Vì sao gia tăng những băng, nhóm cướp mặt "búng ra sữa"?
VOV.VN - Công ăn việc làm, thu nhập của một số thanh thiếu niên bị ảnh hưởng dẫn tới thiếu thốn về vật chất cũng là nguyên nhân làm gia tăng các hoạt động tội phạm, nhất là nạn trộm cắp, cướp giật…
Thời gian qua, dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội. 3 tháng trở lại đây, tình trạng cướp, cướp giật tài sản có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn Thủ đô với thủ đoạn ngày càng manh động, liều lĩnh.
Cướp để lấy tiền ăn chơi
Ngày 3/8, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin kèm theo đoạn clip về vụ cướp xe máy của nữ công nhân môi trường Hà Nội. Trong clip, nữ công nhân này đã van xin, khóc lóc thảm thiết khiến nhiều người không khỏi xót xa, bất bình. Vụ việc đã được làm sáng tỏ khi những tên cướp bị cơ quan chức năng vây bắt thành công.
Theo một chỉ huy Đội Chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, trong các tháng 5, 6, 7/2021, Phòng CSHS phối hợp với công an các quận, huyện đã triệt phá hàng chục ổ nhóm cướp giật. Trong đó có những tên cướp dù tuổi còn trẻ nhưng thủ đoạn manh động, liều lĩnh, gây ra liên tiếp nhiều vụ cướp nghiêm trọng.
Ngày 29/7, Công an phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông tạm giữ hình sự 7 đối tượng từ 15-19 tuổi về hành vi dùng hung khí uy hiếp, cướp điện thoại di động iPhone 7 Plus và số tiền chỉ có 30.000 đồng.
Các đối tượng này khai nhận, do không có tiền ăn tiêu, một đối tượng trong nhóm nảy nảy sinh ý định đi cướp tài sản rồi bàn bạc, thống nhất ra khu vực Yên Nghĩa, Hà Đông để “cứ gặp ai có tài sản giá trị là cướp về chia nhau”. Theo sự "phân công", 2 đối tượng đi đầu sẽ vọt lên dùng kiếm uy hiếp, sau đó hai đối tượng đi sau sẽ áp sát, dùng dao phối hợp cướp tài sản. Nếu người có tài sản bỏ chạy, cả bọn sẽ truy đuổi đến cùng. Trường hợp bị người dân ngăn chặn, xe của 3 đối tượng còn lại sẽ cản đường để đồng bọn tẩu thoát.
Chỉ huy công an quận Hà Đông chia sẻ, lời khai của bị hại cho thấy, hành vi của bọn cướp rất manh động, nhưng không phải là tội phạm hình sự chuyên nghiệp. Động cơ gây án bộc phát và phần nhiều trong số đó thiếu sự quản lý của gia đình, bất chấp dịch bệnh phức tạp vẫn ra đường.
Từ những vụ việc trên, cơ quan công an Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế không mang theo vàng, đồ trang sức trên người; tránh đi một mình vào những tuyến đường, khu vực khuất vắng, đêm khuya... dễ gây sự chú ý và nảy sinh lòng tham của các đối tượng xấu. Hiện, Phòng CSHS đang tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện và thị xã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, triển khai hiệu quả những chuyên đề, kế hoạch phòng ngừa loại tội phạm trên.
Một bộ phận thanh thiếu niên đua đòi, thích hưởng thụ
Trong vụ cướp xe máy của chị Lê Thị Trâm, nữ nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, cơ quan chức năng đã bắt giữ 4 đối tượng gồm: Bùi Quý Phương (SN 2003, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Trịnh Minh Hiếu (SN 2002, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Lê Minh Khánh (SN 2002 trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trương Thiên Bình (SN 2003 ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội).
Cả 4 đối tượng trên đều rất trẻ, dưới 20 tuổi. Như vậy, tình trạng trẻ vị thành niên rủ nhau đi cướp giật thời gian qua đã không còn là hiện tượng cá biệt. Th.S Ngô Thế Nghị, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng rất đau lòng, cho thấy thực trạng đáng lo ngại về trẻ vị thành niên phạm tội. Nếu như trước đây, tội phạm do trẻ vị thành niên gây ra chủ yếu là các tội ít nghiêm trọng, thì nay đã có một số vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Theo ông Ngô Thế Nghị, nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn xuất phát từ yếu tố gia đình: hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly dị, mồ côi, thiếu sự quan tâm, không kịp thời uốn nắn giáo dục nên bỏ học sớm, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, kích động dẫn đến phạm pháp; sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội, đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên.
Trong đó, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đua đòi, tâm lý muốn có tiền mua sắm, ăn chơi, hút chích nên sẵn sàng tham gia các băng nhóm trộm cắp, cướp giật. Cùng với đó, các yếu tố xã hội cũng có tác động đến tâm lý của trẻ vị thành niên; thiếu các sân chơi bổ ích có tính định hướng nhân cách và nghề nghiệp cho trẻ; do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng xấu đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, lối sống thực dụng trong một bộ phận tầng lớp trẻ hiện nay.
Bên cạnh đó là tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hoá đồi truỵ, bạo lực, đặc biệt là tình trạng nghiện game bạo lực; lối sống thích hưởng thụ, sự tiêm nhiễm những luồng văn hóa độc hại, các trang mạng xã hội, kích động bạo lực, kích động tình dục...
Bên cạnh đó, theo ông Nghị, một nguyên nhân có tính thời sự là dịch bệnh COVID19 kéo dài và diễn biến phức tạp, dẫn tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Công ăn việc làm, thu nhập của một số thanh thiếu niên bị ảnh hưởng dẫn tới thiếu thốn về vật chất cũng là nguyên nhân làm gia tăng các hoạt động tội phạm, nhất là nạn trộm cắp, cướp giật…
Để giải quyết vấn đề này, ông Nghị cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý đối tượng thanh, thiếu niên hư hỏng, lập hồ sơ đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng, hoặc đưa ra kiểm điểm, quản lý, giáo dục tại cộng đồng dân cư. Các cơ quan công an tăng cường lực lượng tấn công, truy quét tội phạm hình sự; xử lý nghiêm trước pháp luật để giáo dục, răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật do lứa tuổi vị thành niên gây ra./.