5 trang bị mới đầy hứa hẹn của lính Mỹ
VOV.VN - Bất chấp những khó khăn trong năm 2020, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục tiến trình áp dụng các công nghệ, vũ khí và trang bị mới để cải thiện khả năng chiến đấu của binh sĩ - vấn đề đang được quân đội nhiều nước trên thế giới hết sức quan tâm.
Kính tác chiến IVAS
Quân đội Mỹ đã thử nghiệm nhiều phiên bản khác nhau kính tác chiến hay còn gọi là Hệ thống Tăng cường Thị lực Tích hợp (Integrated Visual Augmentation System - IVAS) trong một thời gian khá dài. Tháng 10/2020, các phiên bản mới của kính tăng cường thị giác được Sư đoàn Dù số 82 tại Fort Picket (Virginia) thử nghiệm, cho phép binh sĩ nhận được nhiều thông tin quan trọng được hiển thị trực tiếp, như nhận biết tình huống giúp định hướng trên địa hình không quen thuộc dưới dạng 2D và 3D, theo dõi các thành viên khác trong phân đội và liên lạc với nhau bất kể thời gian nào trong ngày.
Đây là một nền tảng duy nhất cho phép người lính chiến đấu, diễn tập, huấn luyện và thực hiện các hoạt động phục vụ tác chiến, nhờ khả năng chia sẻ thông tin được nối mạng và công nghệ thực tế hỗn hợp và tăng cường. Hệ thống này tương thích với các hệ thống nhìn ban đêm và tầm nhiệt, người lính có thể đánh dấu đối thủ, đồng minh, nhiều mốc và điểm khác nhau trên mặt đất, có thể ẩn hình ảnh đồ họa, chỉ để lại thông tin điều hướng - la bàn hoặc mũi tên với hướng di chuyển đến mục tiêu đã chọn và khoảng cách tới mục tiêu đó...
Kính tác chiến sẽ được ghép nối qua Bluetooth với ống soi trên cánh tay nhỏ của các chiến binh, giúp cải thiện độ chính xác khi bắn. Trong các cuộc thử nghiệm, binh lính được trang bị hệ thống mới này tự tin bắn trúng mục tiêu từ súng trường tấn công M4 thông thường ở khoảng cách 274,32m ở tư thế đứng. Đồng thời, các lính dù lưu ý rằng việc học cách sử dụng hệ thống mới khá dễ dàng và tất cả các chức năng đã có trong IVAS đều rất dễ khai thác.
Hệ thống IVAS Capability Set 4 dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2021, với 40.219 bộ. Quân đội Mỹ đang yêu cầu hơn 906 triệu USD đầu tư IVAS trong năm tới, hơn 1 tỷ USD vào năm 2022, khoảng 320 triệu USD trong năm tài chính 2023 và 148 triệu USD vào năm tài chính 2025 để có số lượng IVAS khoảng 100.000 bộ tổng số. Trong tương lai, "kính thông minh" này sẽ có thể nhận dạng khuôn mặt, học cách phân biệt giữa dân thường và quân đội, cũng như dịch văn bản từ nhiều ngôn ngữ khác nhau sang tiếng Anh.
Súng cá nhân cỡ nòng 6,8mm thế hệ tiếp theo
Quân đội Mỹ coi việc chuyển đổi vũ khí các nhân sang cỡ nòng 6,8mm là một dự án rất quan trọng và có nhiều hứa hẹn. Lục quân Mỹ hiện đang trong giai đoạn cuối cùng đánh giá các mẫu vũ khí được tạo ra trong khuôn khổ Chương trình vũ khí cấp tiểu đội thế hệ tiếp theo (Next Generation Squad Weapon - NGSW). Là một phần của chương trình này, một loại súng trường tấn công thế hệ mới đang được các tập đoàn Textron Systems, General Dynamics Ordnance và Tactical Systems Inc và Sig Sauer tạo ra, sẽ thay thế khẩu súng tự động 5,56mm M4A1 tiêu chuẩn, cũng như trung liên cỡ 5,56mm M249.
Các mẫu này đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm sử dụng của lính (soldier touch point - STP); đồng thời, các mẫu khác nhau về thiết kế và phiên bản khác nhau của loại đạn 6,8mm được sử dụng. Quân đội Mỹ có kế hoạch chọn một công ty cụ thể trong quý đầu tiên của năm tài chính 2022 để cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân đội; việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 4 của năm tài chính 2022 để cung cấp cho không chỉ bởi các đơn vị bộ binh thông thường, mà còn các đơn vị đặc nhiệm của quân đội Mỹ.
Một đặc điểm của loại đạn 6,8mm mới là vỏ đạn có thể làm bằng polymer - điều ảnh hưởng tích cực đến trọng lượng của đạn mà binh sĩ mang theo. Ngoài ra, các đạn mới sẽ mạnh hơn đáng kể so với đạn 5,56mm, không thua kém gì so với đạn tiêu chuẩn của NATO có cỡ nòng 7,62x51mm, và thậm chí còn vượt trội.
Súng phóng lựu có độ chính xác cao
Nhiệm vụ tấn công các mục tiêu sau chướng ngại địa hình, nơi trú ẩn tự nhiên khác nhau và các chướng ngại vật trên chiến trường rất quan trọng. Súng phóng lựu, được đưa vào trang bị vào năm 2009, và hiện tại, ít nhất hai lính bộ binh trong mỗi tiểu đội Mỹ được trang bị súng M4A1 với bộ gá phóng lựu cỡ 40mm M320. Quân đội Mỹ vẫn không từ bỏ nỗ lực để có được những hệ thống phức tạp và độ chính xác cao hơn, đang đầu tư phát triển súng phóng lựu cỡ nhỏ (bao gồm cả bộ gá vào nòng) và đạn cho chúng.
Trong thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã cố gắng cải thiện khả năng bằng Hệ thống đánh mục tiêu XM25 Counter-Defilade tiên tiến - một loại súng phóng lựu bán tự động dùng đạn phân mảnh 25mm với kích nổ từ xa trên không. Ban đầu, hệ thống này được đánh giá là rất hứa hẹn và tạo được tiếng vang trong bộ binh Mỹ. Tuy nhiên, việc không đáp ứng được thời hạn phát triển và cung cấp vũ khí, cũng như chi phí tài chính khá cao để sản xuất vũ khí và đạn dược đầy hứa hẹn cho chúng (một phát bắn giá 50USD) đã khiến chương trình bị chấm dứt vào năm 2018.
Quân đội Mỹ dự kiến sẽ nhận được lựu đạn và súng phóng lựu mới như một phần của quá trình phát triển chương trình Cấu hình vũ khí và đạn dược cấp trung đội (Platoon Arms and Ammunition Configuration - PAAC), được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2024. Đồng thời, quân đội Mỹ có kế hoạch chuyển sang sử dụng các hệ thống vũ khí mới có khả năng chống lại kẻ thù trên các vùng địa hình mấp mô cho đến năm 2028.
Súng trung liên mới thay thế M240 và M2
Tháng 11/2020, Quân đội Mỹ dự kiến sẽ nhận được những khẩu trung liên mới để thay thế cho các cựu binh là khẩu M240 7,62mm và khẩu M2 cỡ nòng12,7mm. M2 John Browning được tạo ra từ năm 1932, kể từ đó đã nhiều lần được hiện đại hóa, trải qua tất cả các cuộc chiến tranh mà quân đội Mỹ tham gia, trong đó có Thế chiến II. Các quan chức quân đội Mỹ nói rằng quyết định tạo ra súng máy đơn và cỡ lớn mới sẽ được đưa ra cuối cùng sau khi đánh giá chương trình NGSW, cũng như khả năng của súng máy 6,8mm mới được tạo ra theo chương trình này. Quyết định cuối cùng về cấu hình của súng trung liên thế hệ tiếp theo vẫn chưa được đưa ra.
Được biết, Thủy quân Lục chiến cùng với Lục quân Mỹ đang nghiên cứu một loại súng máy mới, nhưng họ cũng đang xem xét một mẫu súng đang được phát triển bởi Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt là khẩu Norma Magnum dùng đạn 8,6x64mm. Trong tương lai, nó có thể thay thế tất cả súng M240 trong các đại đội Thủy quân Lục chiến, và có thể trong các đơn vị Lục quân. Đạn mới sẽ giúp nó bắn trúng mục tiêu ở cự ly tới 1.500m, trong khi tầm bắn hiệu quả của súng máy 7,62mm M240 ước tính khoảng 800m. Quyết định về súng máy Norma Magnum mới sẽ được đưa ra trong vòng 3-5 năm.
Ống giảm thanh cho súng trung liên
Nếu quyết định cuối cùng về cấu hình và nhà sản xuất súng trung liên mới vẫn chưa được đưa ra, thì công việc cải tiến các mẫu súng hiện có vẫn đang được tiến hành. Một trong những lựa chọn để nâng cấp súng M240 7,62mm có thể là lắp đặt ống giảm thanh cho nó. Trong khuôn khổ cuộc diễn tập được thực hiện vào tháng 10, quân đội Mỹ đã thử nghiệm bộ giảm thanh dùng cho trung liên M240, do công ty Maxim Defense phát triển. Bộ giảm thanh do các công ty khác thiết kế chế tạo không thể triệt hết âm những loạt bắn từ súng trung liên Mỹ.
Bộ giảm thanh do Maxim Defense cung cấp sẽ không làm cho M240 trở thành vũ khí của ninja, nhưng khiến đối phương khó khăn hơn khi xác định vị trí của nó trong trận đánh. Và các thành viên phân đội và chỉ huy sẽ có thể nghe thấy nhau để có thể ra lệnh và điều chỉnh hỏa lực súng mà không cần dùng đến thiết bị bảo vệ thính giác. Các cuộc thử nghiệm bộ giảm thanh mới sẽ kéo dài đến tháng 3/2021. Sau đó, một báo cáo thử nghiệm và các khuyến nghị để cải thiện hơn nữa mô hình sẽ được đưa ra. Nếu mọi việc suôn sẻ, sản phẩm dự án sẽ được sản xuất hàng loạt./.