Vì sao đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên CCCD?

VOV.VN - Bộ Công an đang soạn thảo dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có việc bỏ vân tay, thông tin quê quán trên bề mặt thẻ căn cước công dân.

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo, có 7 chương, 45 Điều, gồm: Những quy định chung; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước; thẻ căn cước công dân; thẻ căn cước công dân điện tử…

Cụ thể, về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi lần này đã mở rộng thêm đối tượng là người gốc Việt Nam, nhưng không có quốc tịch và  sinh sống tại Việt Nam. Theo đó, họ sẽ được cấp Giấy chứng nhận căn cước, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, dự thảo Luật Căn cước công dân quy định gồm 23 thông tin cơ bản của cá nhân, từ họ tên, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân…; Đặc điểm nhân dạng; Nghề nghiệp; Trình độ học vấn… Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước. Dự thảo Luật Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đặc biệt, dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi cũng quy định lược bỏ một số thông tin thể hiện trên thẻ căn cước công dân. Cụ thể, trên thẻ căn cước công dân sẽ bao gồm 13 thông tin cơ bản như: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Nơi cư trú…

Đối chiếu với mẫu căn cước công dân gắn chip hiện nay, thông tin trên thẻ căn cước công dân theo dự thảo Luật sẽ lược bỏ mẫu vân tay, thông tin quê quán (thay vào đó là thông tin Nơi đăng ký khai sinh)…

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi cũng quy định, người được cấp thẻ căn cước công dân là công dân Việt Nam; Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân. Người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân theo nhu cầu.

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi hiện đang tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện theo sự thẩm định, đóng góp ý kiến của Bộ Tư pháp. Dự kiến dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hồi khóa XV (dự kiến được tổ chức vào tháng 5 năm 2023).

Vân tay đã được tích hợp vào trong chip

Vì sao Bộ Công an đề xuất bỏ thông tin quê quán, vân tay trên thẻ căn cước công dân tại Luật Căn cước công dân sửa đổi? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an – đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Luật:

PV: Thưa ông, vì sao Ban soạn thảo đề xuất việc sửa một số thông tin in trên thẻ căn cước công dân gắn chíp, chẳng hạn nơi thường trú, quê quán…?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc sửa thông tin trên bề mặt của căn cước công dân gắn chip tạo sự thuận lợi cho người dân. Thứ hai, nâng cao tính chính xác và xác thực của những thông tin trên mặt căn cước công dân đã cấp cho người dân. Thứ ba nữa là những thông tin đấy đảm bảo tính ổn định lâu dài và phù hợp với những quy định và phù hợp với dịch vụ mà sử dụng thông tin đó trong quá trình giao dịch của công dân.

Thứ hai nữa là bỏ thông tin về quê quán, mà thay vào đó bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh, bởi vì nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao. Còn quê quán thì đấy là cái mà chúng ta khai và chúng ta cũng chưa có quy trình để xác định xem quê quán đó có chính xác hay không.

Có những người sinh ra ở Hà Nội thế nhưng quê bố mẹ, ông bà thì ở địa phương khác, thì quê quán ghi ở địa phương khác. Cho nên là những thông tin này nó có thể gây khó khăn cho quá trình thu thập thông tin, tiến hành đối sánh để xác định một công dân nào đó.

PV: Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là đề xuất bỏ in dấu vân tay trên căn cước công dân gắn chip. Đâu là nguyên nhân của đề xuất này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Hiện nay thì dữ liệu vân tay đã được tích hợp vào trong chip, được gắn trên thẻ căn cước công dân. Cho nên việc in dấu vân tay trên bề mặt thẻ không còn quan trọng nữa. 

PV: Vậy việc nhận dạng sinh trắc học sẽ dựa trên những yếu tố nào?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Tất cả những thiết bị sau này chúng ta thu thập dữ liệu sinh trắc học đã được in trên bề mặt của thẻ hoặc thu giữ trong chip của căn cước công dân thì sẽ được các thiết bị chuyên dùng để đối sánh. Và người ta sẽ đưa ra những kết quả xác thực về dữ liệu sinh trắc học là vân tay của người được thu nhận với dữ liệu đã được thu nhận được sẽ có trùng khớp hay không. 

PV: Việc thay đổi hàng loạt thông tin như vậy sẽ giải quyết được những mục tiêu gì?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Không phải là thay đổi hàng loạt mà chỉ có một số thông tin thôi. Việc chúng ta thay đổi các trường thông tin được in trên mặt thẻ căn cước công dân không làm phát sinh chi phí, cũng như thủ tục của người dân.

Người dân được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip hiện nay vẫn sử dụng bình thường, đến khi cần phải thay đổi theo quy định của luật thì người dân mới đi đổi và khi đi đổi thì cơ quan quản lý mới tiến hành thay đổi những thông tin trên mặt thẻ căn cước công dân đã cấp cho người dân. Không phải bây giờ thay mà người dân phải đi đổi lại thẻ căn cước công dân gắn chip. 

Những thông tin thay đổi trên thẻ căn cước công dân để đảm bảo tính chính xác hơn, thông dụng hơn và phù hợp với các yêu cầu sử dụng những thông tin đó vào giải quyết các dịch vụ cho người dân.

Tôi lấy ví dụ như hiện nay thì thay đổi nơi thường trú bằng cái nơi đăng ký cư trú. Bởi vì có thể có những người người địa chỉ thường trú không ổn định, thì người ta sẽ có nơi đăng ký cư trú và các thông tin về nơi đăng ký cư trú sẽ được thể hiện trên mặt căn cước công dân. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay in trên thẻ căn cước công dân sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội:

PV: Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật căn cước công dân sửađổi là việc bỏ mà thông tin về quê quán và vân tay trên mặt căn cước công dân,ông có ý kiến như thế nào về đề xuất này?

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi là việc bỏ mà thông tin về quê quán và vân tay trên mặt căn cước công dân, ông có ý kiến như thế nào về đề xuất này. 

Căn cước khi ban hành thì cũng đem lại nhiều tiện lợi cho công dân, vì trong căn cước công dân tích hợp những giấy tờ của cá nhân: bằng lái xe, thẻ bảo hiểm… tạo ra nhiều thuận lợi cho công dân. Đây là cũng là cú đột phá mới về cải cách hành chính.

Nhưng cũng có những băn khoăn, thứ nhất là căn cước công dân mới cấp cho người dân thì liệu chúng ta trình hai nội dung này ra thì chúng ta làm như vậy là chưa căn cơ, chưa toàn diện vì hiện nay căn cước công dân mới đến tay người dân, nhưng mà chúng ta lại vội chỉnh sửa.

Thứ hai là bỏ 2 nội dung này đi thì nó có ảnh hưởng gì không vì trước đây, khi mà chúng ta quản lý công dân bằng quê quán, bằng vân tay.

Thứ 3, nói gì thì nói nó cũng ảnh hưởng đến ngân sách. Hiện nay chúng ta bỏ hai nội dung đó và đồng thời duy trì 3 loại: một là chứng minh nhân dân, hai là căn cước công dân đầy đủ, có quê quán, vân tay; ba là căn cước công dân không có quê quán, vân tay thì nó chưa được thống nhất lắm. Do vậy, nên chăng là cả nước chỉ có một căn cước hoàn chỉnh.

PV: Ông có lưu ý điều gì để việc bỏ những thông tin này nó phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý?

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Quê quán là cái gốc của mỗi con người. Không hiểu tại sao Bộ Công an lại đề nghị bỏ. Còn khai sinh thì có thể là anh ở nơi này, nhưng chưa chắc đã là quê quán. Vì quê quán chúng ta thường lấy theo bố hoặc mẹ.

Ví dụ như là tôi đẻ ở Nghệ An, nhưng quê là Thừa Thiên Huế, thì quê là Thừa Thiên Huế. Hoặc là nơi khai sinh là một nơi nào đó, nhưng người ta lại ra Hà Nội, hoặc về Huế hoặc Tp Hồ Chí Minh, thì ghi nơi khai sinh là chưa chuẩn lắm. 

Trường hợp này cũng rất nhiều, từ nhỏ bố mẹ công tác tại Hà Nội thì con sinh ra ở Hà Nội, nhưng bố mẹ ở 5-6 năm thôi, rồi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, chuyển vào Huế hoặc một đơn vị nào đấy, nhưng mà gốc quê ở Ninh Bình hoặc ở Nghệ An… thì cũng phải tính kỹ chuyện này, khi làm căn cước thế nào. 

Do vậy thì nên là căn cơ hơn, Chính phủ cũng như cơ quan trình cũng đánh giá, làm thế nào tạo điều kiện, làm một ý căn cước công dân tránh rườm rà, nhưng mục đích của căn cước công dân, đó là cái pháp lý của người dân khi chúng ta đi làm việc, giao dịch thì căn cước công dân này phải như một cái “gậy” của mỗi công dân và cái định danh cá nhân là thể hiện 12 số, là quê ở đâu thì bây giờ quê quán là cái gốc để đối chiếu, chứ còn căn cước công dân càng gọn thì càng tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bộ Công an đã tiến hành cấp được hơn 71 triệu thẻ Căn cước công dân có gắn chíp cho công dân. Tuy vậy, một số thông tin trên thẻ như mẫu vân tay đã được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc tiếp tục in trên thẻ căn cước công dân là không cần thiết. Trong khi đó, thông tin về quê quán đều là người dân tự khai, ít có khả năng thẩm định gây khó khăn cho công tác quản lý.

Do vậy, tại dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất lược bỏ một số thông tin về quê quán, vân tay nhằm mục tiêu khắc phục những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào? 

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao nên chuyển sang căn cước công dân gắn chip
Vì sao nên chuyển sang căn cước công dân gắn chip

VOV.VN - Công an TP.HCM (CATP) đã giải đáp một số vấn đề về việc cấp, đổi căn cước công dân (CCCD).

Vì sao nên chuyển sang căn cước công dân gắn chip

Vì sao nên chuyển sang căn cước công dân gắn chip

VOV.VN - Công an TP.HCM (CATP) đã giải đáp một số vấn đề về việc cấp, đổi căn cước công dân (CCCD).

Khởi tố vụ án nhận tiền để "làm nhanh" căn cước công dân
Khởi tố vụ án nhận tiền để "làm nhanh" căn cước công dân

VOV.VN - Liên quan vụ một cán bộ công an được cho là nhận tiền để "làm nhanh" căn cước công dân (CCCD) cho người dân ở quận Gò Vấp, TP.HCM, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội "nhận hối lộ" và "môi giới hối lộ".

Khởi tố vụ án nhận tiền để "làm nhanh" căn cước công dân

Khởi tố vụ án nhận tiền để "làm nhanh" căn cước công dân

VOV.VN - Liên quan vụ một cán bộ công an được cho là nhận tiền để "làm nhanh" căn cước công dân (CCCD) cho người dân ở quận Gò Vấp, TP.HCM, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội "nhận hối lộ" và "môi giới hối lộ".

Đề xuất bổ sung ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước công dân
Đề xuất bổ sung ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước công dân

VOV.VN - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về một số nhóm thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói…

Đề xuất bổ sung ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước công dân

Đề xuất bổ sung ADN, giọng nói vào dữ liệu căn cước công dân

VOV.VN - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về một số nhóm thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói…