Đặc nhiệm SEAL Hải quân Mỹ than phiền vì thiếu súng đạn
VOV.VN - Đặc nhiệm SEAL Hải quân Mỹ- một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội nước này- đang than phiền vì thiếu súng đạn.
Theo Sputnik News, dù được huấn luyện bài bản để tham gia hàng loạt các chiến dịch đặc biệt trên toàn cầu, các đặc nhiệm SEAL cũng vẫn cần phải có đầy đủ súng đạn nếu muốn hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, do bị thiếu súng đạn nên các binh sĩ đặc nhiệm phải chấp nhận chia sẻ súng với nhau. Điều này có nghĩa là các binh sĩ sau khi thực hiện xong một chiến dịch sẽ phải bàn giao súng cho các binh sĩ sắp sửa tham gia chiến đấu.
Binh sĩ đặc nhiệm SEAL tham gia huấn luyện trong môi trường sa mạc. Ảnh Sputnik
Hạ Nghị sĩ Duncan Hunter cho biết, rất nhiều binh sĩ đặc nhiệm SEAL đã liên lạc với ông và than phiền về vấn đề này.
“Họ muốn có súng của riêng mình. Đó chính là một phần cuộc sống của họ. Vì thế, ít nhất hãy để họ được trang bị đầy đủ súng đạn cho đến khi họ không tham gia các chiến dịch nữa và trở về với công việc bàn giấy ở Lầu Năm Góc”, ông Hunter nói.
Nhiều đặc nhiệm SEAL còn than phiền rằng, họ không được cấp đủ đạn trong quá trình huấn luyện và chỉ được bắn đạn thật trong các chiến dịch chiến đấu.
Trong một bức thư gửi đến Tư lệnh Bộ Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Mỹ Phó Đô đốc Brian Losey hồi tháng 2, ông Hunter chỉ ra rằng, Lực lượng này đã được tăng ngân sách lên gần 11 triệu USD trong giai đoạn 2014-2015.
Dù vậy, bức thư nêu rõ “Lực lượng này vẫn đang phải gánh chịu việc thiếu ngân sách và điều này dẫn đến việc các đặc nhiệm SEAL không được trang bị các trang thiết bị và vũ khí cơ bản nhất để phục vụ huấn luyện chiến đấu”.
Ngoài ra, theo ông Hunter, nhiều khả năng, đa phần nguồn ngân sách này đổ vào việc mở rộng quân số của lực lượng đặc nhiệm mà không cần tính đến việc số binh sĩ mới này cũng cần các trang thiết bị và vũ khí.
Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt của Mỹ phụ trách Lực lượng Đặc nhiệm SEAL, Lính Mũ nồi Xanh và Lực lượng Đặc nhiệm Bộ binh Mỹ và Lực lượng Chiến đấu của Không quân Mỹ. Quân số hiện tại của Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt đã tăng từ 33.600 lên 56.000 người. Trong số đó, quân số của SEAL là 2.710.
Việc thiếu trang thiết bị vũ khí không chỉ ảnh hưởng đến các nhóm đặc nhiệm của SEAL mà còn khiến các Lực lượng Đặc nhiệm khác không thể tiếp cận các công nghệ quân sự tối tân hiện nay.
Ngoài ra, sự quan liêu trong quân đội Mỹ cũng đồng nghĩa với việc quá trình mua sắm các trang thiết bị vũ khí mới có thể mất ít nhất 4 năm. Đến lúc đó, đối phương có thể đã sở hữu những trang thiết bị và công nghệ mới hiện đại hơn nhiều.
Tướng Lục quân Joseph Votel, Tư lệnh Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt của Mỹ đã lên tiếng trấn an ông Hunter rằng, ông sẽ điều tra rõ vấn đề này.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ theo dõi sát sao việc này”, ông Votel cam kết trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ và nhấn mạnh “sẽ hành động ngay lập tức” nếu hiệu quả tác chiến của đặc nhiệm SEAL bị ảnh hưởng./.