Có vũ khí khắc chế UAV Iran nhưng Ukraine sẽ khó khăn về đạn
VOV.VN - Pháo tự hành Gepard của Đức được cho là có khả năng giúp Ukraine đối phó với các UAV do Iran sản xuất nhưng việc cung cấp đạn dược cho vũ khí này đang gặp khó khăn.
Đức đã cung cấp cho Ukraine 30 pháo tự hành phòng không Gepard cùng 6.000 quả đạn. Vũ khí này được cho là có khả năng giúp Ukraine đối phó với các UAV do Iran sản xuất mà phương Tây cáo buộc Nga đang sử dụng để tấn công vào các mục tiêu quân sự và các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Còn được gọi là Flakpanzer Gepard, pháo tự hành này là một vũ khí chủ lực trong hệ thống phòng không của lục quân Đức cũng như một số nước NATO khác. Dù vậy, việc cung cấp đạn dược đang là nguyên nhân gây ra vấn đề ngoại giao cho Berlin.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã yêu cầu Thụy Sỹ xuất khẩu cho Ukraine 12.400 quả đạn mà nước này sản xuất được sử dụng cho Gepard, song Bern đã từ chối bởi điều đó sẽ đi ngược với lập trường trung lập của họ. Berlin cũng từng đưa ra yêu cầu trên trước đó hồi tháng 6/2022.
Đạn pháo cỡ nòng 35mm ban đầu được các công ty Thụy Sĩ cung cấp cho quân đội Đức cách đây nhiều thập kỷ với điều kiện họ sẽ không được xuất khẩu nếu không có sự đồng ý của Thụy Sĩ.
Bộ trưởng kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin cho biết theo nguyên tắc đối xử công bằng trong luật trung lập, Bern không thể đồng ý với yêu cầu "chuyển giao các vũ khí chiến tranh có nguồn gốc từ Thụy Sĩ cho Ukraine chừng nào Kiev vẫn đang là một bên trong một cuộc xung đột vũ trang".
Zev Faintuch, nhà phân tích tình báo cấp cao tại công ty an ninh Global Guardian nhận định với Newsweek rằng, Gepard là một trong những vũ khí hiệu quả nhất mà Ukraine sở hữu để đối phó với vũ khí cảm tử lưu động Shahed-136 do Iran sản xuất, còn được gọi là các UAV cảm tử.
“Pháo tự hành Gepard và các loại pháo phòng không tương tự giúp làm giảm chi phí đánh chặn các UAV do Iran sản xuất, ngăn chặn lợi thế bất đối xứng mà hiện Nga đang sở hữu", chuyên gia Faintuch cho hay.
Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc Đức phớt lờ yêu cầu hỗ trợ vũ khí từ Kiev. Tuy nhiên, vào cuối tháng đó, Ukraine lần đầu tiên nhận được pháo tự hành Gepard, hệ thống mà Ukraine cho biết đã được sử dụng để phá hủy 1 tên lửa của Nga trước khi nó tấn công vào một nhà máy điện ở Kiev ngày 18/10.
Ulrike Franke, một học giả cấp cao tại Hội đồng châu Âu về Đối ngoại nhận định với Newsweek rằng vấn đề gây tranh cãi không phải là về sự đoàn kết của EU trong việc hỗ trợ Ukraine mà là về "quan điểm trung lập của Thụy Sĩ".
Thụy Sĩ, quốc gia không thuộc EU, đã thực hiện các lệnh trừng phạt của EU nhằm chống lại Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
"Thụy Sĩ nhận ra rằng thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm và họ cần hợp tác nhiều hơn với các quốc gia khác. Nhưng họ không muốn từ bỏ lập trường trung lập và việc trang bị vũ khí cho 1 bên trong xung đột đi ngược với lập trường đó của họ"./.