HIMARS sẽ giúp Mỹ sẽ thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Âu?

VOV.VN - Được triển khai nhanh chóng và bí mật tại các quốc gia Baltic và Đông Âu, HIMARS sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Âu, buộc Nga phải có đối sách và các giải pháp đối phó.

Hệ thống HIMARS

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao M142 (M142 High-Mobility Artillery Rocket System - HIMARS) là hệ thống tên lửa phóng loạt chiến thuật hạng nhẹ đặt trên khung xe tải tiêu chuẩn của Lục quân M1140, được phát triển vào năm 1996 cho Quân đội Mỹ. HIMARS có thể sử dụng toàn bộ dòng đạn của Hệ thống phóng nhiều lần (MFOM) và dùng chung đạn với Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270A1, tuy nhiên chỉ có thể mang một quả thay vì hai quả tiêu chuẩn với các biến thể M270 và A1.

Hệ thống M142 do Lockheed Martin Missiles & Fire Control sản xuất, là phiên bản bánh lốp hạng nhẹ, sử dụng cùng một thiết bị phóng như của MLRS M270, có thể chứa 6 tên lửa M26, M30/M31 cỡ 227mm (tầm bắn 70km) hoặc một tên lửa đất đối đất MGM-140 ATACMS (MGM-140 Army Tactical Missile System, tầm bắn 2-300km). Tên lửa dùng nhiên liệu rắn có sử dụng hệ dẫn đường quán tính và GPS hỗ trợ này nặng 160-247kg, gắn đầu đạn nổ, mảnh, hoặc xuyên phá.

Tổ hợp này có chiều dài 7m, rộng 2,4m, cao 3,2m, nặng 16.200kg, tốc độ di chuyển 85km/h, dự trữ hành trình 480km, kíp xe 3 thành viên (tuy nhiên, hệ thống điều khiển hỏa lực dựa trên máy tính cho phép kíp xe gồm hai hoặc một binh sĩ có thể tải và dỡ hệ thống). M142 có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự C-130, cho phép tiếp cận các khu vực không thể tiếp cận đối với các máy bay lớn hơn như C-141 và C-5. Hệ thống điều khiển hỏa lực, chương trình và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho phép thực hiện các thao tác bắn ở chế độ tự động hoặc thủ công.

Trong chiến đấu, trạm chỉ huy và điều khiển sẽ truyền dữ liệu mục tiêu đã chọn thông qua một liên kết dữ liệu an toàn tới máy tính. Chỉ trong 16 giây, máy tính cài dữ liệu mục tiêu vào bệ phóng và nhanh chóng cung cấp các tín hiệu cho kíp xe để nạp và bắn một số lượng đạn được chọn trước. Kíp xe có thể chọn nhiều loại xạ kích khác nhau đã lập trình sẵn, được lưu trữ trong máy tính. Theo chương trình có sự tham gia của Anh, Italy, Pháp, Đức và Mỹ, tháng 4/2004, HIMARS đã phóng thành công tên lửa dẫn đường tầm xa mới GMLRS với tầm bắn hơn 70km.

Tính đến tháng 10/2018, Lockheed Martin đã chuyển giao khoảng 500 bệ phóng HIMARS cho Quân đội Mỹ và các khách hàng quốc tế. Hiện M142 HIMARS có trong trang bị của các Lực lượng vũ trang Mỹ (Lục quân, Vệ binh Quốc gia và Thủy quân Lục chiến), Singapore, Các Tiểu Vương quốc Arab thống  nhất, Jordan, Canada, Qatar, Ba Lan, Romania, Philippines... M142 HIMARS từng tham gia thực chiến tại Afganistan, Syria và Iraq.

HIMARS sẽ thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Âu?

Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để cung cấp các bệ phóng HIMARS, GMLRS cùng nhiều vũ khí, các thiết bị hỗ trợ hậu cần, huấn luyện, kỹ thuật và liên lạc liên quan cho Ba Lan, Bahrain và Romania. Trong vài tháng tới, Romania sẽ nhận được hệ thống phòng thủ tên lửa HIMARS và sẽ trở thành quốc gia NATO đầu tiên triển khai loại vũ khí này trên lãnh thổ của mình. HIMARS giúp Romania củng cố chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như vị thế của mình với tư cách là người bảo đảm an ninh của châu Âu ở Sườn Đông của NATO và lưu vực Biển Đen.

Ngày 25/11/2020, lực lượng mặt đất của Mỹ ở châu Âu đã chuyển hai bệ phóng M142 HIMARS bằng máy bay vận tải C-130 Hercules từ căn cứ Ramstein ở Đức đến một thao trường ở Romania và bắn về hướng Biển Đen, sau đó bay về căn cứ đồn trú. Giống như vụ khiêu khích ở Viễn Đông, cuộc hành quân của NATO và vụ phóng không gây ra mối đe dọa quân sự ngay lập tức đối với Nga, nhưng nó mang tính biểu tượng và kèm theo những tuyên bố hiếu chiến.

Tạp chí Forbes đã đăng bài viết nói rằng, Quân đội Mỹ ở châu Âu đã lấy lại được hỏa lực tầm xa, Mỹ đã gây bất ngờ khó chịu cho quân đội Nga ở Crimea, và đây là một thông điệp dành cho Moscow... Mỹ đã cho cả Nga và các đồng minh châu Âu thấy, họ sẵn sàng tấn công phủ đầu bất kỳ mục tiêu nào bằng MLRS M142 HIMARS ở khoảng cách lên tới 300km.

Trong thời đại của tên lửa hành trình, UAV tấn công, máy bay tàng hình và các loại máy bay khác…, pháo binh vẫn không mất đi vai trò quan trọng trên chiến trường. Các tổ hợp pháo tự hành có thể khai hỏa và nhanh chóng di chuyển khỏi vị trí tác chiến, khiến việc phản đòn trở nên khó khăn hơn. Có nhiều hệ thống tên lửa phóng loạt có khả năng tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu trên diện rộng. Tầm bắn tối đa của MLRS "Smerch" của Nga đạt 120km, của "Tornado" có thể tăng lên 200km; đạn có thể điều khiển cũng đã được phát triển cho Tornado-S.

Việc sử dụng các loại đạn hiện đại, có thể điều hướng biến "vua chiến trường" thành vũ khí thực sự chính xác, giúp chúng có vai trò ngày càng cao trong chiến tranh hiện đại. MLRS М142 HIMARS của Mỹ được trình diễn thành công ở Romania dùng tên lửa MGM-140В ATACMS Block 1A mới, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 300km, tiệm cận gần hơn với các tổ hợp tên lửa chiến thuật về khả năng chiến đấu. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự, mặc dù phạm vi được tăng lên đáng kể, HIMARS từ Romania không thể tạo ra mối đe dọa cho Crimea, như đã được công bố trên tạp chí Forbes.

Tuy vậy, một bức tranh hoàn toàn khác xuất hiện nếu các MLRS này được triển khai nhanh chóng và bí mật tới các quốc gia Baltic và Ba Lan, vốn là bàn đạp lý tưởng cho một cuộc tấn công của NATO vào khu vực Kaliningrad. Vùng lãnh thổ Nga này thực sự là một "cái gai" trong cơ thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì căn cứ Hải quân của Hạm đội Baltic với các tàu được trang bị tên lửa "Calibre" và cả các tổ hợp tên lửa chiến thuật "Iskander-M", trong tương lai sẽ có thể bao phủ toàn bộ châu Âu.

Trong trường hợp xảy ra xung đột giữa NATO và Nga, liên minh NATO sẽ phải giải quyết “vấn đề” Kaliningrad đầu tiên. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng vì hỏa lực hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa tại khu vực này mạnh nhất nước Nga. Không quân Mỹ cùng với các đồng minh có thể phải chịu thương vong, tổn thất nặng nề, nếu tiến hành các cuộc không kích.

Nhưng rất nhiều điều có thể thay đổi nếu trước tiên, một cuộc tấn công giải giáp/vô hiệu hóa vũ khí bằng pháo binh được thực hiện nhằm vào các vị trí phòng không bảo vệ Iskander-M. Từ khoảng cách vài trăm km, M142 HIMARS MLRS có thể bất ngờ và nhanh chóng san phẳng các cấu phần quan trọng của hệ thống phòng thủ của Nga. Hiệu quả của các hoạt động sẽ tăng lên nếu các UAV tấn công do Israel sản xuất hoạt động song song với chúng, dọn sạch bầu trời cho máy bay ném bom B-52 và tên lửa hành trình. Các chuyên gia Nga coi mối đe dọa này là hiện hữu và không thể bỏ qua.

Trong trường hợp có chiến tranh, Ukraine cũng có thể được sử dụng như một tiền đồn chống Nga. Từ các khu vực biên giới của nước này, HIMARS có thể tấn công các mục tiêu ở phía tây nước Nga, cũng như Crimea - những nơi tập trung nhiều căn cứ quân sự của Moscow. Và các nước cộng hòa không được công nhận ở Donbass có nhiều “cơ hội” nhất để hứng chịu hậu quả pháo kích từ MLRS của Mỹ. Rõ ràng, HIMARS của Mỹ sẽ thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Âu, buộc Nga phải có đối sách và các giải pháp đối phó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Australia và Mỹ chuẩn bị thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh
Australia và Mỹ chuẩn bị thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh

VOV.VN - Australia và Mỹ đang chuẩn bị thử nghiệm vũ khí siêu thanh, có tốc độ nhanh hơn ít nhất 5 lần so với tốc độ âm thanh.

Australia và Mỹ chuẩn bị thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh

Australia và Mỹ chuẩn bị thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh

VOV.VN - Australia và Mỹ đang chuẩn bị thử nghiệm vũ khí siêu thanh, có tốc độ nhanh hơn ít nhất 5 lần so với tốc độ âm thanh.

Phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực – sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Nga
Phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực – sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Nga

VOV.VN - Mỹ và Nga phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực cho tương lai xa với cách tiếp cận khác nhau - Nga phát triển xe T-14 Armata hoàn toàn mới, trong khi Mỹ hiện đại hóa xe tăng M1 Abrams hiện có, và đã tạo ra những kết quả rất khác nhau.

Phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực – sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Nga

Phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực – sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Nga

VOV.VN - Mỹ và Nga phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực cho tương lai xa với cách tiếp cận khác nhau - Nga phát triển xe T-14 Armata hoàn toàn mới, trong khi Mỹ hiện đại hóa xe tăng M1 Abrams hiện có, và đã tạo ra những kết quả rất khác nhau.

Mỹ hạ sát "kiến trúc sư" chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng như thế nào?
Mỹ hạ sát "kiến trúc sư" chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng như thế nào?

VOV.VN - Vụ ám sát Yamamoto được coi là tiền lệ cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày nay, nhưng thú vị là so với những tranh cãi về các vụ ám sát có chủ đích hiện nay, có rất ít ồn ào về quyết định giết Yamamoto.

Mỹ hạ sát "kiến trúc sư" chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng như thế nào?

Mỹ hạ sát "kiến trúc sư" chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng như thế nào?

VOV.VN - Vụ ám sát Yamamoto được coi là tiền lệ cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày nay, nhưng thú vị là so với những tranh cãi về các vụ ám sát có chủ đích hiện nay, có rất ít ồn ào về quyết định giết Yamamoto.