Chiến tăng Abrams thất bại trước UAV của Nga
VOV.VN - Hãng tin CNN đưa tin, xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất đang bộc lộ hàng loạt điểm yếu trên chiến trường. Đặc biệt, lớp giáp xe tăng được cho là không đủ khả năng chống lại sức tấn công từ các UAV của quân đội Nga.
“Lớp giáp của Abrams không đủ mạnh để bảo vệ binh sĩ Ukraine trong thời điểm này. Thực tế ngày nay là cuộc chiến của máy bay không người lái (UAV). Thế nên bây giờ, khi xe tăng lăn bánh, các UAV luôn cố gắng tấn công chúng” – một binh sĩ Ukraine có mật danh Joker cho biết.
Theo nhiều binh sĩ Ukraine, xe tăng Abrams được chế tạo theo phong cách chiến đấu của NATO. Trên chiến trường, sức mạnh không quân và pháo binh sẽ được triển khai trước; tiếp đó, xe tăng và bộ binh mới ra trận. Phía Ukraine từng nhiều lần lên tiếng về việc thiếu vũ khí cho pháo binh và không quân.
“Chúng tôi không có máy bay và pháo binh. Chúng tôi chỉ có xe tăng. Và đó là vấn đề” – binh sĩ Joker nói.
Một thành viên phi hành đoàn khác có tên Dnipro cũng chia sẻ với CNN rằng: “Không có vũ khí phòng thủ, phi hành đoàn không thể sống sót trên chiến trường”, đồng thời cho biết thêm họ đang là “mục tiêu số một” trên tiền tuyến.
Mỹ đã viện trợ cho Ukraine nhiều mẫu xe tăng Abrams, đặc biệt là mẫu M1A1, nhằm hỗ trợ quân đội Kiev chống lại lực lượng Nga trên chiến trường. Được biết, mỗi chiếc xe tăng này có giá khoảng 10 triệu USD.
Theo tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, chiến tăng Abrams là một trong những phương tiện chiến đấu chủ lực của quân đội Mỹ, với sức công phá lớn và được Washington cam kết thường xuyên bảo trì và sửa chữa. Tuy nhiên, mẫu xe tăng này đã phải đối mặt với nhiều thách thức trên chiến trường, chủ yếu là do chiến thuật tác chiến bằng UAV của Nga. Chiến thuật này khiến xe tăng Abrams ngày càng dễ bị phát hiện và tấn công từ trên không, khiến quân đội Ukraine buộc phải rút dần khỏi tiến tuyến nhằm tránh tăng thêm tổn thất.
Theo các quan chức của Lữ đoàn cơ giới số 47, tất cả 31 chiếc Abrams được gửi tới Ukraine từ hồi đầu năm 2023 đều đang tham chiến gần tiền tuyến ở phía đông. Đến nay, 5 trong số 31 chiếc Abrams đã bị tiêu diệt. Lầu Năm Góc cho biết xe tăng Abrams đã được rút khỏi tiền tuyến do mối đe dọa từ UAV, nhưng vẫn có một số chiếc xe tăng Abrams vẫn hoạt động tại khu vực tiền tuyến, theo thông tin từ Lữ đoàn 47 của Ukraine.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố sẽ phá hủy các hệ thống vũ khí tiên tiến của phương Tây gửi tới Ukraine, đồng thời cho rằng viện trợ từ Mỹ và các đồng minh sẽ chỉ kéo dài thời gian mà không thể giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.
“Không có thuốc chữa bách bệnh, không có loại vũ khí nào có thể thay đổi cán cân lực lượng trên chiến trường”, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trong một cuộc họp báo vào tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết nước này vẫn đang tiếp tục "thử nghiệm và cải tiến các thiết bị mà ban đầu không được chuẩn bị" cho cuộc xung đột với Nga, đồng thời kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự.