Quảng Bình:

Xét xử vụ chìm đò làm 42 người chết ở Quảng Bình

Tại phiên toà thân nhân các nạn nhân trong vụ chìm đò đã đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi chiếc đò đã cũ kỹ, trét nhiều xi măng nhưng vẫn cho phép đăng kiểm, cho phép lưu thông ?

Ngày 27/8,  tại hội trường UBND xã Quảng Phong, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên toà xét xử lưu động vụ án chìm thuyền gây hậu quả nghiêm trọng làm 42 người chết tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch vào sáng 25/1/2009 (30 Tết Kỷ Sửu). 100 người là thân nhân, người có quyền lợi liên quan, nhân chứng trong vụ tai nạn chìm đò, vợ con của chủ đò và lái đò cùng đông đảo người dân huyện Quảng Trạch đã tham dự phiên toà.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Bình, lái đò Nguyễn Minh Mậu (SN 1978) và chủ đò Nguyễn Xuân Quý (SN 1976), anh trai của Mậu, bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” và “Giao cho người không đủ điều kiện để điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ” theo điều 212, và 215 BLHS.

Sáng 25/1/2009, Quý cùng em trai dùng đò gỗ có động cơ Diezel 15 mã lực, do Quý làm chủ, chở khách ngang sông, từ bến xã Quảng Hải đi xã Quảng Thanh. Quý giao cho Mậu điều khiển, còn Quý điều hành sắp xếp khách ở đầu mũi đò. Chiếc đò đã chở 100 người, chạy cách bến đò xã Quảng Thanh 30m thì chìm làm 42 người  thiệt mạng, 47 người được cứu sống, 11 người bị thương được điều trị tại bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình.

39 đứa trẻ mồ côi mẹ, 35 gia đình mất người thân trong vụ chìm đò trên sông Gianh ngày 25/1/2009

Thân nhân của các nạn nhân yêu cầu bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng. Anh Cao Xuân Hoà có vợ là chị Cao Thị Tởi, yêu cầu bồi thường thấp nhất, mức 5,5 triệu đồng; cao nhất là anh Cao Xuân Luận đòi bồi thường 372,6 triệu đồng bao gồm tiền chi phí mai táng, tổn thất tinh thần và tiền nuôi con đến 18 tuổi. Vụ chìm đò làm 35 gia đình mất người thân, 39 đứa trẻ mồ côi mẹ, trong đó, có 10 em nhỏ chưa tròn một tuổi.

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Minh Mậu đã thành khẩn nhận tội: là người không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa, Mậu vẫn cầm lái con thuyền BKS QB 1370-H do anh mình là Nguyễn Xuân Quý làm chủ thuyền, dẫn đến vụ tai nạn làm chết 42 người vào lúc 7 giờ sáng 25/1/2009.  Mậu còn khai nhận: Quý  không hề giao cho Mậu cầm lái hộ, mà do Mậu tự ý cầm lái vì thấy anh mới ốm dậy, mệt mỏi. Chủ đò Nguyễn Xuân Quý cũng khai nhận rằng, Quý cũng không giao cụ thể cho Mậu mà chỉ nói trước đó rằng “khi nào anh mệt, em giúp anh”. Mậu khai, trong ngày 25/1/2009 chuyến đò gặp nạn là chuyến thứ 2 Mậu cầm lái. Trước hàng trăm người thân của các nạn nhân và các nhân chứng trong vụ  chìm đò, cả Mậu và Quý đều khẳng định: là người đứng mũi, Quý đã dùng sào cản hành khách là người dân Quảng Hải lên đò, nhưng phần vì số người tràn lên quá đông, phần vì  tâm lý cả nể người quen nên cuối cùng đã chở quá số người quy định (theo cáo trạng, trên đò chở 100 người). 

Tại phiên toà, thân nhân các nạn nhân thấy hoàn cảnh của hai bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên đã tự nguyện xoá bỏ không đòi bồi thường tiền mai táng phí, tiền thiệt hại tài sản, vẫn giữ nguyên việc yêu cầu tiền nuôi con cái đến tuổi chưa thành niên. Thân nhân của 42 nạn nhân cũng mong Toà án xem xét giảm nhẹ tội trạng đối với hai bị can, mở cho họ một con đường sớm về lại với cộng đồng để làm ăn nuôi gia đình. Theo thân nhân các nạn nhân  thì một phần lỗi thuộc về những người bị nạn chen lấn trên chuyến đò “định mệnh”.

Một điều đáng chú ý là tại phiên toà thân nhân các nạn nhân trong vụ chìm đò đã đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi chiếc đò của Nguyễn Xuân Quý đã cũ kỹ, trét nhiều xi măng nhưng vẫn cho phép đăng kiểm, cho phép lưu thông? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ xã lên huyện, tỉnh trong vụ chìm đò thảm khốc này như thế nào? Đặc biệt  trách nhiệm của chính quyền xã đã lơ là, thiếu kiểm tra trong phân công người làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn trên bến đò Quảng Hải, cũng như việc người có trách nhiệm được phân công lại bỏ bến thuyền về nhà làm việc riêng. Việc thân nhân của các nạn nhân đề cập đến vấn đề trách nhiệm dân sự và hình sự của chính quyền cấp các cấp của tỉnh Quảng Bình, Toà đã không có quan điểm. Vì vậy, nhiều người thân của các nạn nhân trong vụ chìm đò đã rời phiên toà ra về.

Dự kiến, ngày 28/8 TAND tỉnh Quảng Bình sẽ tuyên án đối với Nguyễn Minh Mậu và  Nguyễn Xuân Quý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên