Nỗ lực mới của Nga và Ukraine nhằm đối phó với “sát thủ trên không” của nhau
VOV.VN - Tại Ukraine, súng trường trở thành biện pháp phòng thủ mới chống lại máy bay không người lái nhỏ.
Quân đội Nga và Ukraine đang biến súng thành các vũ khí có khả năng đối phó với các UAV phát nổ, thử nghiệm nhiều loại đạn khác nhau để xác định loại đạn tốt nhất, các chuyên gia nhận định.
Nỗ lực mới nhằm biến vũ khí của các binh lính thành biện pháp phòng thủ cuối cùng chống lại máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) có thể phát nổ đã thể hiện một hướng tiếp cận có hệ thống đối với phương tiện đã cướp đi vô số sinh mạng trên chiến trường này.
"Các máy bay không người lái FPV đã trở nên hiệu quả hơn nhiều thông qua những cải tiến về kỹ thuật và kỹ năng của phi công. Ngoài ra, nhiều hệ thống gây nhiễu và tác chiến điện tử chiến thuật không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả như mong đợi - điều này buộc các binh lính phải phát triển các phương pháp bắn hạ UAV trong 100 mét cuối cùng của hành trình bay", Sam Bendett, Cố vấn tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Washington, cho biết.
Hiệu quả của việc sử dụng các vũ khí nhỏ để chống lại các loại máy bay không người lái này vẫn chưa chắc chắn, phần lớn phụ thuộc vào may mắn và kỹ năng của phi công, ông Bendett cho hay.
Khi một phát súng tiến tới mục tiêu, kích thước của viên đạn và cấu trúc UAV sẽ quyết định khả năng đánh chặn thành công.
Vào đầu tháng 11, trang web tin tức quân sự của Đức là Hartpunkt đã đưa tin về một tài liệu từ Bộ tư lệnh Lực lượng đặc biệt Ukraine, trong đó xem xét việc quân đội Nga sử dụng súng ngắn 12-gauge để chống lại máy bay không người lái nhỏ.
Theo phân tích trên, mối đe dọa liên quan đến FPV được coi là rất nghiêm trọng, đến mức được khuyến nghị là nên bố trí một xạ thủ chuyên nghiệp ở phía sau mỗi phương tiện quân sự gần tiền tuyến trong trường hợp các hệ thống tác chiến điện tử không vô hiệu hóa được các UAV phát nổ đang lao tới.
Trang web này cũng cho biết quân đội Nga theo dõi một số điểm khởi hành của các UAV Ukraine và cử một số xạ thủ phục kích để nhắm vào chúng.
Lữ đoàn Tấn công số 3 của Ukraine đã tiến hành một cuộc bắn thử nghiệm vào đầu tháng này, mô phỏng một cuộc tấn công FPV để tìm ra loại đạn nào hiệu quả nhất. Các binh lính đã so sánh việc bắn đạn tiêu chuẩn và đạn chống UAV chuyên dụng bằng nhiều loại súng khác nhau, bao gồm cả súng ngắn.
Trong phần lớn các trường hợp, FPV không chỉ không bị bắn hạ mà ngay cả khi bị hư hại, phương tiện này vẫn có thể tiếp tục bay vì lực bắn quá yếu.
Một số chiến thuật phòng thủ UAV tầm ngắn xuất phát từ Ukraine đã thu hút sự chú ý từ các công ty súng và đạn dược phương Tây,
Trong số đó có nhà sản xuất đạn Norma của Thụy Điển, cũng là một phần của Beretta Holding, công ty đã phát triển và thử nghiệm đạn chống máy bay không người lái tầm xa hiệu quả nhằm đối phó với FPV. Trong quá trình thử nghiệm, loại đạn này đã "bắn hạ dữ dội" 6 trong số 7 máy bay không người lái được triển khai ở khoảng cách lên tới 50 mét, Bradley, người đã quan sát các cuộc thử nghiệm, cho hay.