Vụ lừa đảo 170 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc: Cơ quan chức năng lên tiếng
VOV.VN - Theo ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước: Vụ việc này thể hiện sự hiểu biết của người lao động vẫn còn hạn chế nên dễ dàng bị các đối tượng lừa đảo.
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng sự nóng vội của người lao động (NLĐ) và quy định giãn cách để "giăng bẫy". Bằng nhiều chiêu thức tinh vi, các đối tượng này đã nhận tiền của NLĐ với những lời hứa có cánh rồi ôm tiền bỏ chạy. Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho rằng: “nếu nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan tăng lên, chắc chắn nguy cơ rủi ro sẽ giảm”.
Mất tiền là do thiếu hiểu biết pháp luật
PV: Thưa ông, thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo người lao động đi nước ngoài rồi chiếm đoạt tài sản. Điển hình, ngày 17/11, Công an Đà Nẵng bắt giữ hai đối tượng lừa đảo gần 170 người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Ngay sau khi báo chí đưa tin, chúng tôi liên hệ với cơ quan lao động tại thành phố Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, xác minh tình hình, đồng thời cũng trao đổi với cơ quan công an để kiểm tra thông tin.
Ngoài vụ việc tại Đà Nẵng, còn nhiều địa phương khác diễn ra tình trạng này, qua đó, chúng tôi nhận thấy, tình trạng các tổ chức, cá nhân, đặc biệt hai cá nhân tại thành phố Đà Nẵng đã lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin quảng cáo, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn diễn ra. Việc này thể hiện sự hiểu biết của người dân, người lao động vẫn còn hạn chế nên dễ dàng bị các đối tượng này lừa đảo.
Thủ đoạn của nhóm đối tượng này chủ yếu đánh vào lòng tin của người dân. Các đối tượng này cũng không thu một cục tiền mà thu dần từng bước. Cùng với đó, chúng cũng đưa ra những hình thức đi lao động xuất khẩu rất hợp lý, tạo lòng tin cho người dân bằng việc có thể dễ dàng ra nước ngoài làm việc bằng việc thông qua đi học, đi làm.
Thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, cũng như công an đề nghị điều tra, xử lý hàng loạt vi phạm của các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Bên cạnh đó, qua việc tiếp nhận tin báo của người dân, người lao động, chúng tôi cũng kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, công an kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để nhận biết được các cá nhân và tổ chức có dấu hiệu lừa đảo người lao động đi xuất khẩu?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Thực tế, câu chuyện các tổ chức, cá nhân không có chức năng tuyển dụng người lao động đi nước ngoài, nhưng lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để lừa đảo rồi chiếm đoạt tài sản không phải mới xuất hiện.
Người lao động, khi đăng ký với các công ty này, do thiếu hiểu biết về quy trình thủ tục mới bị lừa. Vì thiếu hiểu biết, họ nhận thấy, việc đi làm việc ở nước ngoài rất đơn giản, không cần qua quy trình từ tuyển chọn, đào tạo, kiểm tra trình độ, kiến thức,…chỉ cần có nhu cầu, sau đó nộp hồ sơ là được đi. Mà thực tế, để đi lao động được ở nước ngoài quy trình chuẩn gồm rất nhiều bước.
PV: Vậy ông có thể cho biết, một quy trình chuẩn đi lao động nước ngoài gồm bước nào?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Thông thường một tổ chức có chức năng tuyển dụng người đi làm việc tại nước ngoài, các tổ chức này họ phải đưa ra thông tin sau:
Thứ nhất, thông báo cần tuyển người lao động, số lượng cần tuyển là bao nhiêu? Thứ hai, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người lao động như thế nào? Cụ thể quy định về tuổi, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, sức khỏe, …. Trên cơ sở đó, người lao động muốn tham gia tuyển dụng phải có giấy tờ chứng nhận đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức tuyển chọn họ đi làm việc nước ngoài. Sau đó, người lao động và đơn vị tuyển dụng lao động phải có cam kết trách nhiệm với nhau.
Tóm lại, để hoàn thiện thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài người lao động phải mất vài tháng, hoặc nửa năm. Đối với thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian chờ đợi có khi kéo dài một năm.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin
PV: Với những doanh nghiệp vi phạm mình có biện pháp xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Để đảm bảo theo quy định của luật mới để ngăn ngừa, hạn chế việc lừa đảo người lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ đưa lao động đi lao động ở nước ngoài phải có trang web với đuôi là vn.
Trên trang web đó đưa đầy đủ thông tin của mình từ địa chỉ, các chi nhánh và nơi đào tạo, người đại diện theo pháp luật phụ trách việc đưa người lao động đi nước ngoài và các nhân viên,… Bởi vừa qua có nhiều cá nhân lợi dụng doanh nghiệp A, B để đi lừa đảo.
Về phía doanh nghiệp, khi có được hợp động cung ứng lao động thì phải cung cấp đầy đủ thông tin. Thứ nhất, được tuyển bao nhiêu người. Điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng thế nào, trình độ ra sao?... kể cả chi phí phải nộp được để đi được lao động nước ngoài, doanh nghiệp cũng phải công khai trên đó. Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu trên thì sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
PV: Theo ông, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần làm gì để hạn chế những nguy cơ, rủi ro?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Trước hết, mỗi người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các quy định của pháp luật liên quan đến làm việc ở nước ngoài, thông tin về các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, người lao động có thể ra nước ngoài làm việc thông qua doanh nghiệp được cấp phép (hiện có gần 400 doanh nghiệp); các tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chẳng hạn như Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, một số doanh nghiệp được phép đưa người lao động của mình đi làm việc ở nước ngoài theo dự án nhận thầu, khoán công trình, đầu tư ra nước ngoài hoặc đưa đi thực tập nâng cao tay nghề. Hình thức phổ biến khác là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân.
Thời gian gần đây, có thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thỏa thuận giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương ở nước ngoài, ví dụ lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc với thời gian 3 tháng. Hầu hết người lao động lựa chọn con đường đi chính thống, có tổ chức đều được bảo đảm an toàn.
Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, người tuyển dụng cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sử dụng lao động ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, các điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác.
Ngoài ra, người lao động cần yêu cầu phía tuyển dụng nêu cụ thể các khoản chi phí, khi nộp tiền phải có hóa đơn, chứng từ ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm. Nếu phía tuyển dụng không cung cấp đủ các yêu cầu nêu trên, thì đó là đơn vị không đáng tin cậy. Gặp trường hợp này, người lao động cần phản ánh đến các cơ quan chức năng. Song song với việc nâng cao nhận thức, người lao động cần nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài…
PV: Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để bảo đảm an toàn cho người lao động và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, thưa ông?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động xuất khẩu về nước.
Hiện tại, Bộ cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, soạn thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những bất cập, hạn chế của luật và quy định pháp luật trong thời gian qua.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.