Vụ nữ sinh bị làm nhục: Không lấy vi phạm pháp luật để giải quyết vi phạm pháp luật
VOV.VN - Luật sư Hùng cho rằng, nếu nạn nhân lấy trộm thì đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên việc đánh đập, nhục mạ, quay clip, bắt nạn nhân của chủ shop cũng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tối 3/12, một đoạn clip ghi lại nội dung cô gái khóc lóc tại shop quần áo Minh Hường ở Thanh Hoá được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Theo nội dung được đăng tải, khi phát hiện cô gái trộm chiếc váy trị giá 160k, 2 người phụ nữ và một người đàn ông đã chửi bới, xúc phạm, cắt tóc, cắt áo lót, định lột áo cô gái này. Phía cô gái trẻ thì liên tục gào khóc, xin lỗi nhưng không được tha thứ. Chưa dừng lại, một số hình ảnh chụp màn hình với nội dung đòi cô gái trẻ phải bồi thường số tiền 15 triệu đồng hoặc 30 triệu đồng trong thời hạn 2 ngày tới cũng được lan truyền, khiến nhiều người bức xúc.
Liên quan đến vụ việc này, sáng 4/12 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an thành phố Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác; cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại Shop quần áo Mai Hường, số 93 đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa… Đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường, sinh năm 1992 trú tại phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa về tội làm nhục người khác; cưỡng đoạt tài sản; khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Đình Anh, sinh năm 1990 (là chồng của Hường) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo dõi diễn biến vụ việc, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó trưởng Phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS- đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, đây không phải là trường hợp hiếm thấy, bởi trước đó, nhiều cô gái khác có hành vi lấy trộm đồ, tài sản có giá trị trong cửa hàng và bị chủ cửa hàng phát hiện. Bên cạnh việc đòi tiền bồi thường, chủ cửa hàng hoặc nhân viên cửa hàng không quên quay lại clip "xử lý", sau đó đăng tải lên mạng xã hội nhằm mục đích "vạch mặt". Nhiều trường hợp, người trộm đồ không những bị nhục mạ mà còn bị trói, bị lột đồ, xé quần áo, cắt tóc, đánh đập,… quay clip để bêu rếu trên mạng xã hội.
Theo luật sư Hùng, việc đăng tải clip lên mạng xã hội là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến dư luận xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý sức khỏe đời sống của người bị quay và người thân trong gia đình. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần xử lý những người vi phạm theo quy định của pháp luật đồng thời tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nhận thức được hành vi của mình, biết cách ứng xử với các tình huống, sự việc xảy ra trong đời sống xã hội theo chuẩn mực pháp luật.
Từ vụ việc ở shop thời trang Minh Hường, luật sư Hùng cho rằng, rõ ràng nạn nhân đã vi phạm pháp luật về hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên việc đánh đập, nhục mạ, quay clip, bắt nạn nhân bồi thường số tiền vượt quá giá trị tài sản bị trộm quá lớn, có thể khiến người chủ shop, những người tham gia trong vụ việc, người đăng tải clip vô tình vi phạm pháp luật. Cùng với đó, những hành vi chửi bới, đánh, đạp, lột áo, quay clip đưa lên mạng xã hội của chủ shop đối với cô gái đã xâm hại đến sức khỏe, tinh thần danh dự nhân phẩm người khác. Những hành vi này còn gây tổn thương nặng nề về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân thì có thể xử lý hình sự chủ shop về tội cố ý gây thương tích, làm nhục người. Bên cạnh đó hành vi đe dọa, yêu cầu cô gái bồi thường 15 đến 30 triệu có thể xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo vị luật sư này, trong những tình huống như thế này, người bị mất tài sản cần bình tĩnh xử lý. Nếu xét thấy người vi phạm ăn năn hối lỗi, hai bên cần ngồi lại làm hòa, thương lượng với nhau. Còn nếu như, không thể hòa giải cộng thêm số tài sản mình bị mất quá lớn, người chủ tài sản có thể yêu cầu trả, bồi thường thiệt hại đúng với số tài sản mà mình đã bị lấy trộm. Cuối cùng, nếu hai bên không thể giải quyết được, người chủ tài sản viết đơn tố cáo gửi cơ quan công an để được giải quyết theo quy định. Không nên đánh đập, tung clip lên mạng xã hội để dằn mặt.
