Vụ cô gái trẻ Điện Biên “mất tích bí ẩn”: Chưa có dấu hiệu buôn người
VOV.VN - Công an tỉnh Điện Biên cho biết, qua xác minh ban đầu chưa thấy có dấu hiệu tội phạm hay buôn người trong vụ cô gái trẻ “mất tích bí ẩn”.
1. Cơ quan Công an nói gì về vụ cô gái trẻ Điện Biên "mất tích bí ẩn"?: Liên quan đến sự việc một cô gái trẻ sống tại phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đột nhiên mất tích một cách bí ẩn, Công an thành phố Điện Biên Phủ cho biết, vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ cách thức di chuyển của nạn nhân. Tuy nhiên, xác minh ban đầu cho thấy chưa có dấu hiệu của tội phạm hay buôn bán người. Ảnh: Cô gái trẻ trước khi mất tích. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Qua xác minh ban đầu, chiều 16/7, Đỗ Thương Huyền (26 tuổi) xin phép gia đình đi ra ngoài có việc. Khi đi, Huyền điều khiển xe máy nhãn hiệu Wave RSX mầu trắng - đen, biển kiểm soát 27Y1- 001.88. Sau khi đi đến xã Nà Tấu (huyện Điện Biên), cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30Km, Huyền bắt xe khách của nhà xe Xuân Long tiếp tục di chuyển lên tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, sau khi nhà xe đòi tiền vé, Huyền cho biết không có tiền, rồi cắm lại xe máy cho nhà xe, bảo sẽ về chuộc lại sau. Ảnh: Camera ghi lại hình ảnh Huyền trước khi mất tích. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Sau đó, Huyền tiếp tục di chuyển bằng đường bộ đến huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi rồi xin vào làm cho một quán ăn gần khu vực nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tại đây, chủ quán thấy Huyền không có tiền, xin ở lại làm giúp việc nên gặng hỏi thì biết Huyền bỏ nhà đi. Khi Huyền đọc số điện thoại của bố, chủ quán đã gọi báo tin cho gia đình. Ngày 19/7, ngay sau khi nhận đúng hình ảnh con gái do người chủ quán chụp gửi lại, mẹ đẻ và chồng Đỗ Thương Huyền đã bay ngay vào Quảng Ngãi để đón con, nhưng Huyền không nhận ra bất cứ ai trong gia đình. Ảnh: Huyền bên chồng và con trai 2 tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp |
2. Công an điều tra vụ khách hàng bị đánh hộc máu tại trụ sở Công ty Alibaba: Ngày 23/7, Công an P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP HCM) chuyển hồ sơ vụ anh Trần Thanh Phong (42 tuổi, ngụ Q.8) bị đánh trọng thương tại trụ sở Công ty Alibaba (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức) lên Công an Q.Thủ Đức để tiếp tục điều tra. Ảnh: Ông Phong bị nhóm bảo vệ của Alibaba khống chế. Ảnh: Người Lao động |
Theo bà Đỗ Thị Hải Miên (vợ ông Phong), vào tháng 8/2018 gia đình bà được nhân viên Công ty Alibaba giới thiệu bán đất nền tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Gia đình bà đã đóng 95% (458 triệu đồng), cho Công ty Alibaba và phía công ty này hứa 10 tháng sau khi ký hợp đồng sẽ giao đất. Ảnh: Ông Phong được chở đến bệnh viện Thủ Đức cấp cứu. Ảnh: Người Lao động |
Chiều 22/7, vợ chồng bà Miên - ông Phong đến trụ sở Công ty Alibaba để gặp lãnh đạo đòi lại tiền đã đóng trước đó. Tại đây, các nhân viên Công ty Alibaba không cho vợ chồng bà Miên gặp lãnh đạo và hẹn hôm sau giải quyết. Ông Phong không chịu ra về và lớn tiếng đòi tiền, thì bị một người mặc áo trắng, quần đen cùng 3 nhân viên mặc đồng phục phía sau có ghi dòng chữ (an ninh địa ốc Alibaba) kéo, đẩy ra ngoài. Ông Phong không chịu và phản kháng lại, thì bị một người dùng tay đánh vào mặt hộc máu mũi. Vụ việc này làm ông Phong bị thương phải đi bệnh viện Q.Thủ Đức cấp cứu. Ảnh: Ông Phong đang cấp cứu tại bệnh viện sau khi bị đánh. Ảnh: Thanh Niên |
3. Cảnh sát vây bắt nghi phạm giết vợ rồi trốn trên núi: Theo thông tin ban đầu, tối 22/7, một vụ án mạng đã xảy ra trên địa bàn xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Chị Phạm Thị Hảo (36 tuổi, trú tại thôn Nhòn) được phát hiện đã tử vong với nhiều vết thương tích trên người. Nghi phạm số một là chồng của nạn nhân - ông Bùi Văn Tiến (40 tuổi) đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Lực lượng công an đã triển khai hơn 100 người vây bắt nghi phạm. Vụ việc đang tiếp tục được lực lượng chức năng điều tra làm rõ. Ảnh: Nghi phạm Tiến. |
4. Xét xử vụ án thủy điện Sơn La: Đề xuất mức án phạt với các bị cáo: Chiều 23/7, phiên tòa xét xử 17 bị cáo vụ án đền bù xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La đã tiến hành tranh tụng. Tại phiên tranh tụng chiều 23/7, kiểm sát viên đã trình bày quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La và đề xuất mức án phạt đối với các bị cáo. Ảnh: Toàn cảnh phiên tòa |
Theo đó, các bị cáo: Trương Tuấn Dũng, Phan Tiến Diện, Phan Đức Chính được đề xuất mức án 6 – 7 năm tù giam; Phan Xuân Khoa, Trần Mạnh Trì, Tòng Văn Thành mức án 5– 6 năm tù giam; Ngô Xuân Vân, Lê Quang Duy, Nguyễn Văn Thanh, Đèo Văn Ban mức án 4 – 5 năm tù giam; Mai Văn Quang mức án 3– 4 năm tù giam; Bùi Văn Tân, Đỗ Tiến Đồng mức án 30 – 36 tháng tù giam; Vũ Hồng Giang, Sòi Ngọc Hùng, Triệu Ngọc Hoan, Cà Văn Tỉnh 24 – 30 tháng tù giam, đồng thời bị cáo Đèo Văn Ban phải hoàn trả lại số tiền được hỗ trợ, bồi thường sai. Ảnh: Các bị cáo cùng nghe quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La và đề xuất mức án phạt đối với các bị cáo. |
5. Cướp xe máy trước quán cà phê ở Tiền Giang: Ngày 23/7, Công an huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thanh Liêm để điều tra, xử lý hành vi "chiếm đoạt tài sản của người khác". Tối 19/7, Nguyễn Thanh Liêm đến trước quán cà phê Ngọc Tuyết 1, thuộc địa bàn ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây và thấy 1 chiếc xe mô tô dựng trước quán, chìa khóa vẫn còn trên xe. Đối tượng này leo lên mô tô rồ máy định phóng đi nhưng chủ xe đang uống cà phê trong quán phát hiện nên nhanh chóng chạy ra, yêu cầu Liêm trả xe. Liêm chẳng những không trả xe mà còn rồ ga chạy mất. Ảnh: Cảnh sát giao thông Tiền Giang bắt giữ Liêm./. |