Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: “Quên” vật chứng vụ án, sẽ có oan sai
VOV.VN -“Một áo phao cứu sinh đã qua sử dụng” là vật chứng quan trọng để cơ quan tố tụng truy tố bị can tội sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn.
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Phạm tội vì sản xuất bằng vật liệu… quá mới!?
Tiếp loạt bài viết về vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM vào ngày 2/8/2013, khiến 9 người tử nạn, trong cáo trạng số 474/CT-VKS-P1A, cơ quan tố tụng của TP HCM xác định: Đối với ông Đinh Văn Phúc – người trực tiếp điều khiển tàu BP 12-04-02 gây tai nạn – hành vi của ông này đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” quy định tại điều 212, Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, sau tai nạn Phúc đã tử nạn, nên cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố, điều tra về hành vi này.
Đối với hai ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc, đơn vị sản xuất ca nô BP 12-04-02 và ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina, Viện kiểm sát Nhân dân TP HCM đã truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo điều 214, Bộ luật hình sự.
Như vậy, chiếc ca nô này là chứng cứ quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội của các bị can theo điều 214, Bộ luật Hình sự.
Điều 64, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật liên quan.
Chứng cứ cũng được Bộ luật Tố tụng hình sự xác định rõ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội. Người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Trong bản cáo trạng truy tố, vật chứng của vụ án chỉ được cơ quan tố tụng ghi một dòng ngắn gọn: “Một áo phao cứu sinh đã qua sử dụng”.
Vấn đề này, Thạc sĩ Mai Thanh Hiếu – Phó trưởng Khoa luật Hình sự - Đại học Luật Hà Nội phân tích: Dấu hiệu bắt buộc quy định tại điều 214 Bộ luật hình sự là “phương tiện không đảm bảo an toàn”, do vậy, chiếc ca nô BP12-04-02 là vật chứng vô cùng quan trọng có giá trị buộc tội.
Ngoài ra, để khẳng định việc hai ông Đảo và Quyết đưa vào sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn thì cần phải có kết luận giám định đối với phương tiện đó, mà cụ thể ở đây là chiếc ca nô BP12-04-02.
Trong bản cáo trạng số 474/CT-VKS-P1A không có vật chứng là ca nô BP12-04-02 bị nạn; không có kết luận giám định để khẳng định phương tiện bị lỗi kỹ thuật hay không đảm bảo chất lượng.
Và với đồ vật liên quan đến vụ án là “Một áo phao cứu sinh đã qua sử dụng” được dùng làm vật chứng, TP HCM sẽ có một bản án oan sai./.