Vụ tranh chấp tại BV Hòa Bình (Hải Dương): Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
VOV.VN -Vụ tranh chấp tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (Hải Dương) đã được tòa phán xử. Bác sỹ, người lao động chỉ muốn ổn định để làm việc, khám chữa bệnh...
Đánh lận tài sản của công ty thành vốn góp
Liên quan đến vụ tranh chấp tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, có địa chỉ tại phường Hải Tân, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, mới đây TAND tỉnh Hải Dương đã đưa ra phán quyết, bác yêu cầu khởi kiện vụ tranh chấp Bệnh viện Hòa Bình đối với nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Huân.
Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (Hải Dương) nơi đang xảy ra tranh chấp. |
Trước đó, trong quá trình tái cấu trúc Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, một cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông vào tháng 12/2018 đã được tổ chức sau khi một cổ đông là ông Vũ Văn Khoa phát hiện một số cổ đông sáng lập khai khống vốn điều lệ dẫn tới việc bệnh viện này bị cơ quan thuế tỉnh Hải Dương truy thu và xử phạt tiền thuế.
Tại cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông này, bà Nguyễn Thị Thu Trang được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện (HĐQT). HĐQT bệnh viện sau đó ban hành 01 biên bản cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông và 05 nghị quyết.
Sau khi cuộc họp này diễn ra, cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm nên ông Nguyễn Đức Huân, một trong ba cổ đông sáng lập Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã làm đơn khởi kiện Chủ tịch HĐQT, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của bệnh viện này là bà Nguyễn Thị Thu Trang cùng cổ đông khác là ông Vũ Văn Khoa.
Ngày 24/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức phiên xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên.
Tại phiên tòa, luật sư đại diện của ông Nguyễn Đức Huân (nguyên đơn) cho rằng, ông Vũ Văn Khoa triệu tập cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông vào ngày 24/12/2018 là vi phạm nghiêm trọng Khoản 1, Điều 141, Luật Doanh nghiệp 2014 và vi phạm Khoản 1, Điều 40 Điều lệ công ty.
Luật sư của nguyên đơn đề nghị HĐXX tuyên hành vi tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vào tháng 12/2018 là trái pháp luật và tuyên hủy 6 văn bản (gồm 1 biên bản cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông và 5 nghị quyết của HĐQT đề cập ở trên).
Sau nhiều ngày nghị án, cả tòa án, Viện kiểm sát đều đề nghị bác yêu cầu khởi kiện với nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Huân vì không có căn cứ. |
Trong khi đó, luật sư của ông Vũ Văn Khoa và bà Nguyễn Thị Thu Trang (bị đơn) đã bác bỏ toàn bộ những cáo buộc trên và khẳng định cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đã được tiến hành đúng trình tự pháp luật. Vì năm 2017, ông Vũ Văn Khoa và bà Nguyễn Thị Thu Trang mua lại cổ phần tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và trở thành cổ đông.
Ông Khoa sau đó phát hiện ra việc nâng khống vốn điều lệ và đã yêu cầu HĐQT làm rõ thông tin nhưng không được đáp ứng. Sau đó, ông Khoa đã thực hiện quyền của cổ đông để triệu tập cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông vào tháng 12/2018. Cuộc họp này có sự tham dự của những cổ đông góp vốn thực và tổng số cổ đông tham dự nắm hơn 65% số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó cuộc họp đã được tiến hành đúng pháp luật.
Ở thời điểm thành lập Công ty năm 2002, Công ty có vốn điều lệ do 3 cổ đông sáng lập góp là 1,85 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2008, theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiếm toán - tư vấn định giá ACC Việt Nam, vốn góp chủ sử hữu từ 3 cổ đông sáng lập đạt 7,1 tỷ đồng.
Từ tháng 1/2007 đến tháng 2/2008, Công ty đã tiếp nhận thêm 9,6 tỷ đồng vốn góp từ 4 cổ đông mới. Như vậy vốn góp chủ sở hữu của tất cả các cổ đông 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2008, khi kết nạp các cổ đông mới, 3 cổ đông sáng lập đã đăng ký lại cho Công ty số vốn điều lệ là 27,735 tỷ đồng, chênh lệch với số vốn góp thực tế là 11,035 tỷ đồng.
Số tiền nâng khống này sau đó được quy đổi thành cổ phần chia đều cho 3 cổ đông sáng lập (gồm ông Nguyễn Đức Huân, bà Phạm Thị Chiển, ông Trần Văn Thắng).
Tại phiên tòa ngày 24/10, phía nguyên đơn không đưa ra được bất cứ một cơ sở pháp lý nào để chứng minh việc 3 cổ đông sáng lập tự ý nâng khống 11,035 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ của Công ty lên 27,735 tỷ đồng là đúng.
Luật sư phía bị đơn cho rằng, luật sư phía nguyên đơn đã đánh tráo khái niệm giữa vốn góp của cổ đông và vốn chủ sở hữu. Việc các cổ đông tự định giá tài sản đất của công ty chỉ là thỏa thuận giữa các cổ đông, không dựa trên bất kỳ căn cứ nào.
Viện kiểm sát đề nghị, toà quyết định bác yêu cầu khởi kiện
Tại phiên tòa, TAND tỉnh Hải Dương cho biết, áp dụng khoản 4 Điều 30; khoản 1 Điều 31; Điều 92; điểm g, khoản 1 Điều 138; khoản 2 Điều 227 – BLTTDS; Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2005; Điều 37; khoản 2,3 Điều 114; khoản 6,7 Điều 136; khoản 1, 3 Điều 137; Điều 147, 161 Luật Doanh nghiệp 2014; Điều 58.4 Nghị định 78/2015 về Đăng ký doanh nghiệp; Thông tư 45/2013 ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng và khấu hao tài sản cố định.
Tất cả y, bác sỹ và người lao động trong Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đều có chung mong muốn là sự việc sẽ kết thúc ở đây để yên tâm công tác. |
Sau nhiều ngày nghị án, sáng 1/11, TAND tỉnh Hải Dương ra phán quyết: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Huân và yêu cầu độc lập của bà Phạm Thị Chiển.
Về án phí, nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Huân và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị Chiển phải chịu án phí. Tuy nhiên do ông Huân và bà Chiển là người trên 60 tuổi và có đơn xin miễn án phí nên ông Huân và bà Chiển được miễn án phí sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương khẳng định, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như thông báo số 64/TB-UBND ngày 11/8/2004 của UBND tỉnh Hải Dương về việc chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và văn bản về việc đồng ý cho Công ty Nam Cường chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Hòa Bình.
Sau đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Hải Dương cấp ngày 12/10/2005 cũng đứng tên Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình...Vậy nên, phải xác định mảnh đất đó là tài sản của Công ty, không phải là tài sản riêng của bất cứ cá nhân nào.
Việc các cổ đông tự thỏa thuận với nhau để định giá mảnh đất đó trị giá 18,135 tỷ đồng vào ngày 2/1/2010, trừ đi số vốn là 7,1 tỷ đồng đã góp trước đó, còn lại 11,035 tỷ đồng coi như là vốn góp bổ sung của 3 cổ đông sáng lập là không đúng quy định của pháp luật…
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương khẳng định, ông Vũ Văn Khoa tiến hành triệu tập phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông ngày 24/12/2018 là có căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ công ty.
Đối với nội dung cáo buộc ông Vũ Văn Khoa tổ chức cuộc họp khi chỉ có 44,52% số cổ phần có quyền biểu quyết tham gia là trái quy định pháp luật, đại diện Viện kiểm sát căn cứ vào các kết quả kiểm toán, hồ sơ thuế và báo cáo tài chính của công ty đã xác định số vốn thực góp của các cổ đông chỉ là 16,7 tỷ đồng chứ không phải là 27,735 tỷ đồng.
Do đó tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết phải dựa vào số vốn góp thực tế để làm căn cứ tính toán. Vì vậy, tại cuộc họp bất thường Đại hội đồng cổ đông ngày 24/12/2018 đã có trên 65% cổ đông có quyền biểu quyết tham gia là hợp lệ.
Vì vậy đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Huân. Đồng thời đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tuyên hủy các biên bản được ban hành sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 24/12/2018.
Bác sỹ Trương Trọng Phương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình mong rằng mọi việc sẽ kết thúc tại đây để cán bộ, công nhân viên và y bác sỹ yên tâm công tác, làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Vì theo Bác sỹ Trương Trọng Phương, trong nhiều năm, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình thành lập ra nhưng hoạt động không theo tôn chỉ, mục đích nào, không có người lãnh đạo và không được đầu tư trang thiết bị, thiếu nhân lực, nên không có bệnh nhân khám chữa.
Đến cuối năm 2017, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình nợ lương bác sỹ người lao động nhiều tháng và người lao động không có thu nhập, nên đã bỏ đi gần hết; máy móc trang thiết bị bệnh viện hỏng, không còn hoạt động được và người bệnh không còn tin tưởng đến khám ở đây. Bệnh viện bên bờ vực phá sản.
Tổng số nợ của Công ty đến thời điểm cuối năm 2017 khoảng hơn 10 tỷ đồng. Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Công ty đã có thêm các cổ đông khác để cùng góp vốn đầu tư.
Khoảng thời gian này, ông Vũ Văn Khoa và bà Nguyễn Thị Thu Trang đã mua lại một số lượng lớn cổ phần từ các cổ đông cũ và bắt đầu thực hiện từng bước tái cấu trúc Bệnh viện. Sau khi được “bơm máu”, đầu tư thiết bị y tế hiện đại, nhiều bác sỹ đầu ngành tuyến Trung ương cộng tác, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã dần có bệnh nhân đến khám, điều trị. Cơ bản đã qua được khó khăn.
“Tất cả y, bác sỹ và người lao động trong bệnh viện đều có chung mong muốn là sự việc sẽ kết thúc ở đây để chúng tôi yên tâm công tác. Chúng tôi đã quá mệt mỏi trong thời gian dài qua...”, Bác sỹ Trương Trọng Phương nói.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức Bệnh viện đa khoa Hòa Bình nhìn nhận, việc đúng-sai khi ra tòa đã rõ. Mong muốn của cả trăm người lao động là ổn định công việc, cùng nhau làm việc hiệu quả để ổn định cuộc sống./.