F-35 sẽ được sản xuất hàng loạt trong năm 2022?

VOV.VN - Được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của không quân NATO trong nhiều thập kỷ tới và với nhu cầu đang tăng vọt, liệu tàng hình cơ F-35 có được sản xuất hàng loạt trong năm 2022?

F-35 - máy bay chiến đấu đa năng, đa nhiệm vụ

Lockheed Martin F-35 Lightning II có ba phiên bản là F-35A - cất, hạ cánh bình thường; F-35B - cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL); và F-35C - phiên bản dùng trên tàu sân bay. Một lý do khiến F-35 được ưa chuộng là tính linh hoạt. Là một máy bay chiến đấu đa năng, tàng hình cơ F-35 có thể đảm nhận hiệu quả 6 nhiệm vụ (tấn công chiến lược; hỗ trợ đường không; dành ưu thế trên không, tác chiến điện tử, tình báo, giám sát và trinh sát (ISR); chế áp phòng không đối phương (SEAD); và hủy diệt phòng không đối phương (DEAD)).

F-35 có thể mang theo 16 tên lửa các loại ở "chế độ quái thú" (còn được gọi là "ngày thứ ba chiến tranh"). F-35 có thể mang tải trọng nhỏ hơn nhưng có tầm bắn hiệu quả xa hơn trong hai khoang chứa vũ khí bên trong mà không phải hy sinh khả năng tàng hình. F-35 vượt trội so với bất kỳ máy bay thế hệ thứ tư nào, vì nó không dễ bị phát hiện, sở hữu các cảm biến và vũ khí mạnh, có khả năng hoạt động trong một mạng lưới và chống lại máy bay quân sự của đối phương một cách hiệu quả.

Có lẽ đặc điểm độc đáo nhất của F-35 là xử lý dữ liệu. Nó có thể thu thập thông tin mặt đất, trên biển, không gian hoặc trên không và chuyển dữ liệu cho các máy bay cũ hơn hoặc các đơn vị khác trên chiến trường. Trong các tình huống yểm trợ đường không, bộ điều khiển tác chiến của lực lượng không quân trên mặt đất có thể không nhìn thấy các mối đe dọa từ đường chân trời, nhưng nhờ F-35, các đơn vị hoạt động đặc biệt sẽ được thông báo về các mối nguy hiểm đó.

Theo DefenseWorld.net, hiện tại, trên thế giới có hơn 750 máy bay F-35 đang hoạt động từ 30 căn cứ và tàu chiến, chưa kể 19 chiếc không bay trên mặt đất, được chế tạo để thử nghiệm. Với hơn 1.585 phi công và 11.545 kỹ thuật viên được đào tạo, đội F-35 toàn cầu đã bay gần 500.000 giờ. 15 quốc gia đang sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-35, chủ yếu là các thành viên NATO; 9 quốc gia có F-35 tại căn cứ của riêng họ, 12 quốc gia đã công bố khả năng chiến đấu ban đầu và 6 quốc gia đã sử dụng F-35 trong chiến đấu.

Từ tháng 12/2019, Không quân Hoàng gia Na Uy (RoNAF) đã cho ngừng hoạt động các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16 Fighting Falcon cuối cùng khi các máy bay chiến đấu F-35A Lightning II thế hệ mới đảm nhận tất cả các nhiệm vụ chiến đấu. Tây Ban Nha, Hy Lạp và Cộng hòa Séc đang khởi động và có thể sớm mua F-35.

2021 - năm khởi sắc của F-35

Trong năm 2021, ở Mỹ, các máy bay chiến đấu F-35 đã đi vào hoạt động tại 4 căn cứ và tàu, đồng thời tham gia vào hơn 60 đợt triển khai, bao gồm lần triển khai F-35C đầu tiên trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Trong lần triển khai đầu tiên trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh trong khuôn khổ AUG 2021, các chiến đấu cơ F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ và Không quân Hoàng gia Anh đã thực hiện gần 1.300 phi vụ với hơn 2.200 giờ trên không và 44 nhiệm vụ chiến đấu.

Các máy bay F-35 cũng đã tham gia thành công một loạt các cuộc thử nghiệm và bài tập bay, bao gồm Project Hydra, Northern Edge, Orange Flag, Talisman Sabre và Flight Test-6. Các đặc tính hoạt động của F-35 vẫn ở mức cao. Một số cuộc triển khai và tập trận đã chứng tỏ khả năng sẵn sàng của F-35A; 93% các bộ phận của F-35 hoạt động đáng tin cậy hơn dự đoán.

Cũng trong năm 2021, Lockheed Martin đã cung cấp 142 chiếc F-35 cho Mỹ và các đồng minh, nhiều hơn 3 chiếc so với dự báo. Thêm 2 quốc gia là Thụy Sĩ và Phần Lan đã chọn F-35 để trang bị cho Không quân của họ. Phần Lan quyết định mua 64 chiếc F-35 để thay thế những chiếc F/A-18 cũ hơn. Thương vụ trị giá 9,44 tỷ USD với Phần Lan rất đáng chú ý vì Lockheed đã đánh bại các đối thủ từ 5 tập đoàn công nghiệp quốc phòng khác nhau. Với ngân khoản 6,35 tỷ USD, Thụy Sĩ muốn có 36 chiếc F-35 (còn chờ Quốc hội nước này thông qua).

Ngoài ra, Đan Mạch đã nhận được chiếc F-35 đầu tiên và Không quân Hoàng gia Hà Lan trở thành quốc gia thứ 9 công bố tình trạng sẵn sàng chiến đấu ban đầu của phi đội 4 chiếc F-35. Cho đến nay, 55 phi công Hà Lan đủ tiêu chuẩn lái F-35 đã có ít nhất 9.000 giờ bay trên tàng hình cơ này. Đây là một cú hích lớn đối với Hà Lan vì nước này sử dụng F-16 trong 30 năm qua. Hà Lan đã mua 24 chiếc F-35A và có kế hoạch mua thêm 24 chiếc khác.

Mới nhất, ngày 6/1/2022, F-35A Lightning II của Không quân Hoàng gia Na Uy chính thức nhận nhiệm vụ Cảnh báo phản ứng nhanh (Quick Reaction Alert - QRA) từ phi đội F-16, kết thúc sứ mệnh của F-16 sau 42 năm. Những chiếc F-35A của Na Uy đã đạt được Khả năng hoạt động ban đầu (Initial Operational Capability - IOC) ngày 6/11/2019, trở thành quốc gia châu Âu thứ ba đạt IOC với F-35, sau Italia và Anh. Khả năng hoạt động đầy đủ dự kiến ​​sẽ đạt được vào năm 2025, với phi đội 52 chiếc F-35A.

F-35 của Na Uy là duy nhất so với F-35 của các quốc gia khác vì chúng là những chiếc duy nhất tại thời điểm này sử dụng máng kéo khi hạ cánh. Nước này cũng là nước đầu tiên trên thế giới có phi đội máy bay chiến đấu bao gồm hoàn toàn máy bay tàng hình thế hệ thứ năm. Bức trang tổng thể cho thấy nhu cầu về F-35 đang tăng vọt.

F-35 sẽ được sản xuất hàng loạt trong năm 2022?

Chuẩn bị cho năm tài chính 2023, Không quân Mỹ đang xem xét giảm các loại máy bay chiến đấu vào năm 2030 (từ 7 xuống còn 4 loại). Bốn loại này có thể là: tiêm kích NGAD thế hệ mới thay thế F-22; tiêm kích tấn công F-35A - máy bay chiến đấu chủ lực của không quân chiến thuật; F-15EX thay thế toàn bộ phi đội F-15; và F-16 hoặc một loại máy bay mới thay thế nó. Đồng thời, họ đang tính xem họ cần bao nhiêu máy bay F-35.

Là một nền tảng cực kỳ đắt đỏ (cho đến ngày nay, chương trình F-35 dự kiến tiêu tốn 1,7 nghìn tỷ USD), việc sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình trong các nhiệm vụ mà các máy bay cũ hơn có thể thực hiện là rất lãng phí. Đó là một trong những lý do Không quân Mỹ quyết mua F-15EX Eagle II - một máy bay thế hệ 4,5 không có khả năng tàng hình. Trái ngược với chương trình F-22 Raptor, dự án F-35 vẫn hoạt động. Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch mua khoảng 2.500 máy bay các loại, và hơn một chục quốc gia sẽ mua hoặc đang bày tỏ quan tâm đến việc mua khoảng 500 chiếc.

