Y án tù 4 bị cáo vụ truy sát Giám đốc BV Thanh Nhàn
VOV.VN -Dù chỉ ra những sai sót trong án sơ thẩm, nhưng HĐXX vẫn giữ nguyên bản án với các bị cáo trong vụ truy sát Giám đốc BV Thanh Nhàn.
Ngày 9/8, TAND Tối cao xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ truy sát Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo đó, HĐXX vẫn giữ nguyên bản án đã tuyên tại phiên tòa sơ thẩm đối với 4 bị cáo liên quan đến vụ việc.
Cụ thể, Nguyễn Quang Đạt (53 tuổi, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội) 20 năm tù; Ngô Quang Dũng (38 tuổi, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội) 19 năm tù; Nguyễn Mạnh Hùng (19 tuổi, ngụ tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) 19 năm tù và Đỗ Đức Thụ (38 tuổi, ngụ ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) 17 năm tù.
Vụ án truy sát Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn gây chấn động dư luận trong thời gian đầu năm 2013.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm |
Theo bản án, năm 2004 và 2005, Nguyễn Quang Đạt là Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ y tế (gọi tắt là Công ty ĐY33) đã ký hợp đồng liên kết với Bệnh viện Thanh Nhàn một số dịch vụ về khám chữa bệnh, phục vụ tang lễ.
Khi ông Đào Quang Minh lên làm Giám đốc Bệnh viện đã điều chỉnh về tỷ lệ ăn chia giữa Công ty DDY33 và Bệnh viện Thanh Nhàn đối với các dịch vụ nói trên.
Điều này khiến Đạt cho rằng ông Minh đã gây khó khăn cho việc làm ăn của mình nên có nói chuyện với em vợ là Ngô Quang Dũng.
Dũng nói với Đạt phải “dằn mặt” ông Minh sau đó lên kế hoạch thuê người hành sự với sự giúp sức đắc lực của Đạt trong việc xác định lộ trình đi lại sinh hoạt của ông Minh.
Ngày 1/3/2013, ông Minh dẫn đầu đoàn công tác từ Hà Nội lên Thái Nguyên, các đối tượng đã bám theo.
Khi xe đến ngã ba Thạch Lỗi thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đoàn công tác dừng xe đi vệ sinh thì các đối tượng xông đến. Nguyễn Mạnh Hùng đã cầm dao chém liên tiếp vào người ông Minh.
Dù bị thương nặng, ông Minh cố bỏ chạy nhưng vẫn bị Hùng đuổi theo chém tiếp. Chỉ đến khi nhiều người trong đoàn công tác hô hoán thì nhóm côn đồ mới chịu bỏ đi. Ông Đào Quang Minh bị tổn thương sức khỏe 56%.
Sau khi vụ thanh toán thực hiện xong, Dũng trả cho nhóm chém thuê 31 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX ghi nhận ý kiến bào chữa của luật sư cho rằng, ông Đạt không tham gia vào việc giết người, đã có ý ngăn cản, bản thân bị cáo này từng đi bộ đội và có nhân thân tốt. Mục đích không phải giết người, mà chỉ đe dọa.
Bị cáo Dũng khai là người trực tiếp, chủ mưu chứ không phải anh rể. Luật sư bào chữa cho rằng, cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng vượt quá giới hạn xét xử khi đưa thêm tình tiết “giết người đang thi hành công vụ” làm bất lợi cho các bị cáo. Đại diện VKSND Tối cao trong phần tranh tụng cũng đồng ý kiến với quan điểm này nhưng cho rằng việc vi phạm đó không nghiêm trọng.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này thể hiện rõ tính chất nghiêm trọng, có sự phân công, cấu kết chặt chẽ giữa nhóm bị cáo thuê giết người là Đạt và Dũng cùng với nhóm giết người thuê là Thụ và Hùng.
HĐXX cũng cho rằng, tòa cấp sơ thẩm đã có 3 sai sót gồm: Các bị cáo đã phạm tội giết người và việc giết người này là chưa đạt nhưng không thể hiện rõ trong bản án.
Trong vụ án này, bị cáo Đạt và Dũng đã tự nguyên bồi thường cho nạn nhân 70 triệu đồng, bị cáo Hùng và Thụ chưa có biện pháp nào để bồi thường nhưng tòa sơ thẩm vẫn đưa vào diện tự khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, với việc chém người Thụ đã được trả công 17 triệu đồng, Hùng được hơn 6,5 triệu đồng, đây là số tiền bất chính nhưng tòa sơ thẩm không tuyên phải tịch thu.
Tòa phúc thẩm cho rằng đây là sai sót nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến kết quả xét xử nên chỉ đưa ra để tòa sơ thẩm rút kinh nghiệm./.