Bom lượn tầm xa của Ukraine vẫn gặp khó trước tác chiến điện tử Nga
VOV.VN - Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết, hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã khiến nhiều quả bom dẫn đường GLSDB tầm xa của Ukrane không thể nhắm trúng các mục tiêu đã định.
Trong thời gian qua, Ukraine đã tìm kiếm vũ khí có tầm bắn xa hơn tên lửa dẫn đường phóng hàng loạt (GMLRS) do Mỹ cung cấp để làm gián đoạn các tuyến tiếp tế và tấn công điểm tập kết của Nga.
Trước mong muốn của Ukraine, Boeing đã giới thiệu một loại vũ khí mới cho Lầu Năm Góc với tầm bắn 161km, đó là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB). Bom GLSDB là một loại bom đường kính nhỏ do tập đoàn Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển phát triển.
Tuy nhiên, hệ thống định vị của GLSDB, cho phép nó di chuyển vòng quanh các chướng ngại vật như núi và các hệ thống phòng không của đối phương, đã trở thành mục tiêu gây nhiễu của Nga.
Trong khi Boeing nói loại vũ khí này có thể đối phó với một số thiết bị tác chiến điện tử nhất định, một nguồn tin lại cho biết hãng này có thể mất nhiều tháng để khắc phục nhằm đối phó với tác chiến điện tử của Nga.
Hiện tượng gây nhiễu xảy ra khi lượng năng lượng lớn được truyền vào một khu vực, lấn át tín hiệu của thiết bị. Nga đã sử dụng chiến thuật này để gây nhiễu tín hiệu vô tuyến, máy bay không người lái của Ukraine và thậm chí cả đạn pháo Excalibur 155mm dẫn đường bằng GPS.
Daniel Patt, học giả cấp cao tại Viện Hudson, hồi tháng 3 nói rằng đạn pháo Excalibur 155mm được dẫn đường bằng GPS “có tỷ lệ hiệu quả 70% bắn trúng mục tiêu khi lần đầu tiên được sử dụng ở Ukraine”, nhưng sau 6 tuần, hiệu quả giảm xuống chỉ còn 6% khi Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để chống lại vũ khí này.
Ukraine đã sử dụng bom GLSDB từ đầu năm nay nhưng các chuyên gia lưu ý rằng nó hoạt động không hiệu quả trên chiến trường do bị tác chiến điện tử của Nga cản trở.
Ukraine cũng đã sử dụng cả Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm ngắn và tầm xa (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300km.
Tom Karako, chuyên gia vũ khí tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết, việc gây nhiễu trên chiến trường ở Ukraine “đơn giản là một thực tế và nhiều hệ thống vũ khí đã phải đối mặt với điều này”.
“Cho dù những thách thức đó được giải quyết bằng cách nâng cấp kỹ thuật hay chỉ đơn giản là các phương pháp sử dụng thay thế, thì lợi ích của các vũ khí tầm xa vẫn là rất lớn”, chuyên gia Karako cho hay.
Hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã gây ra nhiều vấn đề cho vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Kiev đã sử dụng các loại vũ khí chính xác cao do Washington cung cấp, như Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường HIMARS và đạn tấn công trực tiếp đồng loạt phóng từ trên không, nhưng tác chiến điện tử của Nga thường xuyên làm giảm hiệu quả của những vũ khí này.