Bởi pháp luật đã nghiêm cấm dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, nếu người chủ tài sản không kiềm chế được bản thân mà đánh đập người trộm tài sản của mình mà gây thương tích sẽ bị xử lý hình sự. Kèm theo đó, việc tung clip lên mạng xã hội và có những lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự sẽ bị xử lý về tội đưa thông tin trái phép, không được người khác đồng ý và tội làm nhục người khác.
“Hành vi đe dọa người khác bồi thường vượt quá giá trị tài sản quá có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản. Như vậy việc đánh đập, tung clip người trộm đồ của mình lên mạng xã hội chẳng khác gì tự đưa mình vào vòng lao lý.Đối với những trường hợp có hành vi trộm cắp vặt như thế này, đối tượng thường đang ở độ tuổi vị thành niên, nhận thức còn hạn chế, mức độ vi phạm còn nhẹ. Vì thế nên cho họ cơ hội sửa sai, đưa hình ảnh họ lên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ”- luật sư Hùng nói
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng phân tích, với những hành vi trên, chủ shop và những người có liên quan có thể đối mặt với những tội danh và hình phạt sau.
Tội làm nhục người khác: Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ thành niên, vạch và cắt áo nạn nhân của chủ shop cũng có thể bị truy cứu về tội “Tội làm nhục người khác” (theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) và có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong trường hợp dẫn đến nạn nhân trên tự sát thì chủ shop có thể đối mặt với khung hình phạt từ 2 năm - 5 tù giam theo điểm b khoản 3 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Tội cưỡng đoạt tài sản: Việc cửa hàng yêu cầu nạn nhân bồi thường 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng cho chiếc váy 160.000 đồng được bán tại cửa hàng, chủ shop còn có thể bị truy cứu thêm về tội “Tội cưỡng đoạt tài sản” và có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội như:
Tội cố ý gây thương tích: Bởi, qua đoạn clip, có thể thấy chủ shop đã dùng chân để đạp vào đầu nạn nhân, dùng kéo cắt tóc, nón bảo hiểm, cắt dây áo ngực của nạn nhân. Với những hành vi kể trên chủ shop có thể bị truy tố về tội “Tội cố ý gây thương tích cho người khác” với tình tiết định khung là dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ và gây thương tích quy định của điểm a, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, theo đó chủ shop có thể đối mặt với mức xử phạt: phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Hùng cũng cho rằng, trong vụ này cần làm rõ vai trò đồng phạm. Cụ thể, cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của nhiều người, trong đó có hai người phụ nữ và người đàn ông đã làm nhục cô gái. Ngoài ra người quay clip, đã lấy kéo cho hai người phụ nữ cắt áo ngực của cô gái để xử lý theo quy định pháp luật. Những người này có thể được xem là đồng phạm (Căn cứ Điều 17 và Điều 58 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) trong “Tội cố ý gây thương tích” theo Điều 134, “Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật hình sự. Về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự chung thì tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã gây ra.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của shop này được thực hiện như thế nào, các hàng hóa là quần áo bày bán có nguồn gốc xuất xứ hay không, có hóa đơn chứng từ hợp pháp hay không để xem xét xử lý hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, trốn thuế (nếu có). Hàng hoá phạm pháp hoặc không có hoá đơn chứng từ sẽ bị tịch thu.
Về nguyên tắc thì tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, vi phạm pháp luật đến đâu phải bị xử lý đến đó. Tất cả những người tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức có thể xử lý hình sự sẽ được xác định là đồng phạm, trong đó có người chủ mưu, người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người xúi giục, người giúp sức đều bị xử lý về cùng một tội danh nếu hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm./.