Đường 14 - Phước Long: Bước ngoặt đi đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
VOV.VN - Đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, chiến dịch Đường 14 - Phước Long là thắng lợi có ý nghĩa rất to lớn, tạo bước ngoặt đi đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước là địa phương đầu tiên của miền Nam được giải phóng ngày 6/1/1975, mở đầu đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975) là thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lần đầu tiên, ta tiến công giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam (tỉnh Phước Long, nay thuộc tỉnh Bình Phước), uy hiếp trực diện tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn của địch, qua đó giúp Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nắm bắt thời cơ, quyết định mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long
Vào nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ, Đảng Lao động Việt Nam triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 30/9 - 8/10/1974) hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”. Về mặt thời gian, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, chia làm hai bước: Bước 1 (1975), tranh thủ thời cơ, mở cuộc tiến công lớn và rộng khắp, tiếp tục “tạo thế, tạo lực”. Bước 2 (1976), thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành toàn thắng.
Tuy nhiên, tập thể Bộ Chính trị nhận thấy: quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam lần này có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, vừa quyết định đến toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, nhưng đồng thời mang tính chất thời đại sâu sắc. Do đó, cần phải có thêm thời gian đánh giá tình hình kỹ hơn, thảo luận sâu sắc hơn, xây dựng kế hoạch đầy đủ hơn, để đi đến hạ quyết tâm chiến lược cuối cùng có cơ sở khoa học, bảo đảm chắc thắng.
Chấp hành nghị quyết Bộ Chính trị đề ra, ngay đầu mùa khô 1974 - 1975, quân dân ta trên chiến trường miền Nam đẩy mạnh hoạt động đấu tranh quân sự. Tại miền Đông Nam Bộ, tháng 10/1974, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (vừa mới thành lập ngày 20/7/1974) mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long nhằm mục đích: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; mở rộng vùng giải phóng, mở rộng đầu cầu tuyến hành lang chi viện chiến lược 559; tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực sẵn sàng tiến công Sài Gòn. Đồng chí Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn 4 được chỉ định làm Tư lệnh chiến dịch.
Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước) có vị trí chiến lược quan trọng: là nơi giao tiếp của 4 địa bàn gồm Nam Tây Nguyên, đông bắc Campuchia, miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ. Tuyến Đường 14 đi qua Phước Long dài hơn 100km trở thành cầu nối quan trọng nối liền Nam Tây Nguyên về miền Đông Nam Bộ. Trong khi đó, quân địch ở Phước Long tương đối mỏng. Toàn bộ lực lượng địch tại Phước Long có 4 tiểu đoàn bảo an, 2 đại đội cảnh sát, 10 trung đội pháo binh, 1 chi đội xe bọc thép, 60 trung đội dân vệ, 3.000 phòng vệ dân sự, phân bố thành 3 khu vực chính: Đồng Xoài, Bù Đăng, Thị xã Phước Long.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Quân đoàn 4 phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương tích cực chuẩn bị các mặt công tác cho chiến dịch với quyết tâm: Tiến công giải phóng toàn bộ khu vực Đường 14 đi qua Phước Long trên cả hai hướng Đồng Xoài (hướng chủ yếu) và Bù Đăng (hướng thứ yếu); đánh địch ứng cứu giải tỏa; hướng đến bao vây cô lập Thị xã Phước Long. Thời gian nổ súng dự kiến đầu tháng 12/1974.
Chỉ đạo chiến lược sáng tạo, giành thắng lợi to lớn
Sau khi nhận được báo cáo về kế hoạch tác chiến chiến dịch Đường 14 - Phước Long từ chiến trường gửi ra, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Phước Long là địa bàn nhạy cảm về chính trị (gần Sài Gòn - thủ phủ của chế độ ngụy) nên hoạt động quân sự của ta cần tiến hành từng bước, thận trọng để vừa bảo đảm chắc thắng, vừa thăm dò thực chất khả năng đối phó của quân đội Sài Gòn và phản ứng của Mỹ. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền: Trước mắt, không sử dụng xe tăng, pháo lớn (loại 130mm), không đồng thời tiến công cả hai hướng (Đồng Xoài, Bù Đăng); mà chỉ sử dụng một lực lượng thích hợp (sư đoàn tăng cường) tập trung tiến công hướng địch yếu nhất (Bù Đăng).
Chấp hành chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân đoàn 4 điều chỉnh kế hoạch, sử dụng Sư đoàn 3 chủ lực Miền làm nòng cốt cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng Bù Đăng, đồng thời vẫn để một bộ phận lực lượng đứng chân ở hướng Đồng Xoài, sẵn sàng phát triển thắng lợi khi có điều kiện.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 13/12/1974, chiến dịch Đường 14 - Phước Long chính thức bắt đầu. Chiến dịch diễn ra 3 đợt:
Đợt 1 (từ ngày 13 đến ngày 17/12/1974): Ta đánh chiếm hàng loạt đồn bốt địch ở km 19 trên Đường 14; tiến công làm chủ chi khu Bù Đăng (14/12/1974); vây ép yếu khu Bù Na, truy kích quân địch ở đây rút chạy, quét sạch các vị trí địch trên Đường 14 từ Bù Đăng đến sát Đồng Xoài. Kết thúc đợt 1 chiến dịch, ta thu nhiều vũ khí đạn dược, trong đó có 2 khẩu pháo 105mm với gần 6.500 đạn pháo).
Đợt 2 (từ ngày 23 đến ngày 28/12/1974): Sau khi ta giành chiến thắng đợt 1, địch không điều quân ứng cứu, chỉ cho máy bay ném bom chiến thuật hoạt động ở mức thấp (2 - 3 lần chiếc/ngày). Nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bộ Chỉ huy Miền nhanh chóng thực hiện kế hoạch giải phóng Đồng Xoài. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Chỉ huy Miền lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tăng cường lực lượng (lực lượng Sư đoàn 7, Sư đoàn 3 làm nòng cốt). Từ ngày 23 đến ngày 28/12/1974, quân ta nổ súng tiến công tiêu diệt các mục tiêu, giải phóng Đồng Xoài, thu nhiều vũ khí (trong đó có 3.000 đạn pháo và 1.500 đạn cối), đưa lực lượng áp sát Thị xã Phước Long.
Đợt 3 (từ ngày 31/12/1974 đến 6/1/1975): Thắng lợi Đồng Xoài đã làm cho tương quan chiến dịch thay đổi có tính chất đột biến theo hướng hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Địch bị mất hai khu vực quan trọng vòng ngoài (Bù Đăng, Đồng Xoài), làm cho Thị xã Phước Long nằm trong tình thế bị bao vây, cô lập hoàn toàn. Phản ứng của địch vẫn hạn chế, chúng chỉ đưa một tiểu đoàn bộ binh lên tăng cường cho Thị xã Phước Long. Nắm bắt thời cơ, theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đồng ý với quyết tâm lập tức giải phóng Thị xã và toàn tỉnh Phước Long. Để bảo đảm “chắc thắng, thắng nhanh gọn”, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho phép Bộ chỉ huy chiến dịch Đường 14 - Phước Long tiếp tục tăng cường lực lượng (lực lượng Sư đoàn 3, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 làm nòng cốt), cho phép sử dụng cả xe tăng, pháo lớn 130mm. Thực hiện quyết tâm đề ra, từ ngày 31/12/1974 đến 6/1/1975), ta tiến công đánh chiếm các mục tiêu, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Phước Long, kết thúc thắng lợi chiến dịch Đường 14 - Phước Long.
Kết quả toàn chiến dịch, ta diệt và bắt giữ hơn 4.000 địch, phá hủy 15 máy bay, 4 khẩu pháo, 3 xe bọc thép, thu giữ 3.125 súng các loại, 2 máy bay (C-113), 100 xe ô tô, 10.000 viên đạn pháo; giải phóng toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân. Chính quyền Sài Gòn tỏ ra bất lực, chấp nhận “bỏ rơi” Phước Long. Chính phủ Mỹ chỉ tuyên bố đe dọa ngoại giao.
Đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, chiến dịch Đường 14 - Phước Long là thắng lợi có ý nghĩa rất to lớn, tạo bước ngoặt đi đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975:
Thứ nhất, ta giải phóng một địa bàn quan trọng, mở thông hành lang chi viện chiến lược, tạo bàn đạp vững chắc cho các binh đoàn chủ lực cơ động hướng về giải phóng Sài Gòn.
Thứ hai, ta thu giữ một khối lượng vũ khí, nhất là pháo và đạn pháo lớn (là loại ta đang thiếu), đây là nguồn bổ sung trực tiếp cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định vào tháng 4/1975.
Thứ ba, chiến dịch Đường 14 - Phước Long là “đòn trinh sát chiến lược” cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ. Trên cơ sở đó, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (họp từ ngày 18/12/1974 - 8/1/1975) hạ quyết tâm chiến lược cuối cùng: Mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Sáng 6/1/1975, ngọn cờ cách mạng được cắm trên nóc Dinh Tỉnh trưởng Phước Long là bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ Chiến dịch mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 47 năm sau giải phóng, từ một vùng đất trong mưa bom bão đạn, hôm nay Phước Long đã đổi thay nhanh chóng, trở thành một địa phương phát triển của tỉnh Bình Phước.
Xác định phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp là “bàn đạp”, những năm qua, thị xã Phước Long tập trung thực hiện một số chương trình trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và xây dựng nông thôn mới; phát triển vùng công nghiệp thành trung tâm của ngành chế biến hạt điều ở Bình Phước.
Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân địa phương đang nỗ lực viết tiếp những bài ca chiến thắng trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như câu hát “vượt qua sông Bé oai hùng, về Phước Long xây chiến thắng”, in sâu trong tâm trí của mọi người khi nhắc đến Phước Long././.