Vì sao ngày càng nhiều vụ lạm dụng tình dục, dâm ô?
VOV.VN -Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều người có tiền, có quyền nhưng lại vướng vào lao lý liên quan đến các hành vi sàm sỡ, ấu dâm, cưỡng dâm,...
Thời gian qua, các trường hợp bị sàm sỡ nơi công cộng, lạm dụng tình dục, ấu dâm xuất hiện ngày càng nhiều, bị cộng đồng lên án mạnh mẽ. Đặc biệt là những người gây ra vụ việc này đa phần từng có địa vị trong xã hội, am tường luật pháp. Vì sao người có tiền, có quyền lại vướng vào hành vi dâm ô?
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại tòa. (Ảnh: Zing.vn) |
Nhiều người còn nhớ cách đây không lâu, vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu) bị cáo buộc thực hiện hành vi dâm ô với nhiều bé gái gây rúng động dư luận. Và gần đây nhất, việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng bị camera an ninh ghi lại cảnh ôm hôn bé gái trong thang máy chung cư ở quận 4, TPHCM lại tiếp tục khiến người dân vô cùng bức xúc.
Đáng nói là nhiều trường hợp có hành vi tương tự dẫu được xử lý theo quy định của pháp luật nhưng vẫn không được dư luận đồng tình bởi hình phạt chưa có tính răn đe. Trong khi ông Thuỷ thoát án 3 năm tù giam, hưởng án treo 18 tháng thì vụ ông Nguyễn Hữu Linh đến nay vẫn dây dưa, chưa thể xét xử.
Trong khi các vụ việc trên vẫn chưa lắng xuống thì mới đây, ngày 26/7, nam lãnh đạo của một tập đoàn địa ốc, là hành khách hạng thương gia đã có hành vi sàm sỡ một nữ hành khách trên chuyến bay VN253 HAN-SGN.
Theo thông tin phản ánh, nam hành khách ngồi ở ghế 6D đã có hành vi sờ mó người phụ nữ ngồi cạnh và cả nữ tiếp viên trưởng chuyến bay. Sự việc trên khiến cộng đồng lại dậy sóng trước sự thô thiển của người đàn ông này, và một lần nữa nhiều người bày tỏ băn khoăn về thái độ sống, ứng xử thiếu văn hóa của những người có địa vị trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, người dân quận 4, TPHCM, đây là sự lệch lạc trong nhân cách những con người này lâu rồi. Và khi càng có tiền, càng có địa vị trong xã hội thì càng dễ bộc phát con người thật.
Nguyễn Hữu Linh được cho là có hành vi dâm ô một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (TPHCM)- Ảnh từ camera |
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều người có tiền, có quyền nhưng lại vướng vào lao lý liên quan đến các hành vi sàm sỡ, ấu dâm, cưỡng dâm, lạm dụng tình dục nơi công cộng, công sở… Đáng lo ngại là những hành vi lệch lạc nhân cách đó còn xuất hiện ngay cả trong môi trường giáo dục. Thời gian qua, chuyện hiệu trưởng, hay thầy cô giáo có hành vi dâm ô, quan hệ tình cảm ngoài luồng, cả với các em học sinh mà mình đang dạy học, đã xảy ra thường xuyên hơn, nhưng việc xử lý chưa đến nơi đến chốn, gây bức xúc trong dư luận.
Có ý kiến cho rằng, trước đây những vụ việc tương tự không hẳn là không có, nhưng nay nhờ công nghệ thông tin phát triển nên những hành vi xấu xa này bị lan truyền rất nhanh chóng. Những hành vi xấu đó gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, không chỉ ảnh hưởng bản thân nạn nhân mà còn dẫn đến tổn thương rất lớn về tinh thần cho chính người thân của các đối tượng này, gây ảnh hưởng đến xã hội.
Ông Trần Văn Thanh, một giáo viên tại TPHCM, cho rằng: “Không phải do chức quyền hay tiền bạc, mà do tâm lý nhân cách cá nhân người đó, nhưng ít nhiều cũng có sự tác động từ chuyện có chức quyền, tiền bạc… Dân gian ta hay nói: “Nhàn cư vi bất thiện”, có tiền nhiều để làm gì, có tiền thì hay sinh tật. Hay nhiều ông có chức cao quyền to thì lại có tư tưởng không sợ pháp luật”.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự phân tích những người có kinh tế khá giả, đã hoặc đang giữ vị trí nhất định trong xã hội thường có điều kiện tiếp xúc với nhiều người, dễ dàng tạo được niềm tin. Việc thoải mái khi giao tiếp, dễ dàng bộc lộ cảm xúc cũng có nhiều nguy cơ sẽ mất đi khả năng kiểm soát cảm xúc… Trong khi đó, các vụ việc liên quan đến sàm sỡ, lạm dụng tình dục nơi công cộng, ấu dâm... đã xảy ra, lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nhưng chưa được xử lý thích đáng, mang tính răn đe, khiến nhiều người dân hết sức ngao ngán, chỉ biết tự tìm cách bảo vệ bản thân, khuyên bảo con em mình tránh xa kẻ xấu.
Chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự cho rằng, xã hội ngày càng phát triển thì tư duy ngày càng thoáng hơn, có điều kiện tiếp nhận nhiều thông tin trên mạng xã hội. Những thông tin về các trường hợp vụ việc cụ thể được thực hiện trót lọt nhưng chưa được xử lý nghiêm túc phần nào dẫn tới suy nghĩ mất niềm tin cũng như xem thường pháp luật. Đó là ở nước ta, còn tại một số quốc gia lân cận, những hành vi nêu trên, pháp luật quy định rất chặt chẽ, khi vi phạm thì phải chịu án phạt rất nặng.
“Ở những hành vi xâm hại tình dục, cưỡng dâm, ví dụ như Hàn Quốc, cơ quan chức năng sẽ tiêm một liều thuốc khiến cho kẻ tội phạm đó là mất đi chức năng hoặc giảm khả năng ham muốn. Tội càng nặng thì càng có những hình phạt tương ứng, thích đáng hơn. Điều đó sẽ làm gương những kẻ khác đang muốn có ý định tương tự”- Chuyên gia tâm lý Đỗ Sự chia sẻ.
Tính nghiêm minh của pháp luật là có chế tài thích đáng để xử lý những hành vi xấu trong xã hội. Nhưng mức phạt 200.000 đối với hành vi sàm sỡ của kẻ biến thái trong thang máy một chung cư tại Hà Nội cho đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến như một minh chứng về chế tài thiếu tính răn đe, nhất là so với luật pháp quốc tế đối với hành vi tương tự. Rõ ràng, khi pháp luật còn kẽ hở, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ thích đáng thì khó ngăn chặn các đối tượng phạm tội, có hành vi quấy rối tình dục, dâm ô./.