Các chuyên gia cho rằng, Lầu Năm Góc không có khả năng mua đủ 1.763 máy bay F-35A theo dự kiến. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt giảm chương trình sẽ vấp phải sự phản đối của Quốc hội, đặc biệt là từ các nhà lập pháp mà các khu vực bầu cử đang hưởng lợi kinh tế từ việc sản xuất F-35 và những người đã vận động hành lang để tăng số lượng mua F-35 vượt quá yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng có thể làm tăng chi phí, vì nhà sản xuất Lockheed đã hơn một thập kỷ cố gắng để hạ giá F-35A xuống 80 triệu USD hoặc thấp hơn, tương đương máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.

Năm 2019, mục tiêu này đã đạt được với hợp đồng giao lô máy bay thứ 13, khiến sản lượng tăng mạnh và thu được lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, giá thành mỗi chiếc khó có thể giảm xuống dưới 78 triệu USD. Năm 2017, khi bàn giao lô F-35 thứ 10 cho Mỹ và các nước tham gia chương trình được thống nhất, chi phí mua máy bay chiến đấu này cao hơn nhiều so với hiện tại - F- 35A - 94,6 triệu, F-35 - 122,8 triệu, F-35C 121,8 triệu USD.

F-35 hiện là một trong hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đang được sản xuất và trang bị ở cấp độ phi đội, được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của không quân NATO trong nhiều thập kỷ tới. Việc sản xuất hàng loạt F-35 được nhận định là sẽ bắt đầu vào năm 2022, với dự báo ban đầu - có thể là 151 đến 153 chiếc. Bắt đầu từ năm 2023, có thể có thêm 156 chiếc cho Mỹ. Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Không quân khoảng 1.700 chiếc F-35A, Thủy quân Lục chiến - khoảng 410 chiếc F-35B và F-35C, và Hải quân - khoảng 270 chiếc F-35C. Xét về nhu cầu trong nước và quốc tế, Lockheed Martin sẽ khá bận rộn trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán về chương trình máy bay chiến đấu F-35
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán về chương trình máy bay chiến đấu F-35

VOV.VN - Theo Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, hiện nước này đang đàm phán với Mỹ về chương trình máy bay chiến đấu F-35.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán về chương trình máy bay chiến đấu F-35

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán về chương trình máy bay chiến đấu F-35

VOV.VN - Theo Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, hiện nước này đang đàm phán với Mỹ về chương trình máy bay chiến đấu F-35.

Mỹ triển khai thường trực F-35 tới châu Âu để đối phó với Nga
Mỹ triển khai thường trực F-35 tới châu Âu để đối phó với Nga

VOV.VN - 4 máy bay F-35 đầu tiên của Không quân Mỹ được triển khai thường trực tại châu Âu đã hạ cánh xuống căn cứ Lakenheath, Đông Nam nước Anh ngày 16/12.

Mỹ triển khai thường trực F-35 tới châu Âu để đối phó với Nga

Mỹ triển khai thường trực F-35 tới châu Âu để đối phó với Nga

VOV.VN - 4 máy bay F-35 đầu tiên của Không quân Mỹ được triển khai thường trực tại châu Âu đã hạ cánh xuống căn cứ Lakenheath, Đông Nam nước Anh ngày 16/12.

Thái Lan muốn mua máy bay tàng hình F-35 của Mỹ
Thái Lan muốn mua máy bay tàng hình F-35 của Mỹ

VOV.VN - Tổng tư lệnh Không quân Hoàng gia Thái Lan Napadej Dhupatemiya cho biết, không quân nước này đang để mắt tới việc mua 8 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ để nâng cao khả năng phòng thủ đất nước.

Thái Lan muốn mua máy bay tàng hình F-35 của Mỹ

Thái Lan muốn mua máy bay tàng hình F-35 của Mỹ

VOV.VN - Tổng tư lệnh Không quân Hoàng gia Thái Lan Napadej Dhupatemiya cho biết, không quân nước này đang để mắt tới việc mua 8 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ để nâng cao khả năng phòng thủ đất nước.