Điểm yếu của xe tăng hạng nặng Abrams Mỹ hỗ trợ cho Ukraine
VOV.VN - Xe tăng M1 Abrams mà Mỹ quyết định hỗ trợ cho Ukraine có những điểm yếu khiến cho chúng dễ bị phá hủy bởi những vũ khí thời Liên Xô, trong đó có xe tăng T-55, chuyên gia quân sự Sergey Suvorov nhận định trên Tass.
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng các xe tăng M1 Abrams hầu như không thể sửa chữa trong điều kiện chiến trường và không phù hợp cho những chiến dịch tại các vùng lãnh thổ nhiều bụi như ở Ukraine.
Ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Washington sẽ chuyển giao 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Trước đó, Đức và Ba Lan đã quyết định sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine. Ngoài ra, Anh cũng cho biết sẽ chuyến giao cho Kiev xe tăng hạng nặng Challenger 2.
Chuyên gia Sergey Suvorov cho rằng các xe tăng Abrams đã cho thấy điểm yếu trước đối phương trong chiến dịch ở Iraq.
"Kinh nghiệm chiến đấu ở Iraq đã cho thấy chúng có thể bị lửa phá hủy. Tháp pháo của xe tăng này từng bị pháo 100mm của xe tăng T-55 xuyên qua. Có cả những bằng chứng cho thấy xe tăng Abrams từng bị tấn công bởi súng tự đông của cả xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe BMP-2 của chúng tôi".
Chuyên gia này cũng nói rằng có những trường hợp cho thấy xe tăng của Mỹ từng bị xe tăng T-72 của Liên Xô phá hủy hoặc bị súng phóng lựu chống tăng RPG-7 xóa sổ.
Một máy phát điện phụ được lắp đặt phần phía sau của tháp pháo để cấp điện cho các hệ thống điện tử hiện đại cũng là một điểm yếu trong các phiên bản xe tăng Abrams được điều chỉnh sau này của Mỹ.
"Nó được bao phủ lớp giáp có thể chống lại đạn súng trường tấn công nhưng lại dễ tổn thương trước súng máy DShK 12,7mm. Nó từng bị tấn công bởi DShK và động cơ bị vỡ ra từng mảnh, trong khi dầu và nhiên liệu bốc cháy, tràn vào động cơ chính được đặt ở vị trí thấp hơn. Động cơ chính bốc cháy và sau đó chiếc xe tăng này tự thiêu rụi chính mình", chuyên gia quân sự này bình luận.
Ông cũng cho rằng xe tăng Abrams của Mỹ sẽ không có cơ hội để "đấu tay đôi" với các xe tăng của Nga.
"Nếu một chiếc Abrams xuất hiện từ xa, đội tăng T-72 hoặc T-90 sẽ phóng tên lửa chống tăng và chúng tôi có thể nói rằng Abrams thậm chí không có cơ hội để bắn một phát nào bởi tầm bắn của nó không cho phép nó thực hiện điều đó".
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự này cũng cho rằng hiệu quả thực sự của các xe tăng Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào các kỹ năng của chỉ huy trong việc vận hành chúng cũng như khả năng của các thành viên trong đội tăng được đào tạo.
Ngoài việc cần nhiên liệu máy bay phản lực sạch, các xe tăng Abrams còn gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quá trình vận hành, đặc biệt là việc chúng không thể sửa chữa được trong điều kiện chiến trường.
"Việc sửa chữa là một vấn đề lớn. Nếu có gì đó hỏng hóc trong nguồn điện, nó sẽ phải được lấy ra khỏi xe tăng và đưa tới cho những chuyên gia giàu kinh nghiệm sửa chữa, ngắt kết nối với hộp số và chỉ kết nối trở lại sau khi đã sửa chữa xong", ông Suvorov cho hay.
Hệ thống nạp khí của xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất cũng là một điểm yếu của phương tiện này.
"Chúng có hệ thống lọc khí hoạt động tương tự thiết bị được lắp đặt trên các xe cơ giới: Nếu nó bị tắc, nó sẽ cần được lấy ra ngoài và làm sạch. Trong khi đó, tất cả xe tăng của Nga đều được trạng bị các hệ thống gom bụi lốc xoáy, vốn là những thiết bị khá thông minh", chuyên gia này đánh giá, đồng thời cho biết bộ lọc của Abrams chỉ có thể hoạt động trong 15 phút trong điều kiện địa hình nhiều bụi trong suốt chiến dịch Iraq. Đây có lẽ là một trở ngại lớn trong việc triển khai các xe tăng Abrams trên chiến trường Ukraine, chuyên gia này cảnh báo.
"Nó vẫn có thể vận hành trong mùa đông nhưng vào mùa hè, ở Ukraine khá bụi".
Ông cũng chỉ ra điểm yếu của xe tăng Abrams liên quan đến tốc độ bắn và những đặc điểm thiết kế mà ông cho là không phù hợp như chiều cao của xe tăng và hệ thống nạp đạn bên trong./.