Xét xử ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Nhiều bị cáo thừa nhận sai phạm

VOV.VN - Tại phiên xét xử chiều 22/4, nhiều bị cáo trong phiên xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã thừa nhận hành vi sai phạm.

Chiều 24/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Bộ Công Thương và TP HCM. HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng giải thích về các văn bản liên quan vụ án

Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời các câu hỏi của HĐXX được diễn ra ở cuối buổi làm việc sáng nay. Theo đó, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói về Báo cáo số 10 của Bộ phận quản lý vốn nhà nước (BPQLVNN), trong đó có nêu vấn đề chuyển giao quyền sử dụng đất cho công ty cổ phần, bị cáo Hoàng khai, báo cáo này chỉ dừng lại ở việc xin thay thế nhà đầu tư, không có phương án cụ thể. Tại dự thảo công văn trả lời BPQLVNN, bị cáo Hoàng có ghi thêm nội dung: "Việc lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, Tổng Công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét, quyết định".

Ông Vũ Huy Hoàng cho hay, rút kinh nghiệm từ Sabeco Land khi lựa chọn nhà đầu tư, bị cáo yêu cầu phải báo cáo Bộ để đảm bảo các đơn vị thay thế có đủ năng lực, khả năng tiếp tục cùng Sabeco triển khai dự án rất quan trọng là xây dựng trụ sở cho Sabeco và các doanh nghiệp thành viên.

Bị cáo Hoàng cho biết, hàng năm, Sabeco phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thuê văn phòng. Việc xây dựng trụ sở mới là nguyện vọng tha thiết của Sabeco, không chỉ tiết kiệm cho Sabeco mà còn tiết kiệm cho ngân sách.

Đối với văn bản số 6427 do cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký, trong đó có nội dung đồng ý về việc lựa chọn nhà đầu tư và phương án hợp tác như đề xuất của BPQLVNN, bị cáo Hoàng khai, ông không tham gia nội dung, không chỉ đạo việc ban hành công văn này. Bị cáo Hoàng nói: "Theo thủ tục về mặt hành chính của Bộ thì các văn bản, nhất là văn bản do lãnh đạo Bộ ký, thông thường ở phần nơi nhận đều có ghi Bộ trưởng, tuy nhiên mở ngoặc đơn là 'để biết' hoặc 'để báo cáo'. Công văn 6427 cũng ghi như vậy, không phải ghi 'để xin ý kiến', 'để chỉ đạo'".

Về việc không nắm hết được các văn bản cấp dưới ký, cựu Bộ trưởng cho biết, khoảng thời gian từ 2010-2015, bị cáo tập trung vào việc đàm phán hiệp định thương mại tự do, mất nhiều thời gian. Văn bản 6427 không phải văn bản xin ý kiến chỉ đạo, bị cáo không có điều kiện đọc nên không nhớ có được đọc không. Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo được cho xem văn bản này và thấy phần dưới có nơi nhận là bị cáo.

Nói về quá trình thoái vốn, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi Chính phủ có Nghị định 91 yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thoái vốn, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi tất cả các doanh nghiệp thuộc Bộ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.

"Các nhà đầu tư, trong đó các nhà đầu tư trong Sabeco Pearl, chắc chắn biết Nghị định này nên mới có văn bản gửi tôi đề nghị cho Sabeco thoái vốn. Cá nhân tôi về nguyên tắc không xử lý công việc mà không đúng chức năng thẩm quyền. Họ gửi cá nhân tôi nhưng tôi không trả lời vì không đúng thẩm quyền nhưng tôi chuyển Vụ Công nghiệp nhẹ để tham mưu, đề xuất xem xét, báo cáo lãnh đạo Bộ", bị cáo Vũ Huy Hoàng trả lời về 2 văn bản của nhóm nhà đầu tư Sabeco Pearl đề nghị cho Sabeco thoái vốn cũng như cho họ mua lại cổ phần của Sabeco.

Bị cáo Hoàng khai, khi bị cáo Phan Chí Dũng hỏi ý kiến về việc trên, bị cáo yêu cầu trước hết phải có ý kiến của BQLVNN tại Sabeco, như vậy mới đúng thẩm quyền, Bộ không có thẩm quyền trả lời trực tiếp cho nhà đầu tư. Khi BPQLVNN có đề xuất cho Sabeco thoái vốn, Vụ Công nghiệp nhẹ mới có văn bản trả lời Sabeco, không phải trả lời nhà đầu tư.

Về cuộc họp ngày 29/3/2016, bị cáo Hoàng cho biết, cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề của Sabeco, trong đó có bàn về chủ trương thoái vốn và xây dựng trụ sở mới trong trường hợp Sabeco thoái vốn. Bị cáo Hoàng cho rằng, đó không phải cuộc họp về thẩm định giá thoái vốn.

Tại cuộc họp này, ông Võ Thanh Hà (Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN tại Sabeco) trình bày phương án sơ bộ thoái vốn, có phương án về giá. Theo bị cáo Hoàng, cuộc họp này bị cáo thấy không có thông tin TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ ở đối với dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng. Bị cáo Hoàng khẳng định: "Đến thời điểm tháng 6/2016, anh Hà báo cáo cũng chưa có quyết định chính thức cho bổ sung chức năng căn hộ ở. Theo tôi hiểu đến nay cũng chưa có".

Đối với văn bản số 140 thông báo kết luận cuộc họp ngày 29/3/2016, trong đó có nội dung lựa chọn giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn, bị cáo Hoàng cho biết, ông không phê duyệt giá khởi điểm đấu giá.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: "Thông báo do Chánh văn phòng ký tồn tại mấy văn bản. Văn bản đầu tiên có trích dẫn về giá sàn là giá tham khảo để thoái vốn theo các phương án giá của Tổng Công ty, tôi yêu cầu là chọn giá nào cũng phải đảm bảo đúng pháp luật, bảo đảm tối đa vốn Nhà nước.

Sau khi đọc lại bản lưu thông báo trên, tôi sợ bị diễn giải theo nhiều cách hiểu khác nên đã sửa trên chính bản lưu, bỏ hết phần về giá, yêu cầu Tổng Công ty chủ động xây dựng phương án thoái vốn, trong đó có phương án về giá, phải đảm bảo đúng trình tự. Văn bản này được Chánh văn phòng sửa, ký. Đây là bản ý kiến chính thức về phương thức thoái vốn".

Bị cáo Hoàng cho rằng, bị cáo đã báo cáo cơ quan điều tra về văn bản có sự chỉnh sửa của ông nhưng không được ghi nhận trong kết luận điều tra. Bị cáo Hoàng nói: "Nguyên Chánh văn phòng đã xác nhận về sự tồn tại của văn bản này. Tôi tin trong hồ sơ vụ án có văn bản này".

Nhiều bị cáo thừa nhận sai phạm

Sau khi thẩm vấn cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, HĐXX tiếp tục xét hỏi đối với các bị cáo là cán bộ, lãnh đạo tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh về các sai phạm theo cáo buộc.

Theo đó, trước HĐXX bị cáo Lê Văn Thanh cho biết, việc cho Sabeco Pearl thuê đất là không đúng quy định. Tuy nhiên, tại thời điểm cho thuê đất, bị cáo Thanh nghĩ là đúng. “Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo hệ thống lại thì thấy có sơ xuất, sai ạ”, bị cáo Thanh nói tại tòa. 

Theo phân trần của bị cáo Thanh, thời điểm đó, bị cáo chỉ được xem hồ sơ có mấy ngày vì công việc ông bị quá tải, một năm nhận được mấy nghìn hồ sơ.

Đến lượt mình, bị cáo Nguyễn Lan Châu cho biết, việc cho thuê đất, tại thời điểm xử lý hồ sơ, bản thân bà xác định là đúng theo quy định. Vì theo quy định, để trình ra được quyết định phân đất phải qua 2 bước. “Hồ sơ đến tay tôi đơn vị đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính…”, bị cáo Châu nói. Tuy nhiên, theo lời khai của bà Châu, tại thời điểm này, nếu xem xét hết hồ sơ thì việc giao cho Sabeco Pearl thì chưa đúng quy định. 

Đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tín, do vấn đề sức khỏe, bị cáo này xin được xét xử vắng mặt. 

Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) cùng Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (nguyên Chuyên viên Phòng quản lý đất, Sở tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh)… đã có hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai. 

Cũng theo cáo buộc, việc giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê khu đất có diện tích hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá trị quyền sử dụng đất (cho thuê 50 năm) tại thời điểm quyết định cho thuê ngày 30/6/2015 là hơn 1.000 tỷ đồng, không đúng đối tượng và không thông qua đấu giá là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Cũng theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Hữu Tín biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp cho Sabeco xây dựng Khu phức hợp 6 sao, Trung tâm thương mại… không áp dụng việc liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án theo quyết định số 86 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, bị cáo Tín vẫn ký các văn bản cho Sabeco Pearl, không phải là doanh nghiệp Nhà nước, được thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và được thuê đất thực hiện dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng trái quy định của pháp luật, không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Tín thừa nhận hành vi ký quyết định công nhận Sabeco Pearl là chủ đầu tư và cho Sabeco Pearl thuê đất là trái quy định của pháp luật nhưng không có tư lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bị cáo Vũ Huy Hoàng không nhận trách nhiệm vụ Sabeco
Bị cáo Vũ Huy Hoàng không nhận trách nhiệm vụ Sabeco

VOV.VN - Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói rằng bản thân có trách nhiệm quản lý chung, còn cụ thể các vấn đề liên quan Sabeco do cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đảm trách.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng không nhận trách nhiệm vụ Sabeco

Bị cáo Vũ Huy Hoàng không nhận trách nhiệm vụ Sabeco

VOV.VN - Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói rằng bản thân có trách nhiệm quản lý chung, còn cụ thể các vấn đề liên quan Sabeco do cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đảm trách.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng xin ngồi hầu tòa vì "đang mắc rất nhiều bệnh"
Bị cáo Vũ Huy Hoàng xin ngồi hầu tòa vì "đang mắc rất nhiều bệnh"

VOV.VN - Tại phần mở đầu phiên tòa xử vụ "đất vàng", cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày do sức khỏe yếu nên đề nghị HĐXX cho phép ngồi và dùng thuốc khi cần.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng xin ngồi hầu tòa vì "đang mắc rất nhiều bệnh"

Bị cáo Vũ Huy Hoàng xin ngồi hầu tòa vì "đang mắc rất nhiều bệnh"

VOV.VN - Tại phần mở đầu phiên tòa xử vụ "đất vàng", cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày do sức khỏe yếu nên đề nghị HĐXX cho phép ngồi và dùng thuốc khi cần.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được dìu vào hầu tòa vụ "đất vàng"
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được dìu vào hầu tòa vụ "đất vàng"

VOV.VN - Sáng 22/4, bị cáo Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương bước vào phiên tòa trong tình trạng sức khỏe kém, hiện đang mắc bệnh gout nặng.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được dìu vào hầu tòa vụ "đất vàng"

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được dìu vào hầu tòa vụ "đất vàng"

VOV.VN - Sáng 22/4, bị cáo Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương bước vào phiên tòa trong tình trạng sức khỏe kém, hiện đang mắc bệnh gout nặng.