Không quân Mỹ “dọn đường” để chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon “tái xuất”
VOV.VN - Do chi phí cho tàng hình cơ F-35 quá cao, Không quân Mỹ có thể sớm đặt hàng máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16 mới sau gần hai thập kỷ ký hợp đồng sản xuất cuối cùng.
“Dọn đường” để F-16 Fighting Falcon “tái xuất”
Không quân Mỹ dường như đã thay đổi quyết định sau lần rà soát mới nhất về danh mục máy bay chiến thuật, hứa hẹn mang lại một sự thay đổi lớn về thực lực trong đề nghị ngân sách tài khóa 2023. Việc xem xét có thể dẫn đến tài trợ sản xuất các máy bay chiến đấu như F-16, Boeing F-15EX và một loạt “máy bay thực thụ” (“attritable aircraft”), chấm dứt sự độc quyền của Lockheed’s F-35A. Theo thuật ngữ quân sự, các thiết kế “thực thụ” dùng để chỉ những thiết kế có thể được tái sử dụng ít nhất vài lần với mức bảo dưỡng tối thiểu.
Các chuyên gia đang đổ lỗi cho giá của F-35 về quyết định này. Tuần san Hàng không & Công nghệ Không gian cũng cho biết, Không quân Mỹ đang xem xét các yêu cầu chiến thuật của họ cho thập kỷ 2020 và có thể sớm bắt đầu mua thêm F-16. Lực lượng này đã có khoảng 900 chiếc F-16, bao gồm 783 chiếc F-16C một chỗ ngồi và 151 chiếc F-16D. Không quân Mỹ hiện đang phải vật lộn với việc duy trì một đội máy bay chiến đấu già cỗi và thiếu hụt năng lực đáng kể và việc giao máy bay thay thế chắc chắn sẽ bị trì hoãn trong thập kỷ tới.
Lộ trình cung cấp máy bay chiến đấu nội bộ được tiến hành bởi Khả năng Tích hợp Chiến đấu của Không quân (Air Force Warfighting Integration Capability) bắt đầu vào năm 2018 với dự kiến mua các máy bay F-16 mới và Các Hệ thống bay Độc lập Không người lái (Unmanned Autonomous Systems - UAS) “thực sự”, như một phần của cuộc đánh giá đang diễn ra. Lộ trình kêu gọi hạn chế đơn đặt hàng F-35 ở mức khoảng 1.050 chiếc (trước đó được Không quân Mỹ dự kiến 1.763 chiếc).
“Việc đánh giá mở ra khả năng Không quân có thể đặt mua 4 loại máy bay chiến đấu khác nhau - F-35A, F-15EX, F-16 Block 70/72 và một máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo - trong khi tiếp tục vận hành Lockheed F-22 và A-10”, Aviation Week & Space Technology đưa tin. Không quân Mỹ đang xem xét sử dụng một lần nữa máy bay phản lực không tàng hình cùng với máy bay thế hệ thứ năm F-35, mang lại cho chúng vai trò chiến đấu thường trực trong những thập kỷ tới.
Theo các báo cáo, sự thất vọng với chi phí quá cao liên quan đến việc vận hành các máy bay phản lực tàng hình ở Lầu Năm Góc hiện đang được bộc lộ. Khi đó, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, trong khi trả lời câu hỏi về máy bay F-35 từ một phóng viên, đã gọi chương trình máy bay chiến đấu đắt tiền nhất của Mỹ là một “thứ vớ vẩn”.
Mặc dù được trang bị công nghệ hàng chục năm tuổi nhưng F-16 mới có radar mảng pha quét điện tử chủ động (Active Electronically Scanned Array - AESA), tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (Advanced Medium-Range Air-to-Air Missile – AMRAAM) tầm xa hơn và thùng nhiên liệu phù hợp với thân máy bay. Lần cuối cùng Không quân Mỹ mua một chiếc F-16 mới là vào đầu những năm 2000, và việc nâng cấp mới loại máy bay này được thực hiện do nhu cầu từ các quốc gia khác.
F-16 Block 70/72 hay F-16V mới mang đến nhiều cải tiến hiện đại cho chiến trường với radar APG-83 AESA, khả năng tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, một máy tính điều khiển chuyến bay mới và Auto GCAS - một tính năng giúp máy bay tránh chạm đất nếu phi công bất tỉnh hoặc mất phương hướng.
Với mỗi chiếc F-35A có giá khoảng 110 triệu USD, mục tiêu thay thế phi đội F-16 bằng máy bay tiêm kích tàng hình F-35A của Không quân Mỹ đã gặp phải trở ngại. Thêm vào đó là chi phí hoạt động khổng lồ của USAF đã gây khó chịu cho những người đứng đầu Lầu Năm Góc. Không ai có thể tưởng tượng rằng lực lượng này sẽ lại mua các máy bay chiến đấu không tàng hình sau khi được thuyết phục là F-35 sẽ không có giá trên 50 triệu USD.
Lợi thế của F-16 Fighting Falcon
Được biết, 16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu phản lực đa năng hạng nhẹ hiện đại, được phát triển bởi General Dynamics. Năm 1993, General Dynamics bán mảng sản xuất máy bay của mình cho Tập đoàn Lockheed, nay là Lockheed Martin. Tính linh hoạt của Fighting Falcon là lý do tối quan trọng khiến nó thành công trên thị trường xuất khẩu và đang phục vụ tại hơn 24 quốc gia. Đây là chương trình máy bay chiến đấu lớn nhất và có lẽ là quan trọng nhất của phương Tây, với hơn 4.000 chiếc được chế tạo. Mặc dù từ năm 2000 Không quân Mỹ không đặt hàng, F-16 vẫn được sản xuất để xuất khẩu.
Những khiếm khuyết của F-4 Phantom II trong không chiến, đặc biệt là ở cự ly gần, đã định hình nên các thông số kỹ thuật của F-15 Eagle. Tuy nhiên, một nhóm không chính thức và có ảnh hưởng có biệt danh là “Fighter Mafia”, tin rằng F-15 là một bước đi sai hướng. Họ cho rằng F-15 quá lớn và đắt tiền. Được thiết kế như một máy bay đánh chặn nhanh, nó có bán kính quay vòng rộng và không thích hợp cho các cuộc không chiến tầm gần.
Các thông số kỹ thuật đó đã trở thành chương trình Máy bay chiến đấu hạng nhẹ (Lightweight Fighter - LWF), bắt đầu vào năm 1971 - Fighting Falcon F-16. Fighting Falcon được coi là một chiến đấu cơ xuất sắc trong không chiến. Mặc dù tên phổ biến chính thức của F-16 là “Fighting Falcon”, nó được các phi công biết đến với cái tên “Viper”, mật danh dự án của General Dynamics trong thời gian đầu phát triển. Ngay từ đầu, F-16 đã được dự định trở thành một “con ngựa chiến” hiệu quả về chi phí, có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau và duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động suốt ngày đêm.
Nó đơn giản và nhẹ hơn nhiều so với tiền nhiệm, nhưng sử dụng khí động học và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến (bao gồm cả việc sử dụng Fly-by-wire (FBW) - hệ thống thay thế các điều khiển bay bằng tay thông thường của máy bay bằng giao diện điện tử; các chuyển động của bộ điều khiển bay được chuyển đổi thành tín hiệu điện tử truyền qua dây và máy tính điều khiển chuyến bay xác định cách di chuyển bộ truyền động ở mỗi bề mặt điều, khiến nó có biệt danh là “máy bay phản lực điện tử”) để duy trì hiệu suất cao.
F-16 có kíp lái 1 thành viên, dài 14,8m, cao 4,8m, sải cánh 9,8m, trọng lượng cất cánh 16,875 tấn, tốc độ 2.100km/h, tầm bay trên 3.200km, trần bay 15.240m. Chiến đấu cơ hạng nhè này được trang bị một khẩu pháo M61 Vulcan và có thể được trang bị tên lửa không đối không và nhiều loại tên lửa hoặc bom…
Không quân Mỹ hiện đang trên đường đưa F-16 trở thành máy bay chiến đấu giá rẻ - hơn 40 năm sau khi nó lần đầu tiên được đưa vào sử dụng. Các chuyên gia quân sự đặt câu hỏi liệu Mỹ có tạo lợi thế chiến đấu bằng cách đưa các máy bay chiến đấu lỗi thời trở lại biên chế khi các đối thủ của họ đang đầu tư mạnh vào các loại máy bay chiến đấu cực kỳ hiện đại hay không?./.