Vụ nổ kinh hoàng ở Văn Phú: Có đủ căn cứ để khởi tố vụ án
VOV.VN -Theo Luật sư Nguyễn An có đầy đủ căn cứ pháp lý khởi tố vụ án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ nổ ở Khu đô thị Văn Phú.
Liên quan đến vụ nổ kinh hoàng ở Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra chiều 19/3, đại diện cơ quan điều tra cho biết sẽ không khởi tố vụ án hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây ra vụ nổ - anh Phạm Văn Cường, vì nạn nhân đã tử vong.
Cùng với đó, nhiều người lo ngại, hậu quả vụ án rất nghiêm trọng nhưng sẽ dễ rơi vào quên lãng, những người bị thiệt hại trong vụ việc sẽ không được bồi thường. Luật sư Nguyễn An – Công ty Luật Cộng Đồng nêu quan điểm của mình về vụ việc này.
Căn cứ pháp lý:
Để kinh doanh, thu mua phế liệu, người kinh doanh cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể (do UBND cấp quận, huyện cấp) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp (theo Luật doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh, Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp).
Ngoài ra, việc thu mua phế liệu cần phải có giấy phép đủ tiêu chuẩn do Sở khoa học và Công nghệ hoặc Phòng tài nguyên môi trường cấp quận, huyện cấp mới được thu mua phế liệu. Trong đó yêu cầu phải có Bản cam kết bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận về phòng cháy, chữa cháy.
Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm trong việc giám sát và quản lý các cơ sở thu mua phế liệu. Cụ thể như sau (theo Luật bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường):
- Sở TN&MT phải phối hợp với ngành công an, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua, tái chế phế liệu, yêu cầu các đơn vị này phải ký cam kết, đầu tư đầy đủ các trang thiết bị xử lý chất thải, rác thải.
- Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu.
- Đối với các cơ sở có giấy phép kinh doanh nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định, tùy theo mức độ sẽ xử phạt hành chính, đồng thời ấn định thời gian khắc phục và hướng dẫn cho các đơn vị này thực hiện kinh doanh đúng các quy định. Với các cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề nhưng nằm trên các trục đường chính, các địa phương cần tiến hành xử phạt vi phạm, định hướng chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp, thậm chí cưỡng chế yêu cầu chấm dứt hoạt động nếu không thực hiện các quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn An |
Từ những căn cứ trên, Luật sư Nguyễn An đề nghị khởi tố vụ án và làm rõ trách nhiệm của Cơ quan quản lý Nhà Nước cũng như trách nhiệm bồi thường cho dân.
Luật sư Nguyễn An phân tích: “Thực tế, để hộ kinh doanh của Anh Cường hoạt động tại địa điểm gây ra vụ nổ theo như phân tích điều kiện pháp lý cần có ở trên thì chúng ta có thể giả thiết là cơ sở kinh doanh không phép. Anh Cường là người không có đủ kiến thức để nhận biết vật liệu nổ (hàng hóa đặc biệt) nên đã làm mất an toàn đến tính mạng bản thân và cho nhiều người khác.
Trường hợp để anh Phạm Văn Cường hoạt động thu mua phế liệu trái phép trong một thời gian dài tại Văn Phú, Hà Đông cho đến ngày gây ra vụ nổ, gây tổn hại đến tính mạng và tài sản của dân nghiêm trọng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ giám sát, quản lý các cơ sở thu mua phế liệu.
Nếu anh Cường còn sống thì sẽ bị khởi tố Hình sự về tội kinh doanh trái phép và tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99 Bộ Luật Hình Sự) cũng như phải chịu trách nhiệm đền bù vật chất cho những hộ dân sống xung quanh (Điều 623 Bộ Luật dân sự). Lúc này trách nhiệm về quản lý Nhà Nước cũng phải bị xem xét theo hướng hình sự và liên đới bồi thường tổn thất cho dân nếu xét thấy giữa cơ quan quản lý nhà nước và Anh Cường có sự liên kết với nhau hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Để việc kinh doanh trái phép tại mặt đường lớn như vậy trong thời gian dài không thể nói không ai biết nhất là cơ quan quản lý nhà nước, (tôi thấy nhiều người bán hàng rong đều bị phát hiện và phải nộp phí kinh doanh theo ngày hết..). Và khi đã tạo điều kiện cho người làm trái pháp luật thì người cán bộ, công chức có trách nhiệm quản lý cũng sẽ là đồng phạm và cùng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này (nhất là đơn vị Công an cấp phường và cấp Quận).
Theo Điều 285 Bộ luật hình sự có quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: “1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Ngoài ra, Điều 619 Bộ Luật dân sự: “Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ”.
Cuối cùng, Luật sư Nguyễn An đề nghị Bí thư thành ủy thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nên vào cuộc chỉ đạo giải quyết quyền lợi về người và của cho dân (lấy công bằng cho những người dân vô tội). Không thể để tình trạng cuộc sống không có sự can thiệp cũng như trách nhiệm của hệ thống quản lý Nhà nước.
Cùng với đó, Luật sư Nguyễn An cũng lưu ý những người dân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc này cần tập hợp các thiệt hại để sau này có căn cứ giải quyết bồi thường./.