Nga lần đầu sử dụng robot tự sát Lyagushka tấn công mục tiêu Ukraine
VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng nước này đã triển khai phương tiện mặt đất không người lái tự sát Lyagushka (Frog) trên chiến trường và đã phá hủy mục tiêu Ukraine ở Avdiivka.
“Các binh sỹ của lực lượng đặc biệt thuộc nhóm chiến đấu Tsentr đã lần đầu tiên sử dụng tổ hợp robot Lyagushka hoạt động trên mặt đất và phá hủy mục tiêu Ukraine trong chiến dịch tấn công trên hướng Avdiivka”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Đoạn video được Sputnik đăng tải cho thấy robot Lyagushka mang đầy mìn len lỏi vào chiến hào và cho nổ tung súng máy hạng nặng của Ukraine.
Phương tiện mặt đất không người lái cảm tử Lyagushka được cung cấp năng lượng nhờ động cơ điện, khiến nó gần như không phát ra tiếng ồn. Lyagushka có kích thước nhỏ gọn và tốc độ lên tới 20km/h, nó có thể tiếp cận vị trí của đối phương mà không bị phát hiện. Lyagushka có thể mang trọng tải nổ lên tới 30kg.
Kíp vận hành robot Lyagushka gồm 3 người, sử dụng bộ điều khiển từ xa và kính bảo hộ đặc biệt. Một camera được lắp trên ăng-ten của thiết bị cho phép người vận hành điều khiển phương tiện tránh chướng ngại vật trong quá trình tiếp cận mục tiêu. Ăng-ten bổ sung của kíp vận hành cho phép duy trì quyền kiểm soát robot ở khoảng cách lên tới hơn 3 km.
Theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot cảm tử và robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường.
Cuối tuần trước, Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga cho biết đã chế tạo một mẫu robot bánh xích góc nhìn thứ nhất có tên Depesha, được trang bị đầu nổ để tấn công theo kiểu tự sát nhằm vào binh sĩ, khí tài và phòng tuyến “răng rồng” của đối phương.
“Răng rồng” là những khối bê tông dạng kim tự tháp được xếp thành hàng ngang nhằm cản trở xe tăng, thiết giáp, hiện được sử dụng phổ biến trên chiến trường Ukraine. Khi đối mặt với phòng tuyến dạng này, tăng thiết giáp thường phải vòng tránh và dễ rơi vào trận địa mai phục của đối phương.
Ngoài Depesha, Đơn vị High Precision Complexes Holding (một phần của Rostec) đã phát triển tổ hợp robot đa chức năng Buggy. Buggy gắn trên khung gầm bánh xe và được điều khiển bằng tay cầm và máy tính bảng.