Nga bắt thóp điểm yếu của tên lửa “Thủy thần” mà Ukraine tuyên bố bắn nổ S-400
VOV.VN - Dù được coi là một trong những vũ khí lợi hại nhất của Ukraine, nhưng tên lửa diệt hạm R-360 Neptune hay còn gọi là tên lửa “Thủy thần” vẫn không thể vượt qua được hệ thống phòng không của Nga.
Trong nhiều năm qua, Ukraine đã đặt kỳ vọng lớn và hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển RK-360MT Neptune sử dụng tên lửa chống hạm R-360 Neptune. Kiev cho rằng loại tên lửa này sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh của quân đội.
Khi xung đột nổ ra, Ukraine đã sử dụng Neptune để tấn công các mục tiêu của Nga, nhưng các cuộc tấn công này dường như không đáp ứng kỳ vọng khi tên lửa trở thành mục tiêu đánh chặn của hệ thống phòng không Nga.
Tính năng của tên lửa diệt hạm “Thủy thần”
Ukraine nhiều lần tuyên bố đã dùng tên lửa Neptune tấn công các phương tiện và tàu thuyền của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong khi các lực lượng vũ trang Nga cho biết đã tấn công các nhà máy chế tạo vũ khí của Ukraine, trong đó có các cơ sở sản xuất tên lửa Neptune, khiến Kiev gặp khó khăn trong việc chế tạo tên lửa này với số lượng lớn.
Truyền thông Ukraine hôm 23/8 đưa tin, các lực lượng nước này đã sử dụng tên lửa chống hạm cải tiến Neptune phá hủy hệ thống phòng không S-400 của Nga ở Crimea. Thông tin này được đăng tải kèm với một video cho thấy nhiều mảnh vỡ của hệ thống S-400 bị văng ra sau vụ tấn công. Trong khi đó ngày 29/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Hệ thống phòng không Nga đã đánh chặn ba tên lửa được phóng từ bệ phóng HIMARS, trong đó có một tên lửa chống hạm R360-Neptune”. Tên lửa được cho là đang hướng tới Crimea nhưng đã bị bắn hạ trên biển.
Tên lửa R-360 Neptune thực chất là phiên bản sửa đổi của tên lửa chống hạm Kh-35 cũ do Liên Xô thiết kế. Từng có giai đoạn việc sản xuất bị dừng lại. Nhưng vào năm 2019, Kiev quyết định nối lại quá trình sản xuất tên lửa này.
Một số doanh nghiệp Ukraine đã chế tạo lại dựa trên thiết kế ban đầu của Kh-35. Nhiệm vụ chính của họ là thay thế các linh kiện không có sẵn bằng linh kiện do chính họ sản xuất. Ngoài ra, hệ thống tên lửa ven biển RK-360MT cũng đang được phát triển dựa trên các bộ phận sẵn có. Ukraine hoàn thành các cuộc thử nghiệm vào giữa năm 2020 và đã nhanh chóng đưa tổ hợp tên lửa này vào sử dụng.
Hệ thống phòng thủ bờ biển RK-360MT Neptune bao gồm một bệ phóng di động mang theo 4 tên lửa đặt trên đặt trên khung gầm xe tải Tatra hoặc KrAZ, giúp chúng có thể nhanh chóng thay đổi vị trí, một phương tiện vận chuyển/nạp đạn, một phương tiện chỉ huy và điều khiển. Tên lửa được phóng bằng bệ phóng tự hành USPU-360. Xe phóng có thể được bố trí cách biển tới 25 km. Quá trình khai hỏa hệ thống tên lửa mất khoảng 15 phút.
Tên lửa Neptune là bản sao của tên lửa Kh-35, nên có nhiều đặc điểm tương tự, với chiều dài 4,4m; đường kính 0,4m; nặng 870kg, trong đó đầu đạn nổ phá mảnh nặng từ 145-150kg. Loại đầu đạn này đủ khả năng đánh chìm tàu quân sự đối phương có trọng tải khoảng 5.000 tấn, chẳng hạn như khu trục hạm. Tên lửa có tầm bắn khoảng 300 km và đạt tốc độ cận âm. Neptune được trang bị hệ thống dẫn dường quán tính với radar giai đoạn chủ động cuối.
Biện pháp đối phó của Nga
Xét từ khía cạnh phòng không, R-360 là tên lửa khí động học cận âm, không có hệ thống giúp làm giảm tầm nhìn của radar đối phương, vì thế rất dễ bị phát hiện và đánh chặn. Tên lửa rất dễ lộ diện khi bay trên biển, khiến hệ thống phòng không của Nga không mất nhiều thời gian đối phó.
Bên cạnh đó, R-360 Neptune có những đặc tính giống với tên lửa Kh-36 có từ thời Liên Xô nên Nga có thể dễ dàng nhận biết điểm yếu của chúng. Vào năm 2022, có một số báo cáo về việc tên lửa đã nhiều lần bắn trượt mục tiêu. Tờ Ukrainska Pravda của Ukraine cho rằng, có khả năng đặc vụ Nga đã xâm nhập vào bên trong hoặc gần nhà máy sản xuất Design Bureau Luch có trụ sở tại Kiev – một nhánh của Ukroboronprom, cố ý làm sai lệch hệ thống dẫn đường của tên lửa.
Trong trường hợp Ukraine huy động một tiểu đoàn tên lửa để bắn cùng lúc nhiều tên lửa Neptune thì điều này có thể đặt ra thách thức lớn đối với lực lượng phòng không hoặc gây sức ép cho hệ thống phòng thủ của Nga. Chưa kể, trong một số điều kiện nhất định, việc phóng từng tên lửa đơn lẻ cũng có thể giúp Ukraine bắn hạ được mục tiêu.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, khả năng Ukraine tiến hành cuộc tấn công bằng cách phóng hàng loạt tên lửa Neptune rất khó xảy ra. Một mặt, Kiev được cho là không đủ tên lửa để sử dụng với số lượng lớn. Mặt khác, cuộc tấn công như vậy có thể làm lộ vị trí của tiểu đoàn tên lửa, khiến họ nhanh chóng trở thành mục tiêu của Nga.