Vì sao nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị truy tố?
Cáo trạng xác định, bị can Đặng Thanh Bình đã không chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh.
Viện KSND Tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình – nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cùng 4 đồng phạm về tội “Thiếu trách trọng nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan tới vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng, xảy ra tại NHNN Việt Nam, Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN Việt Nam và Ngân hàng Đại Tín – tiền thân Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Năm bị can gồm: Đặng Thanh Bình – nguyên Phó thống đốc NHNN; Hà Tấn Phước - nguyên Tổ trưởng giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An; Phạm Thế Tuân – nguyên Tổ phó giám sát, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Lê Văn Thanh – nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An, tổ trưởng giám sát và Ngô Văn Thanh – tổ viên tổ giám sát, nguyên phó Phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An.
Theo cáo trạng, bị can Đặng Thanh Bình được phân công phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát NHNN…, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém, trong đó có Ngân hàng TMCP Đại Tín. Ngày 15/8/2012, Đặng Thanh Bình ký tờ trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Ngày 31/8/2012, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc NHNN chịu trước nhiệm về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng năng lực tài chính của Ngân hàng Đại Tín.
Ông Đặng Thanh Bình |
Ngày 4/9/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có tờ trình về việc tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (Trustbank) gửi Phó thống đốc Đặng Thanh Bình, kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng như điều kiện đối với cổ đông sáng lập cá nhân, tổ chức khi thành lập mới ngân hàng.
Cụ thể, có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập ngân hàng TMCP và cam kết không được dùng vốn ủy thác, vốn vay các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn. Yêu cầu nêu trong phương án của NHNN, chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN là để đảm bảo năng lực tài chính thực sự của nhóm cổ đông tham gia tái cơ cấu Trustbank.
Nhưng bị can Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng yêu cầu mà có bút phê vào tờ trình này: “Việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của NHNN”.
Sau đó, ngày 6/9-2012, bị can Đặng Thanh Bình ký công văn số 652 về việc chấp thuận chủ trương, phương án tái cơ cấu Trustbank.
Sau một thời gian cho nhà đầu tư mới tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín, đến ngày 14/6/2013 bị can Đặng Thanh Bình ký thông báo số 153 thừa nhận lộ trình triển khai phương án còn chậm do chủ yếu năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu còn hạn chế. Mặc dù vậy, ngày 2/7/2013, ông Bình vẫn ký công văn số 440 về việc chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín.
Như vậy, bị can Đăng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án NHNN trình Thủ tướng, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, không chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh vào quản lý, điều hành Ngân hàng Đại Tín.
Từ đó, Phạm Công Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội, dẫn đến hậu quả từ khi nhóm cổ đông của Phạm Công Danh quản trị, điều hành VNCB ngày càng thua lỗ. Theo báo cáo tài chính của VNCB năm 2012 đã kiểm toán, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế hơn 8.765 tỷ đồng; năm 2013 lỗ lũy kế hơn 11.348 tỷ đồng.
Thời điểm khởi tố vụ án 26/7/2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.469 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với khi chưa tái cơ cấu, tổng nợ phải trả là hơn 38.255 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm đã được xét xử giai đoạn 1 xác định hậu quả thiệt hại hơn 9.133 tỷ đồng.
Vai trò của các đồng phạm
Các bị can Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại Ngân hàng Đại Tín/VNCB được NHNN giao nhiệm vụ giám sát hoạt động tài chính của VNCB.
Nhưng các bị can đã không thực hiện, thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc Phạm Công Danh và đồng phạm đã rút tiền của Ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành Ngân hàng Xây Dựng – VNCB) bằng các hành vi phạm tội để sử dụng gây thiệt hại cho VNBC.
Trong đó, bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 3.454 tỷ đồng; Bị can Lê Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đối với thiệt hại hơn 6.591 tỷ đồng; Bị can Phạm Thế Tuân có tráhc nhiệm lien quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 3.454 tỷ đồng; Bị can Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại hơn 10.046 tỷ đồng. /.