Đàm phán chi phi quốc phòng Hàn Quốc - Mỹ không gây đột phá
VOV.VN - Ngày 16/1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết vòng đàm phán cuối cùng về vấn đề chi phi quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc đã kết thúc mà không đạt được đột phá.
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc, ông Jeong Eun-bo và trưởng đoàn đàm phán Mỹ James DeHart đã có vòng đàm phán thứ sáu hôm 14/1 vừa qua để gia hạn cho thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng, vốn được gọi là Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) đã hết hạn vào cuối năm ngoái.
Đàm phán chi phi quốc phòng Hàn Quốc - Mỹ không gây đột phá. Ảnh minh họa: Reuters |
Phát biểu trước báo giới sau vòng đàm phán cuối cùng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết cả hai bên đã mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau, song vẫn tồn tại những bất đồng. Bên cạnh đó, Trưởng đoàn đám phán Hàn Quốc, ông Jeong Eun-bo khẳng định sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận “hợp lý và công bằng” sớm nhất, trong phạm vi mà hai bên chấp nhận được, góp phần củng cố liên minh Hàn – Mỹ và sức mạnh quốc phòng của Hàn Quốc.
Từ năm 1991, theo Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA), Hàn Quốc bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), bao gồm chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho lực lượng đồn trú Mỹ, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần. Theo thống kê, Hàn Quốc năm ngoái đã đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2018.
Trải qua 5 vòng đàm phán kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Mỹ vẫn yêu cầu Hàn Quốc tăng mức đóng góp lên gần 5 tỷ USD cho thỏa thuận năm 2020, song Hàn Quốc cho rằng con số này không hợp lý. Tuy nhiên, hồi tháng trước, ông James DeHart khẳng định những con số này "không phản ánh đúng nội dung" mà hai bên đang đàm phán và con số thực tế mà hai bên thảo luận sẽ rất khác so với mức đề xuất ban đầu của Mỹ./.
Mỹ - Hàn chưa đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự