Vụ cưỡng bức ở Thái Nguyên: Quy trình điều tra bị "cắt gọt"?
VOV.VN -Xem xét lại vụ việc, cơ quan điều tra đã bỏ qua một số quy trình trong quá trình điều tra vụ việc.
Liên quan đến “Nghi án trẻ vị thành niên bị hàng xóm cưỡng bức ở Thái Nguyên”, gia đình anh Mạnh, chị Sóng đã có đơn thư gửi lên Công an huyện Đại Từ vào ngày 10/12/2012 đề nghị xử lý Trần Văn Thanh về tội hiếp dâm.
Ngày 8/1/2013, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Đại Từ Thượng tá Ngô Tuấn Hải đã ký Bản kết luận điều tra kết thúc tin báo tội phạm với nhận xét và quyết định: “Với tài liệu chứng cứ thu thập được, thấy hành vi của Trần Văn Thanh không đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 112, Bộ luật Hình sự. Hành vi của Thanh chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải bị xử phạt hành chính. Công an xã Tân Thái ra quyết định xử phạt hành chính đối với Thanh theo quy định 73 NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ là có căn cứ”.
Căn nhà của nạn nhân |
Bản kết luận điều tra cũng ghi quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Trần Văn Thanh về tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 112, Bộ Luật Hình sự.
Không đồng tình với bản kết luận của Công an huyện Đại Từ, ngày 24/1/2013, gia đình anh Mạnh làm đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đại Từ với khiếu nại không đồng ý với Bản kết luận điều tra kết thúc tin báo tội phạm và quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
Hai quyết định của Công an huyện Đại Từ và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đại Từ đưa ra đồng thời cũng đưa vụ việc Trần Văn Thanh có hành vi hiếp dâm đối với cháu Nguyễn Thị Hồng kết thúc bằng việc xử phạt hành chính đối với Thanh. Tuy nhiên, truy xét quá trình điều tra vụ án, liệu hai quyết định này có thực sự khách quan, và cơ quan điều tra đã thực sự làm việc đúng công tâm.
Bị hại phải “a lô” xin được lấy lời khai
Theo như quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đại Từ “Lời khai của cháu Hồng ngay sau khi vụ việc xảy ra” được xác định vào khoảng thời gian ngày 20/11/2012. Đấy là thời điểm Công an xã thực hiện lấy lời khai của cháu Hồng.
Tuy nhiên, để có thể cung cấp lời khai cho Công an xã Tân Thái, anh Mạnh cho biết: “Ngày 19/11/2012, tôi phải gọi điện cho trưởng công an xã thắc mắc tại sao không gọi gia đình chúng tôi lên lấy lời khai thì được vị lãnh đạo xã này hẹn sáng mai (20/11/2012) đưa cháu lên xã”.
Khoảng 8h ngày 20/11/2012 – cũng trùng hợp với thời điểm, xã Tân Thái tổ chức mừng ngày nhà giáo Việt Nam ở trụ sở ủy ban xã, hai bố con anh Mạnh lên làm việc.
Phòng làm việc có Trưởng Công an xã Vũ Hồng Tuấn, ông Lập – công an viên, ông Nguyễn Văn Quân – Phó Trưởng Công an xã. Ngoài ra, còn có hai người nữa tự giới thiệu là công an huyện “Tôi chỉ nhớ một người tên là Hoàn”, anh Mạnh nói.Tại thời điểm đó, phòng lấy lời khai của cháu Hồng liên tục bị nhòm ngó bởi ánh mắt hiếu kỳ của học sinh, bạn bè Hồng, thi thoảng một số giáo viên đi qua lại đánh ánh mắt vào phòng lấy lời khai. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến một bé gái 13 tuổi e ngại nói lên sự thật về việc mình bị cưỡng bức.
Lời khai này được Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đại Từ viện chứng trong văn bản trả lời gia đình chị Sóng về việc không tiến hành khởi tố Trần Văn Thanh về tội hiếp dâm: “Lời khai của cháu Hồng ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hồng xác định quần áo không bị tụt quần và Thanh không làm gì động đến cơ thể cháu Hồng”.
Điều đáng nói trong việc hoàn thành văn bản này, Trưởng Công an xã Tân Thái không đọc lại lời khai của cháu Hồng trước khi lấy chữ ký, cũng không cho anh Mạnh đọc lại văn bản. “Lúc đó trưởng công an xã, đưa văn bản lấy lời khai, tôi và cháu Hồng ký vào rồi ra về. Chúng tôi hoàn toàn không được nghe lại văn bản cũng như được đọc lại văn bản sự việc”.
Quy trình điều tra có vấn đề?
Xem xét lại quy trình điều tra của Công an huyện Đại Từ đối với vụ việc này cũng thấy có quá nhiều vấn đề.
Sau khi nhận được đơn thư của gia đình anh Mạnh, Công an huyện Đại Từ đã xuống điều tra vụ việc. Theo tường thuật lại của gia đình anh Mạnh, hôm đó đến làm việc với gia đình có 4 người gồm Trưởng Công an xã Tân Thái Vũ Hồng Tuấn, và ba người, một người tự giới thiệu tên Kiên - ở cơ quan điều tra huyện Đại Từ.
Luật sư Giang Hồng Thanh: Đối với các trường hợp phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm nói chung và phạm tội hiếp dâm nói riêng, việc cần thiết là phải đưa nạn nhân đi khám thương và giám định tỉ lệ thương tật. Ở đây cơ quan công an không đưa cháu Hồng đi khám và xem xét dấu vết trên thân thể cháu Hồng cũng như dấu vết trên thân thể đối tượng Trần Văn Thanh là chưa đúng quy trình, khiến cho việc điều tra xác minh không được đầy đủ, toàn diện.
Có một vấn đề cần lưu ý rằng trong trường hợp này là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên việc giải quyết tố cáo phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vài ngày sau, cơ quan điều tra Công an huyện Đại Từ, gọi hai mẹ con chị Sóng lên huyện lấy lời khai. Chị Sóng cho biết, cơ quan điều tra hai lần gọi mẹ con chị lên làm việc, trong cả hai lần, lời khai của cháu đều thống nhất sự thật.
Đối với người bị hại trong vụ việc, công đoạn điều tra của cơ quan công an chỉ có vậy, tuy nhiên, đến ngày 8/1/2013, Thủ trưởng cơ quan điều tra, Công an huyện Đại Từ, Thượng tá Ngô Tuấn Hải đã ký quyết định không khởi tố vụ án, kết thúc tin báo tội phạm, liệu như vậy có quá vội vàng?
Chính quy trình điều tra của Công an huyện Đại Từ đến khi có quyết định vụ việc đang bị thiếu sót quy trình khiến dư luận băn khoăn, phải chăng cơ quan điều tra cố tình “cắt gọt” quy trình điều tra để dân sự hóa một vụ án hình sự?
Để có thông tin đa chiều về sự việc, chiều 22/7, phóng viên đã đến Công an huyện Đại Từ liên hệ để làm rõ vụ việc, tuy nhiên Thượng úy Trịnh Trung Kiên – trực ban buổi chiều hôm đó cho biết: “Các sếp chiều hôm nay bận họp giao ban, hẹn nhà báo buổi làm việc khác”./.
Theo Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011, Điều 15 quy định “Việc lấy lời khai người bị hại là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên cần được bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái.”
Trong trường hợp Công an xã lấy lời khai của cháu Hồng tại vị trí, khu vực đông người qua lại, nhòm ngó gây ảnh hưởng đến tâm lý của cháu Hồng khiến cháu không dám nói lên sự thật là thiếu sót của Công an xã. Lẽ ra cần bố trí một nơi kín đáo, an toàn để cháu Hồng cảm thấy thoải mái, tự tin, khai lại toàn bộ sự việc.
Sau khi lấy lời khai của cháu Hồng, Công an xã phải cho cháu Hồng và người giám hộ của cháu tự mình đọc lại rồi sau đó ký tên vào Biên bản lấy lời khai chứ không được yêu cầu cháu Hồng và người giám hộ ký tên mà không được đọc lại.