Điều khiến Nga lo ngại khi bị mất siêu tăng T-90M trên chiến trường
VOV.VN - Ukraine được cho là đang phối hợp với các chuyên gia của phương Tây để phân tích công nghệ bí mật trong các vũ khí Nga thu được trên chiến trường.
Kể từ khi xung đột bùng phát vào cuối tháng 2 vừa qua, cả Nga và Ukraine không chỉ phá hủy mà còn thu giữ được nhiều vũ khí của đối phương, trong số này có nhiều vũ khí hiện đại.
Trước đó vào tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết các chuyên gia Nga đang nghiên cứu kỹ lưỡng những thiết bị quân sự nước ngoài thu được ở Ukraine để tìm cách vô hiệu hoá chúng. Về phần mình, Ukraine cũng phối hợp với các chuyên gia của phương Tây để phân tích công nghệ bí mật trong các vũ khí Nga thu được trên chiến trường.
Ukraine cho biết, nước này đã thu giữ hàng chục xe tăng Nga, trong đó có xe tăng T-72, xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-80, thậm chí xe tăng hiện đại T-90. Theo giới phân tích, Ukraine có thể tân trang lại nhiều phương tiện trong số này và tái sử dụng trên chiến trường. Tuy vậy, riêng xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 "Proryv" nhiều khả năng sẽ không được đưa trở lại chiến đấu, thậm chí bị chuyển ra ngoài lãnh thổ Ukraine để nghiên cứu.
Sức mạnh của tăng T-90M Proryv
T-90 có thể cung cấp cho các chuyên gia phương Tây những thông tin quan trọng về một trong những phương tiện bọc thép tiên tiến nhất của Nga. T-90M Proryv là phiên bản hiện đại hóa mới nhất của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực lần đầu được đưa vào trang bị cho quân đội Nga vào năm 1994.
Phiên bản này đã được nâng cấp đáng kể về khả năng bảo vệ khả năng cơ động và hỏa lực. Nó được trang bị pháo nòng trơn 2A46M-4 125mm có khả năng bắn các loại đạn tiêu chuẩn cũng như tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) Reflek (định danh theo NATO là AT-11 SNIPER-B). Nó được tích hợp một trạm điều khiển vũ khí từ xa, trang bị súng máy hạng nặng NSVT 12,7mm và súng máy đồng trục PTKM 7,62mm, tổ hợp điều khiển bắn tự động số hóa và bộ ngắm ảnh nhiệt ngày/đêm; bộ nạp đạn tự động…
Cấu hình của Proryv tương tự như các mẫu xe tăng T-90 trước đây với khoang lái ở phía trước, tháp pháo ở phần giữa xe, khoang máy và truyền động ở phần cuối xe. Trưởng xe ngồi bên phải và trắc thủ ngồi bên trái trong khoang chiến đấu. Tăng T-90 sử dụng sử dụng động cơ diesel tăng áp V-92S2F công suất 1.000-1.130 mã lực và hộp số tự động, cung cấp cho chiếc chiến xa này khả năng cơ động rất cao, cho phép xe tăng đạt vận tốc 60 km/giờ trên đường trường và 50 km/giờ trên địa hình gập ghềnh.
MBT cũng được trang bị giáp phản ứng nổ Relikt ERA mới ở phía trước và 2 bên tháp pháo. Các lớp giáp này kết hợp với hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-M có độ tin cậy rất cao trong việc chống lại tên lửa của đối phương. Nga lần đầu tiên thử nghiệm xe tăng T-90M trong cuộc tập trận quân sự Zapad-2017 vào tháng 9/2017.
Phương Tây sẽ thu được gì?
Quá trình mổ xé, phân tích mẫu xe tăng này có thể mang lại những thông tin có giá trị. Theo Economist, việc thu giữ một loại vũ khí hiện đại như vậy sẽ giúp cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về công nghệ quân sự của đối phương. Tờ báo này lưu ý, các nỗ lực của Mỹ nhằm tiếp cận và phân tích mẫu xe tăng T-72 của Nga trong suốt chiến tranh Lạnh đã không thành công cho đến khi đặc vụ Mỹ mua một chiếc xe tăng như vậy từ một nhà buôn vũ khí người Romania vào năm 1987 khi nó được cho là một đống sắt vụn. Thỏa thuận mua bán này sau đó đã bị cơ quan tình báo Liên Xô KGB phát hiện.
Trên thực tế, Mỹ mất tới 14 năm để mổ xẻ chiếc xe tăng T-72 cũ của Liên Xô và vào thời điểm đó, mẫu xe tăng này đã được thay thế bằng những xe tăng mới hơn. Trái lái, T-90M được coi là một trong những xe tăng tốt nhất và hiện đại nhất của Nga, chỉ mới được đưa vào trang bị từ tháng 4/2020.
Những chiếc T-90M sản xuất đầu tiên được chuyển giao cho quân đoàn xe tăng Guards Tank Army số 1, thuộc Quân khi miền Tây của Nga. Nga chỉ triển khai một vài chiếc T-90M trên chiến trường Ukraine. Một số nhà quan sát cho rằng, Nga vẫn đang giữ lại khoảng 100 xe tăng chiến đấu chủ lực để phòng ngừa khả năng leo thang xung đột với NATO ở biê giới phía Tây nước này.
Việc mất xe tăng T-90M trên chiến trường có thể khiến Nga lo ngại phương Tây sẽ phát hiện ra những công nghệ quân sự quan trọng mà Moscow muốn giữ bí mật./.