Chiến lược của Nga khi sử sụng Su-34 làm bệ phóng tên lửa Kinzhal
VOV.VN - Tên lửa Kinzhal thường được triển khai trên máy bay đánh chặn MiG-31K. Việc Nga sử dụng Su-34 để phóng tên lửa siêu thanh này là một động thái đáng chú ý.
Truyền thông Nga cho hay, quân đội nước này đã sử dụng tiêm kích đa năng Su-34 phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine thay vì MiG-31K.
“Máy bay chiến đấu Su-34 đã phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhóm phi công đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ này đã được trao phần thưởng cấp nhà nước”, một quan chức quốc phòng Nga cho biết nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm tiến hành cuộc không kích.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal, còn được gọi là Dagger, được đưa vào biên chế trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) từ năm 2017 và lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào tháng 3/2022.
Chiến lược của Nga
Kinzhal thường được triển khai trên máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-31K. Theo các chuyên gia quân sự, máy bay ném bom Tu-22M3 là phương tiện duy nhất ngoài MiG-31K có thể mang tên lửa Kinzhal. Một số người khác nhận định máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cũng sắp được trang bị tên lửa siêu thanh này.
Việc sử dụng Su-34 làm bệ phóng Kinzhal là một động thái bất ngờ và đáng chú ý của VKS.
Chuyên gia quân sự, cựu binh Không quân Ấn Độ Vijainder K. Thakur cho rằng: “MiG-31K là những biến thể được hiện đại hóa sâu. Chúng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Lợi thế đáng kể nhất khi sử dụng Su-34 để phóng tên lửa Kinzhal là yếu tố bất ngờ. Ukraine sẽ được cảnh báo ngay khi MiG-31K mang Kinzhal cất cánh”.
Việc tích hợp tên lửa Kinzhal lên Su-34 có thể dẫn đến việc sử dụng nhiều phương tiện ngoài MiG-31K để gây “rối loạn” cho lực lượng Ukraine. Theo một tờ báo của Nga, Ukraine thường phát cảnh báo bất cứ khi nào những chiếc MiG-31K mang tên lửa Kinzhal bay lên bầu trời. Sự xuất hiện của Su-34 với tư cách là một phương tiện mang tên lửa Kinzhal sẽ khiến Ukraine phải phát cảnh báo khi có bất cứ máy bay ném bom nào xuất kích vì mỗi chiếc đều có thể trở thành phương tiện phóng tên lửa siêu thanh.
Sử dụng tiêm kích bom Su-34 làm bệ phóng tên lửa Kinzhal cũng sẽ giảm tải cho phi đội MiG-31K, cho phép loại chiến đấu cơ này tăng cường nhiệm vụ tuần phòng không phận, chế áp máy bay Ukraine và đối phó tên lửa, UAV xâm nhập.
Hiệu quả của tên lửa Kinzhal ở Ukraine
Ngay sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 3/2022 tuyên bố tên lửa siêu thanh Kinzhal đã phá hủy một kho vũ khí lớn dưới lòng đất ở miền Tây Ukraine.
Tháng 3/2023, Moscow đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào Ukraine sử dụng 81 tên lửa các loại, trong đó có 6 tên lửa Kinzhal. Điều này đánh dấu lần đầu tiên có nhiều tên lửa siêu thanh được sử dụng trong một cuộc tấn công.
Vài ngày sau, ông Yury Ihnat, Người phát ngôn Không quân Ukraine, nói rằng quân đội Nga sở hữu khoảng 50 tên lửa siêu thanh Kinzhal nhằm tấn công “các trung tâm ra quyết định” của Kiev.
Thời điểm đó, ông Ihnat cho hay, mặc dù Ukraine không có hệ thống phòng thủ chống lại những loại vũ khí này nhưng Kiev hy vọng sẽ sớm nhận được hệ thống phòng không Patriot đầu tiên. Hệ thống Patriot đầu tiên được Mỹ chuyển cho Kiev khoảng 1 tháng sau đó.
