Doanh nghiệp Việt kiều, kênh kết nối hữu hiệu cho hàng Việt vào EU

VOV.VN - Doanh nghiệp trong nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều ở EU hợp tác tốt sẽ tăng khả năng trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trường.

"Doanh nghiệp trong nước được trao đổi, xây dựng mối quan hệ với các DN Việt kiều tại châu Âu hiện đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư và nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. DN Việt Nam được cập nhật những thông tin mới nhất về các chính sách ưu đãi đầu tư, cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng với Liên minh châu Âu (EU) ".

Thông điệp trên được đưa ra tại Diễn đàn trực tuyến “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA): Con đường đắc lợi - Con đường gian nan”­­ do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đồng tổ chức chiều 29/7, tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội).

Tại diễn đàn, đại diện các Hiệp hội, DN trong nước và DN Việt kiều tại EU cùng có chung nhận định, Hiệp định EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội cho DN Việt Nam và châu Âu khi có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu.

Diễn đàn trực tuyến “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA): Con đường đắc lợi - Con đường gian nan”.

Tuy nhiên, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ “song hành” cùng khó khăn và thách thức. Bởi vậy, doanh nghiệp hai bên cần có sự chủ động, có kế hoạch triển khai cụ thể nhằm nắm bắt những cơ hội do Hiệp định mang lại.

Khẳng định thế mạnh của DN trong việc đáp ứng nhu cầu hợp tác liên kết, tạo quan hệ bền vững trong sản xuất kinh doanh thương mại với tại thị trường EU, ông Trần Văn Sen, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình) cho biết, DN hoàn toàn có đủ điều kiện cũng như năng lực để thực hiện các hợp đồng sản xuất và xuất nhập khẩu với các đối tác EU.

"Tập đoàn Hương Sen mong muốn và đề nghị các đối tác EU cũng như các DN Việt kiều tại EU xem DN là đầu mối giao dịch đáng tin cậy, từ đó hợp tác thực hiện các hợp đồng mang tính quy mô từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và EU. Hương Sen hi vọng thông qua Hiệp định EVFTA các DN Việt Nam tại EU tạo ra kênh phân phối rộng khắp để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm hàng hóa của người tiêu dùng tại thị trường EU", ông Sen nói.

Bày tỏ sự tin tưởng vào thị trường EU trong việc đưa sản phẩm của thuốc đông dược, thực phẩm chức năng đến với cộng đồng người Việt và người tiêu dùng EU, Ths.Nguyễn Thị Hương Liên, Phó TGĐ Công ty CP Sao Thái Dương  cũng mong muốn, trong quá trình hội nhập với EVFTA, DN cần thêm nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm của các doanh nhân đã thành công tại thị trường EU, từ đó có cơ hội xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của DN đến với thị trường rộng lớn này.

"Trong xu hướng nhiều người muốn điều trị bệnh bằng dược liệu tự nhiên, DN rất mong các Hiệp hội, các cơ quan thương vụ tư vấn thêm cho ngành thảo dược phát triển mạnh hơn nữa, thông qua việc kết nối các DN tại EU với Sao Thái Dương để giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn dược liệu quý của Việt Nam mà thế giới chưa từng biết đến", bà Liên mong muốn.

Kết nối doanh nghiệp Việt kiều là kênh hữu hiệu

Chia sẻ với những thắc mắc của DN trong nước, ông Trần Hữu Triệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam tại Liên bang Nga nhận xét, sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã tạo được dấu ấn và ngày càng được đánh giá cao tại nước ngoài nhờ vào các FTA. Tuy nhiên, vị thế hàng Việt Nam trên thị trường thế giới còn khiêm tốn so với tiềm năng. Điểm yếu này không phải do chất lượng kém mà do các DN Việt Nam chưa tìm hiểu kỹ thị thiếu, thị trường nên mẫu mã hàng hóa chưa bắt măt, đóng gói chưa đúng quy cách để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU.

"Sản phẩm của Việt Nam được nhập vào Nga chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, việc phân phối theo chuỗi vẫn phụ thuộc vào các tập đoàn Nga. Các DN chưa chú trọng marketing, bao tiêu sản phẩm, quảng bá sản phẩm vẫn tự phát chưa chuyên nghiệp cũng như chưa coi trọng chữ tín", ông Triệu chỉ rõ.

Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại thị trường EU.

Tương tự, ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Ba Lan cho rằng, do đa số các DN Việt kiều ở Ba Lan là DN nhỏ nên thiếu kinh nghiệm làm đại lý cho các DN trong nước. Khi EVFTA có hiệu lực, hàng Việt Nam và EU cùng có lợi thế hơn vì giá thành giảm. Chính thế nên hiện các DN Việt Nam ở Ba Lan đã tìm được đường vận tải hàng không ; một phần bằng tàu biển đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa giữa hai thị trường được thuận lợi.

Tuy nhiên ông Bình cũng chỉ rõ, việc hợp tác giữa hai thị trường thời gian qua kém hiệu quả. Nhiều mẫu mã hàng hóa của Việt Nam ít cải tiến nên chỉ còn 20% thị phần hàng hóa Việt Nam bán tại châu Âu. Các DN Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các sản phẩm theo nhu cầu của các nước EU. Các trung tâm thương mại của cộng đồng người Việt ở EU cũng cần mở rộng, hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu khi có sẵn các đầu mối để hợp tác, tìm kiếm bạn hàng.

Theo ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội DN Việt kiều tại châu Âu, ngay từ bây giờ cần thiết lập kênh thông tin thông qua các Hiệp hội Việt kiều ở châu Âu, các thương vụ Việt Nam các Hiệp hội DN tại các nước thành viên EU từ đó các DN Việt Nam sẵn có đầu mối liên hệ. Khi có sự kết nối chặt chẽ giữa các DN và cộng đồng DN Việt kiều sẽ hiện thực hóa cơ hội mang lại trong kết nối giao thương.

"Các DN trong nước cần áp dụng cơ chế mua đứt bán đoạn. Ủy ban người Việt Nam tại nước ngoài sẵn sàng là đại diện được ủy quyền để tìm kiếm khách hàng cho các DN, hoặc Hiệp hội các DN Việt kiều tại châu Âu làm đại lý hàng cho các thương hiệu của Việt Nam khi chưa được khuếch trương, quảng bá ở EU. Ngoài ra, các cơ quan này cũng có thể cùng DN Việt Nam đầu tư sản xuất, dịch vụ, bất động sản ở EU để mang lại hiệu quả lớn", ông Huê định hướng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên