Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Gửi thư kêu oan lên Chủ tịch nước
VOV.VN -Các luật sư cho rằng, để tránh oan sai, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tôn trọng sự thật khách quan.
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Liên đoàn Luật sư Việt Nam lên tiếng
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: “Quên” vật chứng vụ án, sẽ có oan sai
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Phạm tội vì sản xuất bằng vật liệu… quá mới!?
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan
Liên quan đến việc khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết trong vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn” hay còn gọi là vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM, nhóm các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có thư kiến nghị kêu oan gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Trong thư có nêu, liên quan đến vụ tai nạn xảy ra ngày 2/8/2013 tại vùng biển Cần Giờ, TP HCM các cơ quan chuyên môn và cơ quan tố tụng xác định nguyên nhân tai nạn la do: “Tàu BP 12-04-02 chở quá số lượng người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp”. Do người điều khiển phương tiện đã mất nên cơ quan tiến hành tố tụng không đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt – Séc, đơn vị sản xuất tàu) và ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Vũng Tàu Maria lại bị khởi tố với tội danh “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” quy định tại điều 214, Bộ Luật hình sự.
Các luật sư cho rằng: “Trên cơ sở vụ án, căn cứ vào dấu hiệu pháp lý của tội danh được quy định tại điều 214, Bộ luật hình sự, chúng tôi có đủ cơ sở khẳng định việc khởi tố ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết rõ ràng không có căn cứ pháp luật, là có oan sai”.
Thời gian qua, nhiều vụ án oan sai được phát hiện, những oan sai phần lớn bắt nguồn từ việc các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm các quy định về tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Các luật sư cho rằng, để tránh oan sai, hạn chế những thiệt hại cho người, gia đình người bị oan và cho xã hội, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần tôn trọng sự thật khách quan, khi có ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia pháp luật, các luật sư về việc oan sai thì các cơ quan tố tụng cần lưu tâm xem xét.
Hàng loạt tổ chức kiến nghị “kêu oan”
Vụ án này cũng được nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng và cho rằng việc khởi tố bị can đối hai ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết là oan sai.
Một trong những lý do để tiến hành khởi tố tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn”, cơ quan tố tụng dựa vào kết luận của Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) khi đơn vị này không cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm tàu thuyền, ca nô sản xuất bằng công nghệ PPC vì nó quá mới, VR không có tiêu chuẩn và quy phạm sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu này.
Việc VR từ chối đăng kiểm được cơ quan tố tụng đưa làm cơ sở để buộc tội sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn đối với ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.
Từ khi ông Vũ Văn Đảo bị khởi tố oan sai, Công ty Việt Séc phải đóng cửa, người lao động của công ty mất việc làm, cơ sở vật chất của nhà máy đầu tư hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, một doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nguy cơ phá sản
Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) cũng đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp hội viên câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp với công văn gửi cơ quan tố tụng của TP HCM.
Theo đó, đơn vị này cho rằng, cơ quan tố tụng kết luận ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết phạm tội theo quy định tại điều 214, Bộ luật hình sự là chưa thỏa mãn dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm.
Theo phân tích, tàu bị nạn được bán cho lực lượng vũ trang nên quyền đưa vào sử dụng không thuộc thẩm quyền của ông Đảo, nên ông Đảo không thể là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường thủy.
Việc sử dụng công nghệ vật liệu mới vào sản xuất được Nhà nước khuyến khích, được Bộ Khoa học Công nghệ công nhận và ca nô sản xuất bằng vật liệu này được cơ quan đăng kiểm Hải quân tiến hành đăng kiểm cấp giấy chứng nhận. Nên ông Đảo không phải chịu trách nhiệm về chất lượng của tàu, vì đã có cơ quan đăng kiểm thẩm định về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông.
Thực tế, việc kiểm tra cấp giấy chứng nhận đăng kiểm của Bộ Tư lệnh Hải quân hết sức chặt chẽ vì liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ngoài ra, đơn vị này còn đưa ra hàng loạt sai phạm liên quan đến tố tụng như: vi phạm thời hạn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; vi phạm thời hạn điều tra…
Từ những phân tích, đơn vị này cho rằng việc buộc tội ông Đảo và Quyết theo điều 214 Bộ luật Hình sự là chưa đảm bảo căn cứ vững chắc.
Liên quan đến vụ án, nhiều cá nhân, tổ chức như: Trung tâm Tư vấn pháp luật – thuộc Đại học Luật Hà Nội; Trung tâm Tư vấn pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), các luật sư, người lao động… cũng đồng loạt lên tiếng và có kiến nghị xem xét lại việc khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Mới đây nhất, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng lên tiếng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM, TAND TP HCM trong phạm vi thẩm quyền của mình xem xét thận trọng vụ án, xem xét lại tội danh và đường lối xử lý đối với ông Vũ Văn Đảo./.