Tháng 5/2023, Ukraine tuyên bố đã đánh chặn một tên lửa Kinzhal của Nga với sự trợ giúp của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot vừa được Mỹ chuyển giao. Trong một bài đăng trên X (Twiitter), Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: “Không quân Ukraine xác nhận lực lượng phòng không đã đánh chặn Kinzhal, một tên lửa đạn đạo siêu thanh của Nga, lần đầu tiên kể từ khi các cuộc tấn công bắt đầu. Những người vận hành hệ thống phòng không Patriot đã làm được điều này.”
Tuy nhiên, một nguồn tin cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng hệ thống Patriot không thể đánh chặn tên lửa Kinzhal. Nguồn tin giải thích rằng, Kinzhal thực hiện cơ động chống tên lửa và tiếp cận mục tiêu gần như thẳng đứng trong giai đoạn bay cuối, loại bỏ khả năng bị hệ thống tên lửa phòng không đối phương bắn hạ. Ông coi những tuyên bố nói rằng tên lửa siêu thanh Kinzhal bị đánh chặn là “bịa đặt” và “ảo tưởng”.
Các tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp 5 lần âm thanh trở lên và có quỹ đạo khó đoán như Kinzhal thường không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống tên lửa hoặc phòng không thông thường. Năm 2018, Nga tiết lộ Kinzhal là một trong 6 loại vũ khí “thế hệ tiếp theo”.
Tuy nhiên, việc sử dụng tên lửa này nhiều lần cũng như những tuyên bố của lực lượng Ukraine về việc đánh chặn và bắn hạ tên lửa “bất khả chiến bại” của Nga đã khiến các nhà quan sát quân sự đặt câu hỏi liệu hiệu quả và tiềm năng của Kinzhal có bị thổi phồng quá mức hay không.
Dù vậy, các nhà quan sát quân sự vẫn lo ngại về một máy bay chiến đấu khác của Nga được trang bị tên lửa siêu thanh. Lực lượng Nga có nhiều máy bay ném bom Su-34 hơn máy bay đánh chặn MiG-31K.
Su-34 có lợi thế hơn MiG-31?
Theo Bulgarian Military, ước tính Nga chỉ có khoảng 30-35 chiếc MiG-31K/I đang hoạt động, trong khi Su-34 vẫn là loại máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trong Lực lượng hàng không vũ trụ Nga với số lượng lên tới 120 chiếc được đưa vào sử dụng.
Su-34 Fullback là máy bay tiêm kích/ném bom tầm trung siêu thanh hai động cơ, hai chỗ ngồi, hoạt động trong mọi thời tiết, được VKS triển khai rộng rãi để thực hiện các cuộc tấn công không đối đất và ném bom vào lực lượng Ukraine. Chúng có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ, mà không cần máy bay chiến đấu bay kèm bảo vệ. Trong một vụ việc gần đây, một chiếc Su-34 đã phá hủy trận địa phòng không của S-300PS của Ukraine bằng đạn dẫn đường.
Ngoài sự khác biệt về số lượng, Su-34 có lợi thế đáng kể so với MiG-31 về yêu cầu bảo trì và chi phí vận hành. Su-34 có yêu cầu bảo trì ít hơn đáng kể, trong khi tỷ lệ sẵn sàng cao hơn nhiều so với MiG-31. Các yếu tố này cùng với chi phí hoạt động giảm, khiến Su-34 trở thành máy bay lý tưởng để triển khai tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Việc tích hợp Kinzhal vào Su-34 đem lại cho Nga sức ảnh hưởng đáng kể ở nhiều chiến trường - nơi những chiếc máy bay này đồn trú, trải dài từ vùng băng giá rộng lớn ở Bắc Cực và vùng Viễn Đông xa xôi đến các địa hình tranh chấp ở Ukraine và Syria.
Đáng chú ý, Su-34 là máy bay chiến đấu chiến thuật có tầm hoạt động lớn nhất hiện đang hoạt động trên toàn cầu, chỉ bị “gã khổng lồ” MiG-31 vượt qua về kích thước. Với cấu trúc hiện đại và thiết kế hiệu quả, Su-34 có khả năng vận chuyển trọng tải nặng hơn đáng kể trên khoảng cách xa hơn.