Hải quân Mỹ chi tiền “khủng” mua tàu ngầm đối phó với Trung Quốc
VOV.VN - Ngày 2/12, Hải quân Mỹ công bố hợp đồng quân sự đắt đỏ với khoản tiền lên tới 22,2 tỷ USD để đầu tư vào hệ thống tàu ngầm hiện đại nhất thế giới.
Hợp đồng "khủng" này bao gồm 9 tàu tấn công hạt nhân lớp Virginia được tiến hành chỉ trong vài tháng sau khi người đứng đầu Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường đáng kể lực lượng hải quân và những vấn đề lực lượng của Mỹ gặp phải do thiếu tàu ngầm để đối phó.
Hải quân Mỹ chi tiền khủng mua tàu ngầm đối phó với Trung Quốc. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Thỏa thuận quân sự mới này "đánh dấu sự phản hồi gần đây nhất của Hải quân Mỹ với sự gia tăng ảnh hưởng về quân sự và các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương", Carl Schuster - cựu Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhận định.
“Hải quân Mỹ đang ngày càng mạnh hơn và lớn hơn khiến Hải quân Mỹ phải tìm cách đối phó. Điều ấy không biến Trung Quốc thành một kẻ thù song các hành động của Bắc Kinh sẽ nằm trong sự giám sát", ông Schuster cho biết.
Các tàu ngầm lớp Virginia là nền tảng hoạt động đa nhiệm dưới biển quan trọng của Hải quân Mỹ. Chúng có khả năng chống các tàu ngầm, tàu trên mặt biển và các mục tiêu đất liền, cũng như tiến hành các chiến dịch đặc biệt, trong đó có việc thu thập thông tin tình báo và trinh sát.
18 tàu ngầm đã sẵn sàng hoạt động trong hạm đội của Hải quân Mỹ trong khi 10 tàu ngầm khác đang nằm trong những giai đoạn xây dựng khác nhau.
Tuy nhiên, 9 tàu ngầm mới sẽ cho thấy sự nâng cấp đáng kể đối với những hệ thống tiền nhiệm của nó trong lớp Virginia này. Hải quân cũng có lựa chọn sẽ tăng thêm tàu ngầm thứ 10 trong hợp đồng này và nếu điều này xảy ra, giá trị của thỏa thuận quân sự này có thể lên tới 24 tỷ USD.
Trên trang web của Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc David Goggins, giám đốc điều hành chương trình tàu ngầm của Hải quân Mỹ cho rằng việc sắm thêm 9 tàu ngầm mới này là một "bước nhảy vọt quan trọng về năng lực tàu ngầm cho Hải quân".
Chúng sẽ lớn hơn, thành các tàu 10.200 tấn so với 7.800 tấn của các tàu ngầm hiện tại. Chúng sẽ dài hơn, với chiều dài là 140 mét so với 114 mét trước đây và chúng có hỏa lực mạnh hơn đáng kể cùng khả năng tiến hành các cuộc tấn công với 40 tên lửa hành trình Tomahawk so với con số 12 như nhưng tàu hiện nay.
Những tàu ngầm này cũng có thể tự tạo ra nước và oxy cũng như chìm dưới nước liên tục trong nhiều tháng.
Các chuyên gia nhận định rằng Mỹ đang đối mặt với sức ép chưa từng có tiền lệ tại Thái Bình Dương, chủ yếu đến từ hải quân Trung Quốc khi lực lượng này đang có những bước nhảy lớn cả về số lượng và chất lượng hạm đội tàu ngầm.
Tháng 5/2019, Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Hải quân Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động từ 56 - 70 tàu ngầm vào năm 2020.
Kể từ đây, lực lượng của Trung Quốc được cho là sẽ ngày càng phát triển với dự đoán trong 5 năm tới có thể bắt đầu xây dựng các tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến tương tự như các tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
Báo cáo hồi tháng 8 từ các nhà phân tích của Australia cũng đặt câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc theo kịp sự tiến bộ của Trung Quốc và cảnh báo Washington đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng được ví như "sự phá sản chiến lược".
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney thì cảnh báo về gánh nặng đối với các tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ.
"Nói một cách đơn giản, khi môi trường trên mặt đất trở nên thách thức hơn bởi việc Trung Quốc triển khai các tên lửa hành trình, công nghệ siêu thanh và phòng không, lợi thế hiện có của Mỹ trong chiến tranh dưới biển sẽ ngày càng quan trọng đối với sự cân bằng quyền lực trong khu vực", báo cáo này khẳng định.
Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii nhận định tại Quốc hội Mỹ hồi đầu năm nay là các hoạt động tàu ngầm của Mỹ trước các đối thủ ở Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã tăng lên gấp 3 kể từ năm 2008./.