Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật như thế nào một khi chiến tranh nổ ra?
VOV.VN - Lầu Năm Góc tin tưởng nếu có đụng độ Mỹ-Nga, Moscow sẽ không mạo hiểm trả đũa bằng bộ ba chiến lược mà sẽ tự giới hạn bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, mặc dù Học thuyết quốc phòng Nga đưa ra cách đáp trả kẻ thù bằng tất cả các lực lượng có thể.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật khác với bộ ba chiến lược như thế nào
Tiêu chí phân loại chung coi vũ khí hạt nhân chiến thuật (Tactical Nuclear Weapons - TNW) là phương tiện phá hủy các khu vực kiên cố, kho tàng, cơ sở hạ tầng của vùng và sinh lực trong khuôn khổ một khu vực tác chiến. Phạm vi sử dụng của nó không vượt quá 1.000km và thường giới hạn trong khoảng 500-600km. Để phá hủy hoàn toàn các thành phố ở bất kỳ đâu trên thế giới, người ta sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược - bố trí trên đất liền, trên biển và trên không - còn gọi là bộ ba hạt nhân.
Mỹ cho rằng, trong tương lai một cuộc xung đột giữa các siêu cường quân sự, với mức độ xác suất cao các bên sẽ chỉ bị giới hạn ở vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các chuyên gia Lầu Năm Góc tin rằng, chỉ có Nga và có thể Trung Quốc có bộ ba nguyên tử phi chiến lược: tên lửa hành trình bố trí trên đất liền tầm ngắn và tầm trung, tên lửa hành trình và chiến thuật trên tàu ngầm và tàu chiến, và chủ yếu là vũ khí hạt nhân được sử dụng bằng máy bay.
Cần hiểu rằng, bản thân vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ không hiệu quả nếu không có các phương tiện sử dụng đáng tin cậy, trong đó, không quân là cấu phần quan trọng nhất. Tất cả các cuộc tập trận lớn của quân đội Nga, theo các nguồn mở, đều mô phỏng các cuộc không kích bằng đầu đạn hạt nhân chiến thuật chống lại kẻ thù giả định. Bộ Quốc phòng Nga gọi một chiến lược như vậy nhằm làm "giảm xâm lược bằng hạt nhân" - nghĩa là đạt được hòa bình với sự trợ giúp của bom và tên lửa hạt nhân công suất thấp.
Máy bay "giảm leo thang hạt nhân" Nga
Về mặt kỹ thuật, tất cả các máy bay tiêm kích của Nga, chưa kể đến máy bay ném bom chuyên dụng, đều có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nhưng theo các chuyên gia Mỹ, máy bay lưỡng dụng Su-34 và Su-24M2 là phương tiện lý tưởng cho mục đích này. Chúng sẽ là những phương tiện đầu tiên thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế nhằm vào hệ thống phòng không của đối phương để thống lĩnh bầu trời trong cuộc xung đột. Trong tương lai, tổ hợp hàng không Su-57 thế hệ thứ 5 mới sẽ tham gia các sứ mệnh tiềm năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mặc dù các chuyên gia NATO cho rằng Su-57 kém hơn các máy bay F-22 và F-35 về khả năng tàng hình radar, nhưng tổ hợp hàng không thế hệ 5 của Nga này lại vượt trội tiêm kích tấn công Mỹ về tốc độ và khả năng cơ động khi thực hiện các bài diễn tập chống tên lửa. Tháng 5/2018, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã công bố một đoạn video phóng tên lửa tấn công X-59MK2 từ khoang chứa bom của Su-57, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tiêu diệt các mục tiêu lớn mà không cần thâm nhập vùng phòng không của đối phương.
Chạy đua công nghệ quân sự
Tuy không phải không có khuyết điểm nhưng lại "tàng hình" đối với nhiều loại radar hàng không, tiêm kích F-35 Lightning II của Không quân Mỹ đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với không quân Nga. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế, việc bảo tồn cơ sở hạ tầng quân sự được đặt lên hàng đầu. Đó là lý do tại sao các chuyên gia NATO viết, "một cuộc tấn công của Nga bằng vũ khí hạt nhân nhỏ vào hệ thống phòng không và sân bay của NATO sẽ khiến việc sử dụng F-35 trở nên không thể", vì máy bay này cần được hỗ trợ công nghệ cao.
Nếu quan sát kỹ cuộc chạy đua công nghệ quân sự, có thể thấy từ lâu người Mỹ đã có những lợi thế không bàn cãi về khả năng "tàng hình" - che dấu để máy bay không bị phát hiện bằng radar. Nhưng chính thực tế này đã khiến Nga tập trung vào việc phát triển tên lửa không đối không và không đối đất. Kết quả là, ngày nay một thực tế đã nảy sinh: về nguyên tắc, trình độ hiện tại của các công cụ phân tích dân dụng và công nghệ phòng thí nghiệm giúp các kỹ sư Nga có thể tiến gần hơn đến việc làm sáng tỏ những bí mật của "máy bay tàng hình" của Mỹ, nhưng để người Mỹ đạt đến trình độ của Nga về tên lửa không đối không và không đối đất sẽ mất ít nhất một thập kỷ và tốn rất nhiều tiền.
Không phải ngẫu nhiên mà Lầu Năm Góc đang hợp tác chặt chẽ để trang bị lại các tên lửa JASSM, JASSM-ER và LRASM cho các máy bay chiến đấu thế hệ 4 của mình. Trên thực tế, nó lặp lại cách tiếp cận của Nga đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng không thành công như họ mong muốn. Điều này được chứng minh bằng các cuộc không kích của JASSM vào Syria vào tháng 4/2018, khi các phương tiện mang này đã bị các hệ thống tác chiến điện tử của Nga chế áp.
Nga, có hệ thống tên lửa tốc độ cao hiện đại để sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, được phóng từ máy bay tiêm kích Su-34 thế hệ 4 +++, có khả năng tiêu diệt toàn bộ quân đội NATO và cơ sở hạ tầng quân sự của khối này ở độ sâu 600km trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến. Nếu Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga nhận được máy bay tiêm kích MIG-41 với tên lửa siêu thanh Kinzhal mới có tầm bắn 2.000km+ sẽ như “hổ mọc thêm cánh”, quân đội và cơ sở hạ tầng của toàn châu Âu sẽ nằm trong vùng hủy diệt của cặp “song kiếm hợp bích” này.
Nga có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân chiến thuật?
Ngày nay, không có thông tin xác thực nào về việc Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các số liệu trên Internet không đáng tin cậy, vì Bộ Quốc phòng Nga đã bảo mật thông tin này, không để rò rỉ. Tuy nhiên, cũng không biết NATO có bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật. Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số nguồn tin Ukraine cho biết vào thời điểm đó, kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Liên Xô có thể có tổng cộng 22.000 đơn vị với công suất vài kiloton. Hiện tại, con số này có lẽ cao hơn nhiều lần.
Ngày nay, vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ tương đương từ 10 đến 100 tấn TNT được coi là thích hợp nhất về công suất. Quả bom nguyên tử nhỏ nhất nặng không quá 50kg, nhưng vụ nổ của nó sẽ hủy diệt tất cả sự sống khu vực có bán kính 300m; chỉ những ai ở cách xa ít nhất 800m từ tâm chấn mới sống sót, đảm bảo tiêu diệt một trung đoàn địch trong khu vực phòng thủ. Việc thu nhỏ đầu đạn là rất quan trọng đối với vũ khí hạt nhân chiến thuật, cho phép sử dụng chúng trên quy mô lớn để tiêu diệt sinh lực và thiết bị quân sự của đối phương.
Các thành tựu khoa học Nga trong lĩnh vực vi nguồn năng lượng hạt nhân, số lượng và sự đa dạng có thể có của vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga làm cho các tướng lĩnh NATO phải “kiềng”. Không có ngoại lệ, tất cả các phi công chiến đấu của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đều có khả năng tham gia thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng các phi công Su-34 và Su-24M2 sẽ là những người làm việc đó tốt nhất./.