Mỹ điều “kỵ binh” ném bom B-1B tập trận bắn đạn thật gần biên giới Nga

VOV.VN - Không quân Mỹ tại châu Âu nhấn mạnh, B-1B góp phần vào sự ổn định ở châu Âu, đồng thời gửi đi thông điệp răn đe đối với bất cứ kẻ thù tiềm tàng nào.

“Không có mục tiêu nào cách quá xa”

Đầu tuần này, hai chiếc Lancer từ Căn cứ không quân Allsworth ở Nam Dakota đã có chuyến bay tới Biển Baltic tham gia cuộc tập trận với các đối tác NATO, theo thông báo ngày 6/5 của Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu. Đài phát thanh Estonia cho biết, đây là nhiệm vụ kéo dài 24 giờ đồng hồ cả đi và về.

Tuyên bố cho biết 2 chiếc máy bay ném bom đã tham gia huấn luyện tương tác và phối hợp với những chiếc F-16 Falcon của Không quân Đan Mạch cũng như diễn tập phối hợp hỗ trợ trên không Estonia ở Tapa Range, cách biên giới Nga hơn 100km.

“Huấn luyện với các đồng minh NATO và các đối tác sẽ góp phần tăng cường khả năng phối hợp tác chiến. Những chiếc máy bay ném bom chiến lược góp phần vào sự ổn định ở châu Âu bằng cách gửi đi thông điệp răn đe đối với bất cứ kẻ thù tiềm tàng nào”, tuyên bố nhấn mạnh.

Theo Bộ Quốc phòng Estonia, 2 chiếc máy bay ném bom cũng tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật mang tên “Cơn bão mùa xuân” (Spring Storm).

Do Estonia dẫn đầu, cuộc tập trận Cơn bão mùa xuân là phép thử cho sự phối hợp giữa các binh sỹ NATO với Lực lượng Phòng vệ Estonia (EDF), đẩy mạnh khả năng của họ trong bối cảnh khủng khoảng. Do dịch Covid-19, quy mô của cuộc tập trận năm nay được thu nhỏ, chỉ có 3.200 binh sỹ tham gia, trong khi số lượng của năm ngoái là 9.000”, NATO cho biết ngày 6/5.

B-1B Lancer bay cùng F-16 của Không quân Hoàng gia Thụy Điển trong nhiệm vụ huấn luyện ngày 5/5/2020. Ảnh: Không quân hoàng gia Thụy Điển

“Điều quan trọng là các đồng minh của chúng tôi đều hiểu rằng an ninh là điều không thể trì hoãn trong giai đoạn xảy ra đại dịch”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Juri Luik nói với Baltic Times hôm 5/5.

Lần gần đây nhất Lancer có mặt ở châu Âu là tháng 11/2018 khi tham gia tập trận Trident Juncture của NATO.

Nhiệm vụ hôm 4/5 là mới đây nhất của Lancer trong các nhiệm vụ xuyên lục địa của Không quân Mỹ. Trước đó, ngày 1/5, hai chiếc Lancer đã có chuyến bay kéo dài 32 giờ từ Ellsworth tới Biển Đông.

Tuần trước đó, một chiếc Lancer đã thực hiện nhiệm vụ kéo dài 29 giờ tới Biển Nhật Bản để diễn tập với các chiến cơ Nhật Bản ở ngoài khơi Wonsan.

Ngày 3/5, Mỹ điều 4 chiếc Lancer từ Căn cứ Không quân Andersen tới đảo Guam.

Những “kỵ binh kiệt sức”

Dù Mỹ tuyên bố có thể tấn công bất cứ nơi nào với phi đội máy bay ném bom chiến lược, Lầu Năm Góc đã thẳng thắn nói rằng Lancer đã làm việc quá công suất trong những năm gần đây, và điều này dẫn tới hạn chế cả về số lượng máy bay có thể sẵn sàng nhiệm vụ cũng như hiệu quả của những chiếc vẫn còn có thể bay được.

B-1B Lancer tiếp dầu từ KC-135 trong cuộc tập trận ngày 5/5/2020. Ảnh: Kelly Oconnor

Trong đề xuất ngân sách năm tài khóa 2021, Không quân Mỹ đã đề nghị cho nghỉ hưu 17 trong số 61 chiếc Lancer vì tần suất sử dụng quá cao. Những chiếc Lancer mới đây nhất do Rockwell chế tạo những năm 1990 và được thiết kế với tốc độ siêu thanh bay tầm thấp để có thể mang vũ khí hạt nhân mà không bị phát hiện, tuy nhiên, viêc Lầu Năm Góc tái điều chỉnh mục đích sử dụng Lancer cho các nhiệm vụ hỗ trợ trên không trong các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và Syria đang khiến chúng hư hỏng ở tỷ lệ ngày càng tăng.

Cuối năm 2019, Không quân Mỹ xem xét việc dừng sử dụng thường xuyên công nghệ bay men theo địa hình nhằm giảm hao mòn đối với máy bay. Tháng 8/2019, Sputnik đưa tin chỉ có 6 trong số 61 chiếc B-1B Lancer sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu (GSC) của Không quân Mỹ đang xem xét việc điều chỉnh lại mục đích để sử dụng những chiếc Lancer còn lại như một nền tảng tên lửa tầm xa. Với sự điều chỉnh này, một chiếc Lancer có thể mang 31 tên lửa siêu thanh hoặc 40 tên lửa các loại khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên