nhưng thực tế, ông Putin không hề thiếu những người ủng hộ mình một cách thật lòng.

Trông cậy vào Putin

Nhiều nhà tài phiệt và chính trị Nga cần đến Putin để duy trì sự giàu có và địa vị của mình. Nếu thiếu Putin, họ sẽ mất nhiều thứ.

Nhiều người Nga dân tộc chủ nghĩa tin rằng nước Nga đã được tái sinh dưới thời ông Putin. Một số người ủng hộ chính sách của ông Putin đối với vấn đề dân tộc.

Thập niên 1990, nước Nga đã phải hứng chịu nhiều đau khổ. Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Nga. Sự hỗn loạn kinh tế và chính trị vào những năm 1990 dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin không được nhiều người Nga hoài niệm.

Kỷ nguyên Yeltsin, Nga dường như gia nhập thế giới phương Tây, nhưng đối với nhiều người, thời kỳ đó chỉ mang lại nỗi đau và sự rối loạn về kinh tế. Khi ấy, không những Nga chỉ là quốc gia hạng 2 trên trường quốc tế, mà các lợi ích của Nga có được từ “tự do hóa kinh tế và chính trị” dường như đều thiếu thực chất.

Trong thập niên 1990, những người Nga cao tuổi chứng kiến tiền tiết kiệm của mình bị xóa sạch không chỉ một lần mà hai lần trong vòng một thập kỷ.

Khủng hoảng tài chính lại tạo cơ cho ông Putin

Năm 1998, Nga trải qua cuộc khủng hoảng tài chính. Siêu lạm phát đã tàn phá các khoản tiền tiết kiệm của dân. Người dân không còn đủ sức mua nổi nhiều mặt hàng nhập khẩu.

Ngay sau khủng hoảng tài chính năm 1998, ông Yeltsin đưa ông Putin lên làm quyền Tổng thống Nga, vào cuối năm 1999. 

Ban đầu, chính sách của ông Putin giống với chính sách của ông Yeltsin.

Tuy nhiên vào năm 2015, tình hình đã khác nhiều. Nước Nga trật tự hơn, đường phố sạch sẽ hơn. Không chỉ vậy, người dân có tâm lý tự tin ngày càng gia tăng.

Khi ấy là một năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Hầu hết người Nga ủng hộ động thái đó. Putin cũng có những nỗ  lực để giảm tình trạng tham nhũng tại quốc gia Đông Âu này.

Trật tự sau hỗn loạn

Với bàn tay cứng rắn, Tổng thống Putin đã khôi phục lại trật tự cho nước Nga sau thời kỳ hỗn loạn. Nhiều người Nga hoan nghênh thành công đó của Putin. Tự do hóa kiểu phương Tây đã không mang lại cho hầu hết người Nga một cuộc sống tốt đẹp được những nhà cải cách hứa hẹn sau khi Liên Xô sụp đổ.

Chính quyền Putin mang lại ổn định kinh tế và trật tự, từ đó gặt hái được sự ủng hộ trên diện rộng.
Chính phương Tây và các lệnh trừng phạt của họ càng giúp Putin khẳng định mình là người bảo vệ các lợi ích của nước Nga.

Yếu tố sức khỏe có lẽ là yếu tố chính duy nhất có thể khiến Putin không cầm quyền lâu dài nữa. Nhưng các đồn đoán của phương Tây về tình trạng sức khỏe kém của Putin đều có rất ít cơ sở./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên